Lạm dụng rượu bia, ngăn hay là cấm?

Lạm dụng rượu bia, ngăn hay là cấm?
Mặc dù dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Bộ Y tế dự thảo từ 2014 song đến nay vẫn chưa được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật. Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm cũng như sự cần thiết phải xây dựng luật này.

Bộ Y tế đã hoàn thành bản Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2018. Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mà Bộ Y tế đưa ra trình Quốc hội lần này đã không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn hay nghiêm cấm việc pha cồn công nghiệp vào rượu mà chỉ tập trung vào các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia. 

Theo đó, dự thảo Luật quy định các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia để phòng, chống tác hại của rượu bia; việc cấp phép, quy hoạch đối với rượu, bia trong đó có các biện pháp cụ thể để kiểm soát rượu thủ công; việc bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở về rượu, bia; công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; các địa điểm không được bán rượu, bia cũng như các đối tượng mà người bán không được bán rượu, bia… 

Đồng thời, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia. Phương án 1: Chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian từ 11-14h và 17-22h hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6-22h. Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại rượu bia.

Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng làm giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp miễn phí. Cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên. Loại dưới 15 độ quảng cáo trên báo hình, báo nói thì chỉ được thực hiện từ sau 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình. 

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu, bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29 trên thế giới. Bà Hạnh phân tích thêm, hiện tỷ lệ sử dụng rượu, bia ngày càng tăng báo động. Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít, trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Trong khi chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm, trong khi chi tiêu cho y tế cùng thời kỳ chỉ bình quân 113 USD/người. 

Dự tính của Việt Nam, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm, nhưng con số thực tế theo dự kiến của Tổ chức Thương mại thế giới có thể còn cao hơn nữa, ở mức 8,6 lít cồn/năm. Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam”, bà Hạnh nói. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Lý do là nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau. 

Điều đó có nghĩa không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định. Theo một thống kê của Bộ Y tế, trung bình nam giới trên 15 tuổi tiêu thụ 27,4 lít cồn/năm. Năm 2015, 80,3% nam giới cho biết có sử dụng rượu bia trong vòng 1 tháng. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của người trên 15 tuổi chủ yếu là từ rượu bia đã tăng 75% sau 5 năm, trong đó tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia gia tăng nhanh hơn nhiều so với rượu. 

Bàn về vấn đề này, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Mỗi một Bộ có một luật khác nhau sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”. Để chứng minh cho ý kiến mình đưa ra, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra quan điểm về sự cần thiết phải thích nghi với từng nhu cầu. Dẫn ra đây ví dụ ở những khu vui chơi giải trí, những nơi đang phát triển dịch vụ du lịch, thu hút rất đông khách trong nước và quốc tế, nếu hạn chế vào các khung giờ thì vấn đề đặt ra là liệu khách du lịch đi từ xa tới họ sẽ cảm thấy thế nào khi muốn nghỉ ngơi, giao lưu cùng bạn bè. “Theo tôi, quy định về khung giờ tại Dự thảo này là chưa phù hợp. Không nên có công thức nào để “cấm đoán” như vậy nhất là “cấm đoán” đối với mọi dich vụ sẽ hạn chế với ngành du lịch, và không phù hợp với những nơi kinh doanh như quán bar, vũ trường khi được phép mở đến khung giờ muộn. Cho phép người ta mở tới khung giờ nào phải cho họ bán rượu bia tới giờ đó. Theo tôi, Bộ Y tế nên thảo luận, xem xét cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có phương án phù hợp nhất”, TS. Lê Đăng Doanh nói. 

Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ về việc phải lựa chọn phương án nào phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu quy định bán rượu bia tới 22h sẽ hơi sớm, nhất là có một số phố buôn bán đêm. Vì vậy, theo đề nghị của TS. Phong, có nên chăng khung giờ nên muộn hơn. “Sẽ chọn phương án nào tạo điều kiện bán hàng đêm cho người bán. Hơn nữa, trong mọi tình huống, ngoài việc quy định giờ bán cũng phải quy định đối tượng bán”. 

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, đến nay, Bộ Y tế chưa lựa chọn phương án nào, kết quả cuối cùng sẽ theo phương án số đông lựa chọn. Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia, đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Nhiều ý kiến lại cho rằng, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế xây dựng không giải quyết được tận gốc vấn đề, thậm chí còn gây khó khăn, hạn chế, đi ngược với tinh thần cởi mở, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động./.

Theo Theo Công luận
MỚI - NÓNG