Tiến tới kỷ niệm 55 năm Tiền phong ra số báo đầu tiên (16/11/1953 – 16/11/2008):

Không thờ ơ với số phận con người

Không thờ ơ với số phận con người
TP - Hằng ngày, Tiền phong nhận được hàng trăm thư, bài của bạn đọc ở mọi miền đất nước gửi về tòa soạn. Tiền phong trân trọng đọc những bức thư ấy với tinh thần “Đãi cát tìm vàng”.
Không thờ ơ với số phận con người ảnh 1
Mỗi ngày Tiền phong tiếp nhận và xử lý hàng trăm tin, bài báo của bạn đọc gửi về. Trong ảnh là nhà báo Bích Hậu, người hơn 40 năm đọc thư bạn đọc gửi Tiền phong

Chúng tôi xin đăng chuyện về ba bức thư trong hàng trăm, hàng ngàn bức thư của bạn đọc đã đăng trên Tiền phong trong những năm qua.

Chuyện riêng của Huyền

Bố mẹ ly hôn, Huyền bỏ học lang thang trôi dạt xuống tận bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng) để kiếm sống, rồi về Thái Nguyên.

Ở Thái Nguyên, đêm đêm Huyền mang một chiếc mẻ than với dăm chục bắp ngô nướng để kiếm sống qua ngày.

Thiếu miếng ăn đã cực, nhưng cực hơn là Huyền bị đánh đuổi ra khỏi nhà khi vết thương sọ não của bố tái phát. Những ngày buồn ấy, Huyền đã lang thang và muốn tìm tới cái chết. Thấy Huyền lâm vào bế tắc, một số bạn gái mách bảo: “Nên hỏi và tâm sự với Tiền phong Huyền ạ…”.

Tuy vậy, Huyền vẫn cứ nghĩ lung mung: “Tờ báo làm việc lớn, việc của mọi người… Còn việc nhỏ, chuyện riêng của mình thì…”. Sau những đêm trăn trở, Huyền đánh bạo gửi thư cho Tiền phong.

Thư Tiền phong gửi về, Huyền đọc ngấu nghiến. Trong thư, Tiền phong khuyên: “Sống phải có nghị lực, nhất là lúc gặp khó khăn, Huyền nên suy nghĩ chín chắn trước sự quyết định…”. Huyền ghi nhớ lời khuyên của Tiền phong vào tâm trí, dần tìm lại sự thăng bằng trong cuộc sống.

Tiền phong còn chỉ cho Huyền địa chỉ cụ thể: “Huyền đến gặp Thành Đoàn Thái Nguyên, rồi ra Hà Nội gặp Ban Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để nhờ giúp đỡ. Cơ quan ấy ở phố Đội Cấn…”.

Biết Huyền là con một thương binh nặng, nhà nghèo, các cô các chú ở Trung tâm dạy nghề đã cho Huyền tiền để học may. Gần một năm sau, Huyền học xong nghề, Tiền phong đã cùng Trung tâm hướng nghiệp quyên góp những người hảo tâm mua cho Huyền một chiếc máy khâu.

Tiền phong lại cùng các học viên đưa Huyền trở về Thái Nguyên ở với người cha thương binh trong căn nhà tình nghĩa do bà con thị trấn Chùa Hang (Thái Nguyên) góp sức xây dựng.

Bây giờ, Nguyễn Thị Huyền đã mở được một hiệu may ở phố huyện, đó là điều mà Huyền mong ước từ lâu. Cô đã lập gia đình và có đứa con trai đầu lòng đầy một năm tuổi.

“Bà mối” mát tay!

Gặp 36 cô gái độc thân, các cô vui vẻ kể với Tiền phong: “Mỗi khi thấy anh bưu tá chuyển tờ Tiền phong đến lâm trường (Hà Tĩnh) cả đội trồng rừng chúng tôi nói vui: “Chào Tiền phong! Chào “bà mối” mát tay ạ”.

Những cô gái ấy ở tít trong rừng xanh để trồng rừng. Tuổi của hầu hết các cô theo như cách nói tếu táo là đã “băm” mấy nhát rồi... Đáp lại sự trăn trở của các bạn gái ở lâm trường, Tiền phong (số ra ngày 15/1/1988) đã đăng bức thư tâm sự lên mục “Kết bạn”.

Bài báo vừa đăng được một tháng, đội trồng rừng đã nhận 36 bức thư của các bạn trai gửi về đề nghị kết bạn. Thư gửi về nhiều nhất là thư của bộ đội hải đảo và biên giới. Bạn Đào quê ở Nghi Xuân gửi thư cho anh Hạnh kèm cả tấm ảnh riêng.

Từ đảo xa, anh lính hải quân ấy cũng đáp lại bằng tấm ảnh của mình, với lời thăm hỏi “đồng hương” thắm thiết! Và những cánh thư kết bạn liên tục ra biển, lên rừng ấy đã nối kết: Đào – Hạnh thành bạn thân.

Mười ngày thưởng phép, anh lính hải quân đã tìm đường về đồng rừng Hà Tĩnh. Và khi đã ý hợp tâm đầu, đôi bạn đưa nhau về quê nhà để ra mắt mẹ cha.

Hai năm sau, anh lính hải quân Nguyễn Văn Hạnh đã mang một ba lô quà từ biển của đồng đội, về đón cô gái trồng rừng Trần Thị Đào làm lễ cưới.

Bức thư từ đồng ruộng

Đáp lại bức thư gửi từ đồng lúa Thái Bình của chị Đăng Thị Sơ, một vợ liệt sĩ, phóng viên Tiền phong vào ngay tỉnh Quảng Trị. Đúng như thư của chị Sơ viết: Tại nhà Bảo tàng Thành Cổ có một bức thư đặt trang trọng ở phòng chính giữa. Bức thư của dũng sĩ cảm tử Lê Văn Huỳnh gửi người vợ trẻ ở hậu phương trước giờ xung trận:

“… Thôi em nhé. Đừng buồn, khi được sống trong hòa bình, hãy tưởng nhớ đến anh. Nếu thương anh thực sự, khi hòa bình, có điều kiện em vào Nam lấy hài cốt của anh về.

Đường đi như sau: Em đi tầu hỏa vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn, là nơi anh cùng đồng đội hy sinh trong chiến dịch 82 ngày và đêm bảo vệ Thành Cổ (1972). Từ thị xã, em qua cầu rồi đi ngược về thôn Nham Biểu. Nếu đi đò theo dòng sông Thạch Hãn thì ở cuối làng. Về đấy, em sẽ tìm thấy dòng chữ khắc tên anh trên mảnh tôn, Sơ ạ…”.

Ghi lại nội dung thư xong, phóng viên Tiền phong từ Quảng Trị về tỉnh Thái Bình. Ngay hôm Tiền phong đến gia đình chị Sơ, theo địa chỉ bức thư của người đã khuất gửi lại, chị Sơ cùng anh em họ hàng nội ngoại và một số đồng đội nhiệt tình đã lên rừng vào ngay tỉnh Quảng Trị. Với sự giúp đỡ tận tình của bà con cô bác thôn Nham Biểu, hài cốt liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã được tìm thấy đưa về nghĩa trang quê nhà.

Cảm động trước tấm lòng nhiệt tình của bè bạn, của họ hàng nội ngoại, nhất là sự chung thủy rất mực của người vợ lính, Tiền phong đã đăng trên chuyên mục “Đi theo bức thư bạn đọc” bài báo “30 năm đi tìm chồng” (Tiền phong ngày 23/7/2004).

Bài báo đưa lời chị Sơ : “Tôi mong có một gian nhà riêng (chị Sơ ở nhà bố mẹ đẻ) để thờ phụng anh Huỳnh và trú thân lúc tuổi già, nhưng hoàn cảnh lại túng thiếu”.

Bài báo vừa đăng, nhiều bạn đọc xa gần đã gửi thư nhờ Tiền phong chuyển lời thăm hỏi, động viên người vợ liệt sĩ nay đã 54 tuổi. Tuổi trẻ quân cảng Sài Gòn cũng theo địa chỉ bài báo đã đăng, về tận hợp tác xã Phú Lợi làm một ngôi nhà khang trang trị giá 40.000.000 đồng.

Hôm cắt băng khánh thành ngôi nhà tình nghĩa ấy, chị Sơ lại mời Tiền phong về chứng kiến. Chị trân trọng bê di ảnh liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đặt lên bàn thờ. Thắp hương xong, người vợ liệt sĩ rất mực chung thủy ấy cảm động nói:

“Cám ơn Tiền phong! Cám ơn tuổi trẻ quân cảng Sài Gòn, cám ơn bà con nội ngoại, xóm làng… đã dựng cho vợ chồng tôi mái ấm cuối đời…”.

MỚI - NÓNG