Lặng lẽ tâm hương

Lặng lẽ tâm hương
TP - Hơn hai mươi năm, ông tự bỏ tiền túi thực hiện nhiều chuyến đi để có được tư liệu quý giá về các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Phủ Thông (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn). Với người quản trang Lưu Văn Phổ, đó là những nén tâm hương lặng lẽ.

Ông là Thổ, giấy khai sinh là Lưu Văn Thổ, sinh 15/5/1955 tại Bạch Thông, nhưng tên thoát ly là Lưu Văn Phổ. Ông Phổ mang ra chồng sổ chép tay, lật giở từng trang. Đã trên 20 năm, ông cơm nắm cắt rừng lặn lội kiếm tìm tư liệu về các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này cùng biết bao kỷ niệm từ các chuyến đi, để rồi thành cuốn sổ này.

Sổ ghi đặc chữ là chữ, vậy mà không cần đọc ông vẫn có thể kể vanh vách từng trường hợp. Trong đó ông đặc biệt ấn tượng với liệt sĩ có tên là Soạn. Ông đến tận nơi chiến sỹ ấy hy sinh nhưng tiếc là chưa tìm ra được họ tên đầy đủ. Giọng ông chùng xuống: “Ông ấy là người dưới xuôi, hy sinh tháng 12/1948 tại Nà Kén, Vũ Muộn, nhưng cũng có thông tin hy sinh ở Đèo Giàng, đánh trận ở Bằng Khẩu. Nhiều thông tin khác nhau lắm nên việc tìm hiểu xác minh rất khó khăn, tôi đã lần tìm đến từng nơi để dò hỏi”.

Theo những gì có được từ các chuyến đi thì ông Soạn chính xác hy sinh ở thôn Nà Kén, xã Vũ Muộn, Bạch Thông. Tại Vũ Muộn, ông Phổ được nghe người già kể: Ông Soạn bị thương rất nặng được bà con đem về chạy chữa nhưng không qua khỏi. Trước khi mất, người chiến sĩ gượng sức hát vang hai bài về Vệ quốc quân để động viên và khích lệ tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm của bà con Vũ Muộn. “Khi mất, ông Tổng Đoàn Đương đã cho một cỗ ván thọ để mai táng”, ông Đinh Duy Bách, trưởng thôn Na Kén, xã Vũ Muộn năm 1948 kể lại. Sau này ông được biết, liệt sĩ Soạn thuộc Tiểu đoàn 55, Trung đoàn 72.

Ông Phổ kể về những chuyến tìm kiếm thông tin liệt sỹ
Ông Phổ kể về những chuyến tìm kiếm thông tin liệt sỹ.

Câu chuyện về liệt sĩ Hoàng Văn Hả, bí danh Hồng Quân và người mẹ Nông Thị Nhâm đã khiến ông Phổ trăn trở nhiều năm. Lật trang sổ đã ố vàng, ông bảo, khi đồng chí Hồng Quân nhận nhiệm vụ tuyên truyền tại xã Lục Bình, bị địch phát hiện và hy sinh năm 1944 tại Đồn Lanh Chang, chúng đã đưa xác đồng chí ấy về và bắt bà con đến xem nhằm uy hiếp tinh thần. Mẹ của Hồng Quân cũng bị bắt. Bị Cai Mói uy hiếp nhưng mẹ Nhâm không hề khuất phục. Cai Mói đem trói cột, mẹ vẫn thản nhiên nhai trầu, khi bị bắn chết, miếng trầu thắm đỏ rơi ra từ miệng hoà máu tươi thấm vào lòng đất mẹ...

Người quản trang ngưng câu chuyện, không gian vắng lặng. Có những tư liệu quý giá gìn giữ bao năm, thế mà có người mượn đi không trả khiến ông mất ăn mất ngủ và tự trách mình cả tin. Năm 1967, chiến sỹ Hoàng Văn Luỵ (bản Nà Sang, xã Vi Hương, Bạch Thông) bị thương nặng ở Thượng Lào được đưa về Việt Nam và đưa sang Trung Quốc điều trị song đã không qua khỏi.

Liệt sĩ Luỵ trong những ngày tháng gian khổ chiến đấu của mình đã ghi lại nhật ký bằng thơ tiếng Tày. Sau khi anh mất, gia đình liệt sỹ toan đem tập nhật ký thơ hỏa táng, song ông Phổ đã thuyết phục để giữ lại, sau này còn dịch ra tiếng Việt nhằm giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước. Một nhà báo dưới Hà Nội đã thuyết phục rằng để chị mang đi nhờ nhà thơ T. (người Tày, quê ở Bắc Kạn) dưới Hà Nội dịch. Chẳng biết tập nhật kí ấy có đến được tay nhà thơ T. không, nhưng không thấy đem trả nữa.

Năm 1985, sau 10 năm quân ngũ, ông Phổ giải ngũ về địa phương theo chế độ bệnh binh, tháng 1/1991 ông nhận làm quản trang Nghĩa trang Phủ Thông. Có lần một vị Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam đến viếng nghĩa trang đã hỏi, làm quản trang, ông có nắm được hoàn cảnh hy sinh của từng liệt sĩ không. Tình trạng không nắm được khá phổ biến vì nhiều lẽ, và vị chủ tịch hội cũng chỉ hỏi thăm thôi chứ không phê bình gì. Nhưng khi ấy ông thấy mình thật có lỗi và xấu hổ. Đó là một trong những lý do ông đã bỏ tiền túi và công sức đi tìm thông tin liên quan từng người dưới mộ.

Ông bảo làm việc đó thấy ấm lòng ấm dạ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG