Khúc mắc chuyện hạ tỷ lệ mất sức lao động

Khúc mắc chuyện hạ tỷ lệ mất sức lao động
TP - Trong đơn gửi Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1955), trú tại xã Thái Đào (Lạng Giang, Bắc Giang) trình bày: Năm 1980, ông được Hội đồng Giám định y khoa Sư đoàn 8 (Quân khu 9) khám và kết luận bị lao đốt sống cổ, phải phẫu thuật cắt 3 đốt nên đi lại khó khăn, hạn chế quay ngẩng, xuất ngũ với tỷ lệ mất sức lao động (MSLĐ) 75%.

> Một số quy định có hiệu lực từ tháng 11-2012
> Nêu cao tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
> Cậu học trò làm thuê nuôi bố mẹ bệnh tật

Ngày 6-11-1989, ông Hùng được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) giám định lại sức khỏe theo Thông tư của Bộ Thương binh-Xã hội ban hành năm 1985.

Năm 2002, khi đổi Giấy chứng nhận bệnh binh mới ông Hùng thấy vẫn ghi tỷ lệ MSLĐ của mình là 75%. Đến năm 2007, khi lĩnh tiền ông Hùng thấy không được hưởng như những bệnh binh MSLĐ 75% nên hỏi Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, mới biết mình bị hạ tỷ lệ MSLĐ xuống 61% từ năm 1989.

Ông Hùng kiến nghị sự việc. Ngày 9-10-2012, Sở LĐ-TB&XH có văn bản (số 1270) trả lời: Việc giám định kết luận lên hoặc xuống tỷ lệ phần trăm MSLĐ không thuộc thẩm quyền của ngành LĐ-TB&XH, đề nghị ông liên hệ với Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Bắc Giang để được trả lời.

Văn bản 1270 cũng đề cập: Năm 2002, do sơ suất nên cán bộ quản lý hồ sơ đã viết tỷ lệ MSLĐ 75% theo biên bản gốc của Hội đồng Giám định y khoa Sư đoàn 8, nên đề nghị ông Hùng nộp lại Giấy chứng nhận bệnh binh đã cấp để đổi lại theo tỷ lệ MSLĐ 61%.

Làm việc tại Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Bắc Giang, PV Tiền Phong được xem Biên bản giám định y khoa của ông Hùng năm 1989, chỉ thấy ghi lại tình trạng bệnh tật của bệnh nhân trước đây, sau đó là kết luận của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Bắc Giang với mức 61%.

Ông Trần Văn Thụy, Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 1989 do chưa về đây công tác nên không rõ phản ánh của ông Hùng khi đi khám lại là đúng hay sai.

Còn việc giải quyết đề nghị được khám lại của ông Hùng hiện nay, trách nhiệm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Hùng không phải là trường hợp duy nhất ở tỉnh Bắc Giang gần đây phản ánh đến Tiền Phong về việc bị đánh sụt tỷ lệ thương tật kiểu như trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG