Việc Posco xin đầu tư vào Vân Phong (Khánh Hòa):

Không ở đâu ghép nhà máy thép vào TT phát triển cảng biển

Không ở đâu ghép nhà máy thép vào TT phát triển cảng biển
TP - “Cần phải hiểu rõ khái niệm cảng trung chuyển quốc tế  khác với cảng trung chuyển container quốc tế (CTCCQT). Nước ta thiếu gì CTCQT nhưng CTCCQT thì chưa”.

>> Thiếu nước sản xuất, dự án “thép” có khả thi?

Tiến sĩ Chu Quang Thứ- Nguyên Cục trưởng Hàng hải VN cho biết, khi đề cập đến việc Posco xin đầu tư vào Vân Phong (Khánh Hòa).

Không ở đâu ghép nhà máy thép vào TT phát triển cảng biển ảnh 1
Điểm du lịch Hòn Ông (Vân Phong) có thể bị xóa sổ bởi dự án thép

Ông Thứ nói: Sở dĩ Singapore phát triển như bây giờ là nhờ có cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT) nằm trên đường vận chuyển quốc tế. Ở Việt Nam, có nhiều cảng có thể đón tàu vận tải hàng hóa quốc tế nhưng nếu chỉ dừng như thế thì là đi gom hàng cho các nước khác mà thôi.

Hơn nữa, Việt Nam không chỉ lấy hàng nội địa, vì để trung chuyển hàng nội địa năng lực các cảng trong nước, như: Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn... là đủ. Các cảng quốc tế của Singapore, HongKong lượng hàng hóa nội địa cũng chỉ chiếm khoảng 15%. Vấn đề cần đặt ra là, thu hút tàu chuyên chở container từ các nơi khác đến.

Nói như vậy, Vịnh Vân Phong có nhiều yếu tố thuận lợi để xây CTCCQT?

Nước ta có 3 nơi hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi để xây CTCCQT. Tuy nhiên, cả Vũng Rô (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hoà) có diện tích nhỏ. Chỉ Vịnh Vân Phong hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi nhất như kín gió, mức nước sâu trung bình là 22 m (có nơi sâu tới 27 m), không bị bồi lắng, nằm gần đường trung chuyển quốc tế (hơn 10 hải lý). Trong khi đó, thế hệ tàu biển hiện đại có trọng tải lên tới 15 nghìn TEU (1 TEU gần bằng 14 tấn).

Loại tàu này có mớn nước cao chỉ có cảng nước sâu mới đáp ứng được. Một năm, mỗi tàu này có thể chở gần gấp 3 lần tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu/năm trên biển.

Có thể nói nôm na, chúng ta có mặt “tiền” nhưng chưa biết sớm vận dụng để làm ăn. Một ví dụ từ năm 2002, thời gian thử nghiệm trung chuyển dầu ở Vân Phong, mỗi tháng 1 chuyến (trong đó có những tàu trọng tải lớn của nước ngoài neo đậu chờ lấy dầu); mỗi chuyến như thế mang lại khoảng 80 tỷ đồng.

Trong lúc đó, Khánh Hòa cũng vừa khởi công xây kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong thành nơi dự trữ, cung ứng xăng dầu cho cả nước.

Không ở đâu ghép nhà máy thép vào TT phát triển cảng biển ảnh 2
Tiến sĩ Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Hàng hải Việt Nam

Xây dựng xong cảng Vân Phong theo quy hoạch ban đầu, nghĩa là không có việc Posco xin đầu tư,  liệu có cạnh tranh nổi với cảng Singapore?

Singapore hiện như một chợ đầu mối. Hàng hoá của các nước trong khu vực đều được chở về đây rồi tiếp tục vận chuyển đi tới những nơi khác.

Nếu chúng ta xây cảng Vân Phong thành CTCCQT thì sẽ thu hút được lượng hàng hóa của các nước và sẽ thoát khỏi cảnh đi “bán lẻ” hàng hóa.

Hiện năng lực thông qua của cảng Singapore là 23 triệu TEU, với điều kiện của Vịnh Vân Phong có thể xây CTCCQT có năng lực thông qua cảng khoảng 17 triệu TEU. Có một thời cơ mà chúng ta cũng cần để ý là, Thái Lan và 10 nước khác đang tính đào kênh đào Kra ở phía Nam nước này.

Dự kiến thực hiện từ năm 2005 nhưng do bất ổn an ninh dai dẳng ở khu vực này nên dự án đang tạm gác lại. Nếu kênh đào này thành hiện thực trong tương lai, tàu thuyền nước ngoài sẽ không phải đi vòng eo biển Malaca qua cảng trung chuyển quốc tế Singapore (tốn thời gian và nhiên liệu), mà sẽ đi thẳng. Như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh trước Singapore.

Là một tiến sĩ kinh tế, đồng thời là chuyên gia vận tải biển, ông có thấy nơi nào trên thế giới vừa làm CTCCQT và thép một nơi không?

Khoan nói tới việc, các bộ chuyên ngành có ý kiến khu vực Vịnh Vân Phong không có quy hoạch sản xuất thép; tôi đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa thấy nơi nào người ta làm ghép nhà máy thép vào trung tâm phát triển cảng biển cả. Nếu làm thép ở Vân Phong thì cảng Vân Phong chỉ là CTCQT như bao cảng khác.

Cám ơn ông!

Tóm tắt đề xuất dự án NM thép liên hợp

- Diện tích sử dụng đất 1.260 ha.

- Giai đoạn 1 đầu tư 5,58 tỷ USD, gồm: NM thép công suất 4 triệu tấn/năm, NM nhiệt điện than công suất 1.000 MW, cảng cho tàu có trọng tải đến 200.000 DWT.

- Giai đoạn 2 đầu tư 5,3 tỷ USD nâng công suất NM thép lên 8 triệu tấn/năm, NM điện lên 2.000 MW.

- Khởi công xây dựng: cảng tháng 2/2009, NM điện tháng 7/2009, NM thép tháng 2/2010, hoàn thành xây lắp toàn bộ GĐ1 tháng 6/2012.

- Nhu cầu lao động: 4.700 người/ngày trong giai đoạn xây dựng, 6.500 người/ngày trong giai đoạn hoạt động của, nhà máy, 5.000 người/ngày cho các hoạt động liên quan. (Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra con số 100.000 việc làm, Vinashin nêu con số 150.000 việc làm do dự án này mang lại). Huy Anh

Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG