Lại rộ lên nạn ném đá lên tàu

Lại rộ lên nạn ném đá lên tàu
TP - Thời gian gần đây lại rộ lên nạn ném đá lên tàu. Lái tàu, hành khách bị thương nặng phải cấp cứu; đầu máy, toa xe hỏng nặng phải thay giữa hành trình...
Lại rộ lên nạn ném đá lên tàu ảnh 1
Sửa chữa các ô cửa bị ném đá - Ảnh: Tạ Tuấn

Bức xúc trước tình trạng này, Bộ GTVT vừa trình văn bản gửi Thủ tướng. Tuy nhiên, ngành đường sắt chưa nhắc tới một nguyên nhân từ phía mình.

Kinh hoàng nạn ném đá

Sáu tháng đầu năm 2007, có những vụ ném đá kinh hoàng đến độ ngành đường sắt phải liệt kê vào văn bản trình Thủ tướng xem xét, như vụ tàu khách mang số hiệu STAR4.

Tàu đang chạy tới Km 1380+500, khu gian Cà Rôm-Ngã Ba (tỉnh Khánh Hòa) thì đột ngột bị hứng một màn “mưa” đá khiến kính đầu máy bị vỡ, lái tàu bị thương nặng buộc phải dừng tàu để thay đầu máy và lái tàu.

Gần đây, có vụ tàu TN 15 đang chạy qua Km 496+200 khu gian Lộc Sơn-Thọ Lộc (Hà Tĩnh) thì bị ném đá vỡ kính toa xe, nhân viên phát thanh bị thương nặng. Tàu phải dừng đưa người bị thương đi cấp cứu...

Danh sách những con tàu bị ném đá ngày một dài thêm, thiệt hại về người và vật chất cũng tăng hàng năm. Một phó GĐ Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội nói:

“Có những ngày cao điểm ném đá, tàu của xí nghiệp phải thay 25 tấm kính (khoảng 850.000 đồng/tấm kính). Mỗi năm, xí nghiệp phải tốn đến hơn 1 tỷ đồng (chưa tính tiền thuê lắp đặt) tiền thay kính do nạn ném đá. Có nhiều trường hợp bị di chứng nặng nề do chấn thương sọ não”.

Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, các nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn này là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận dân cư sống hai bên đường sắt rất kém, việc xử lý những trường hợp trước đó chưa nghiêm, chính quyền địa phương chưa xác định trách nhiệm bảo vệ an toàn giao thông đường sắt...

Những địa phương lọt vào “danh sách đen” là Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Đối tượng vi phạm này, chủ yếu là trẻ em từ 13-15 tuổi chăn thả trâu bò 2 bên đường sắt hoặc trên đường đi học.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân dẫn đến việc ném đá mà ngành đường sắt chưa nêu ra: Một số người dân sống hai bên đường sắt bức xúc trước việc “nhà tàu” hồn nhiên thải các thứ từ buồng vệ sinh xuống đường ray nên đã trút giận bằng cách ném đá.

Ném đá vì bệ xí thông xuống đường ray?

“Địa phương nào để xảy ra tình trạng ném đất đá lên tàu thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu kỷ luật hành chính”  

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng

PV Tiền phong đã nhiều lần đi thực tế tại những vùng được xem là ném đá do nguyên nhân chất thải vệ sinh tàu hỏa gây ô nhiễm.

Thực tế cho thấy, một số người dân sống hai bên đường ray, nơi tàu chạy qua vào những giờ tầm sau bữa ăn của hành khách cho rằng vào thời điểm đó, hành khách thường đi vệ sinh trực tiếp xuống đường ray, bốc mùi xú uế.

Một số thanh niên địa phương đã trút cơn giận dữ lên những đoàn tàu chạy qua. Ngay trong văn bản của Bộ GTVT trình lên Thủ tướng cũng có nhắc đến giải pháp đã làm của ngành đường sắt “chủ động lắp đặt các thiết bị vệ sinh hiện đại trên các đoàn tàu”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền phong, trong tổng số các đoàn tàu hiện nay mới chỉ có  khoảng 2 đôi tàu SE 3/4 và SP 1/2 là có thùng chứa chất thải gom về ga trút.

Trong khi đó, ngày cao điểm nhất, có đến 24 đoàn tàu hoạt động với hơn 1,5 vạn hành khách. Với số lượng này, chất thải rải dọc hành trình Bắc Nam sẽ rất nhiều.

Trao đổi với Tiền phong, Cục phó Đường sắt Nguyễn Văn Doanh cho biết: “Luật Đường sắt đã quy định, nhà khai thác vận tải phải có biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đoàn tàu cũ, các thiết bị vệ sinh lắp đặt trên tàu lại rất tốn kém”.

Tuy nhiên, nạn ném đá lên tàu, dù bởi bất kỳ lý do gì, cũng là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải bị nghiêm trị theo pháp luật.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.