Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc
TPO - Năm nào cũng vậy cứ đến gần Tết trước là cả làng Tranh Khúc (thuộc thôn Văn Uyên - xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại tấp nập làm bánh chưng tết.
Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ảnh 1
Nhà nhà gói bánh, người người gói bánh

Trung bình hiện mỗi hộ xuất ra thị trường 1000 bánh một ngày trong dịp giáp Tết âm lịch, hiện tại ở làng có 215 hộ làm bánh.  Lượng bánh làm ra gấp 7-8 lần ngày thường.

Từ già, trẻ, gái, trai hết thảy trong họ được huy động ra để làm bánh, cả thợ ngoại tỉnh cũng được thuê để giúp sức. Bánh làm ra bao nhiêu bán hết đến đó không bao giờ ế. Thậm chí các siêu thị lớn như Big C, Đức Việt cũng đến đây đặt hàng và bao tiêu bánh chưng của làng, xa hơn nữa bánh còn được trong thành phố Hồ Chí Minh đặt mua, thậm chí cả bên nước Nga xa xôi.

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ảnh 2

Chiếc thùng này  có thể luộc 500 bánh chưng 1 lần

Cụ Nhàn một người làm bánh chưng lâu ở làng kể “ tôi gói bánh chưng từ hồi còn bé, năm này đã ngoài 70 tôi vẫn gói bánh hàng ngày, nhớ ngày xưa gói xong còn đi xích lô lên phố bán rong, nay xe cộ sẵn nên luộc bánh xong là mang ngay đi bán, nhiều lúc mang ra chỗ bán bánh vẫn còn nóng”

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ảnh 3

Bánh được đun bằng than trong 10 tiếng liên tục

Do có truyền thống làm bánh chưng từ nhiều đời nay do vậy cả làng nhà nào cũng nắm rõ bí quyết để làm ra những chiếc bánh ngon, không những thế việc tổ chức sản xuất cũng rất bài bản từ khâu rửa lá, tước sống lá, ngâm gạo, làm đỗ, pha thịt, làm nhân, gói bánh, buộc lạt, sắp bánh vào thùng, rồi đun bánh, bảo quản bánh… đều được phân công rõ ràng cho từng nguời trong gia đình.

Ví dụ con gái tỉ mỉ thì rửa lá tước sống là và sắp lá sẵn, con trai khỏe mạnh thì nghiền đỗ, buộc lạt sắp bánh vào nồi... Khẩu phần cho từng loại bánh cũng được làm đúng định mức, ví dụ bánh bán giá 20.000 đồng/chiếc thì định mức 1 lạng thịt, 1 lạng đỗ, 6 lạng gạo, 6 lá rong, 5 chiếc lạt và được đun bằng than 10 tiếng.

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ảnh 4

Sắp bánh vào thùng chuẩn bị luộc

Khoảng 5-7 năm trở lại đây người dân thành phố không còn có thói quen gói bánh chưng trong dịp tết nữa, thêm vào đó nhu cầu ăn uống cũng nhiều và đa dạng hơn, có thêm nhiều nhà hàng mọc lên, do vậy nhu cầu tăng mạnh nên làng Tranh Khúc có cơ phất lên, nhiều nhà cao tầng mới xây, đường xá khang trang, người dân phấn khởi.

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ảnh 5
Vớt bánh ra cũng cần có kinh nghiệm, nếu không bánh sẽ không ngon.

Thêm vào đó cũng được các báo, đài truyền hình đưa tin viết bài nên thương hiệu làng bánh được nhiều người biết đến. Bác Thanh trưởng thôn tươi cười tiếp chúng tôi nói “ cứ dịp tết đài báo đến liên tục, tôi cứ phải gộp 2-3 nhóm lại rồi đưa đi đến thăm từng hộ cho đỡ mệt”.

Thật vui mừng với làng Tranh Khúc năm nay Sở Công thương Hà Nội và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Quyết định chấp nhận đăng ký nhãn hiệu làng nghề Tranh Khúc của xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội, với sản phẩm truyền thống là bánh chưng và bánh dày.

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ảnh 6
Lá dong được dân buôn đưa đến tận đầu làng

Có 103 trong tổng số 215 hộ sản xuất bánh chưng đăng ký sử dụng thương hiệu Làng nghề Tranh Khúc. Bánh chưng được kiểm tra chất lượng, đóng vào túi hút chân không, dán mã vạch cho từng hộ, đóng mác và bày bán trong các siêu thị lớn.

Đây quả là một dấu hiệu tích cực cho làng Tranh Khúc.  Bánh chưng Tranh Khúc đã được khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Rồi sau đây sẽ có nhiều hộ dân sẽ khấm khá lên, hình ảnh làng quê nghèo sẽ không còn nữa mà thay vào đó là một làng nghề truyền thống năng động và thịnh vượng.

MỚI - NÓNG