Không để Trung Quốc có cớ

Sau khi Trung Quốc rút quân trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, tôi không thể quên cái câu mà họ vẫn nói “Một tấc đất cũng không thèm”.

Và sau hơn ba thập kỷ, có vẻ câu ấy vẫn được nhắc lại song song với việc dàn khoan khổng lồ đang hạ đặt trái phép với sự hiện diện của máy bay, tàu chiến Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.

Nhưng chính từ sự kiện không ai mong muốn ấy, những người Việt lại một lần nữa nhìn thấy ở đồng bào mình trách nhiệm với Tổ quốc, với dân tộc.

Lòng người đang có sóng. Sóng đến độ những thanh niên chân đất hiền hành từ một vùng quê xứ Quảng tự phát xuống đường với những tấm biểu ngữ nghệch ngoạc tự viết.

Nổi sóng và sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, như bài thơ người lính viết tặng con trước giờ ra đảo.

Không để Trung Quốc có cớ ảnh 1

Hàng nghìn công nhân tập trung trước cổng các doanh nghiệp Trung Quốc để phản đối việc nước này hạ đặt giàn khoan trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Ảnh: VnExpress

Tổ quốc gọi rồi... cha phải đi thôi

Con trai à, việc nhà nhờ con nhé

Vì cha biết... con rất mạnh mẽ

Sẽ là bờ vai cho mẹ dựa thay cha...

Con trai à, cha phải ra đi

Vì biển Đông còn chưa nguôi sóng dữ

Vì đồng chí, đồng đội đang ngày đêm cố giữ

Không cho kẻ thù, chạm vào đất quê hương...

Cho đến hôm qua, ở Bình Dương, Đồng Nai hàng nghìn công nhân đã tự phát xuống đường. Câu chuyện lòng yêu nước được thôi thúc hôm nay chính là niềm tự hào của dân tộc: Không một người Việt nào có thể khoanh tay đứng nhìn tổ quốc bị xâm lăng.

Chỉ có điều đã có những phản ứng thái quá khi cuộc tuần hành bày tỏ thái độ đối với Trung Quốc sau đó đã biến thành đập phá và lửa cháy. Quá khích đến nỗi trước bất cứ doanh nghiệp có tên bằng chữ tượng hình thì đều bị “đả đảo”.

Đầu năm ngoái, khi tấm biển “Không phục vụ người Nhật Bản, người Philippines, người Việt Nam và chó” xuất hiện trước cửa một nhà hàng ở Bắc Kinh, Tu Lâm, một du học sinh người dân Trung Quốc đã viết: “đó không phải là sự sáng tạo của người Trung Quốc, mà đã có từ hơn 100 năm trước”. Du học sinh ấy muốn nhắc lại tấm biển “Người Hoa và chó không được vào” được treo trước một công viên ở Thượng Hải thời kỳ Trung Quốc bị chiếm đóng. Cả trăm năm qua, người dân Trung Quốc vẫn dùng tấm biển đó để dạy trẻ con như một sự sỉ nhục không bao giờ được phép quên lãng.

Đến hôm nay, phải nhắc lại lời của Tu Lâm, rằng: “Thật ra tấm biển này chẳng gây ra tổn hại cho người Nhật, người Philippines hay người Việt Nam, người bị thiệt hại chính là người Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan”.

Nhục mạ, kỳ thị, phân biệt, đập phá, cướp bóc, đốt phá chưa bao giờ là biểu hiện của lòng yêu nước.

Nếu chưa tin tôi, bạn hãy đọc Lỗ Tấn đi: “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu (Tạm dịch: Qua cơn phong ba anh em vẫn còn đó, gặp nhau cười một tiếng xoá hết oán thù). Người dân Trung Quốc cũng yêu chuộng hòa bình, cũng muốn yên ổn làm ăn. Họ không có lỗi và không phải là kẻ thù của người Việt.

Yêu nước, có khi chỉ giản dị là giữ gìn không để chính quyền Trung Quốc có cớ.

Theo Đào Tuấn

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG