Làm sai lại cưỡng chế dân

Làm sai lại cưỡng chế dân
TP - Nhiều trường hợp ở quận Ninh Kiều, TP Cần thơ, chính quyền làm sai luật nhưng lại cưỡng chế dân. Sau đó hai bên bị cuốn vào vòng kiện tụng, khiếu nại dai dẳng.

Ngày 19/8/2009, TAND TP Cần Thơ mở phiên phúc thẩm xét xử một vụ kiện hành chính, ở lần triệu tập thứ 17, sau 16 lần đình hoãn. Trước nữa, TAND quận Ninh Kiều cũng mất sáu lần triệu tập để xét xử. 23 lần triệu tập, chắc là kỷ lục của một vụ kiện hành chính đơn giản.

UBND quận Ninh Kiều ra Quyết định số 3146 thu hồi gần 6.000 m2 đất của ông Châu Hoàng Nam, ngụ số 132/28, đường 3/2, “để xây dựng khu tái định cư siêu thị Metro Cash Cần Thơ”. Quyết định này ghi sai vị trí đất, diện tích đất của ông Nam, sai cả căn cứ ra quyết định.

Quận Ninh Kiều lại hai lần tổ chức cưỡng chế, làm ông Nam thiệt hại gần một tỷ đồng ao cá giống, nhà cửa, hoa màu. Ông Nam kiện ra tòa hành chính, yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 3146 (chưa đề cập bồi hoàn, tái định cư).

Bị kiện, UBND quận Ninh Kiều liên tiếp ra ba quyết định “điều chỉnh bổ sung” những sai trái trong quyết định gốc. Tuy nhiên, có quyết định “điều chỉnh bổ sung” lại sửa sai ngay cả quyết định “điều chỉnh bổ sung” trước đó.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều ngày 2/8/2007, đề cập sai sót quá nhiều của quyết định bị kiện, đã viết “lẽ ra phải bị hủy bỏ”. Thế nhưng, bản án cho rằng “Quyết định 3146 đến nay đã được thực hiện xong về phần mặt bằng” nên bác yêu cầu của ông Nam. Ông Nam kháng án.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát phát biểu, nên thay thế bằng quyết định mới, chính xác hơn. Đại diện UBND quận Ninh Kiều nói, nếu ra quyết định mới thì phải áp dụng đơn giá đền bù thời điểm mới.

Thẩm phán Đặng Văn Hùng đặt vấn đề, như vậy UBND quận chưa tôn trọng lợi ích hợp pháp của công dân. Luật sư của ông Nam đề nghị, quyết định hành chính sai thì phải rút, phải sửa cho đúng luật.

Sau một buổi xét xử, phiên tòa phúc thẩm hoãn tuyên án. Đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Đề nghị làm đúng luật

Trường Đại học Y dược Cần Thơ công bố thành lập đã bảy năm, đến nay chưa biết bao giờ giải phóng xong 43 ha đất quy hoạch, để xây dựng cơ sở vật chất. Trong lúc, mới giải phóng sáu héc ta ở giai đoạn một, nhiều người đã bị phá nhà cửa, phải đi ở đậu, cũng chưa biết bao giờ hết cảnh tạm bợ.

Chỉ thị số 05 ngày 22/2/2006 của Thủ tướng Chính phủ: Từ nay, các địa phương không được cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà ở khi người bị thu hồi đất chưa được giải quyết chỗ tái định cư.

Có mấy cái mốc về sự ra đời của trường này. Năm 2003, UBND TP Cần Thơ có quyết định quy hoạch. Năm 2004, Bộ Y tế phê duyệt quy hoạch. Năm 2005, công bố quy hoạch với dân, sau đó kiểm kê tài sản và ra phương án bồi thường. Năm 2006, quyết định thu hồi đất tổng thể. Năm 2007, quyết định thu hồi đất của từng hộ dân. Lấy thời điểm nào làm căn cứ để tính giá bồi thường cho dân?

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Cần Thơ Dương Bá Diện nói: “Sau khi có quyết định thu hồi đất tổng thể, trong vòng 15 ngày phải có quyết định thu hồi đất của từng hộ dân. Nếu để lâu mới ra quyết định thu hồi đất của dân là sai”.

Về giá bồi thường, Giám đốc Sở Tài chính Cần Thơ Võ Thành Thống nói: “Tính giá ở thời điểm có quyết định thu hồi đất của dân”.

Như thế, trong khu quy hoạch trường, bà Lý Phụng Liên có 96m2  thổ cư (đã có sổ đỏ), cất nhà ở năm 2003, phải được bồi thường nhà và đất theo giá năm 2007, và được bố trí tái định cư. Nhưng UBND quận Ninh Kiều không làm theo luật, năm 2006 đã ra thông báo buộc bà Liên “giao đất”.

Giá đất đền bù 882.000 đồng/m2, còn muốn tái định cư “phải làm đơn xin mua” với giá 2,5 triệu đồng/m2. Nhà không được bồi hoàn vì “cất sau khi quy hoạch” (?).

Bà khiếu nại, ngày 24/1/2007, UBND quận Ninh Kiều mới ra quyết định thu hồi đất. Và ngày 21/4/2009, quận cưỡng chế đập nhà bà Liên. Gia đình bà Liên có bảy người, phải tứ tán đi ở đậu ba nơi cho đến nay.

Bên cạnh nhà bà Liên, gia đình ông Trần Minh Nhựt lâm cảnh tương tự. Ông có 119 m2 đất, cất nhà năm 2002, hàng năm nộp thuế nhà đất đầy đủ. Khi quy hoạch trường, ông cũng bị buộc giao đất giá rẻ để “xin mua nền tái định cư” giá đắt và không được bồi thường nhà. Ngày 24/1/2007 mới có quyết định thu hồi đất và ngày 21/4/2009 bị cưỡng chế đập nhà.

Ông chạy xe ôm, quá nghèo, không có tiền mướn nhà trọ cho vợ con, lại dựng túp lều trên nền đất cũ giữa um tùm lau cỏ, để vợ con sinh sống.

“Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai tại TP Cần Thơ” của Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày 7/1/2009 khi nhận định về việc triển khai dự án tại trường Đại học Y dược Cần Thơ: “UBND TP Cần Thơ và chủ đầu tư chưa xây dựng khu tái định cư để phục vụ công tác giải tỏa giao đất cho dự án này là sai với quy định tại khoản 3, Điều 42, Luật Đất đai năm 2003”.

Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường: “Đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của thành phố xem xét, xử lý, giải quyết các tồn tại theo đúng quy định của pháp luật”.

MỚI - NÓNG