Lãng phí hàng trăm tỷ đồng ở một vùng biên nghèo khó

Lãng phí hàng trăm tỷ đồng ở một vùng biên nghèo khó
TP- Những công trình gây lãng phí tiền tỷ của Nhà nước và nhân dân mà chúng tôi nêu trong bài này ở Đắk Lắk đều có những điểm chung: Chủ quan, vội vàng, thiếu thực tế từ khâu khảo sát xây dựng dự án; và khi  dự án bị “bể” thì không ai phải  chịu trách nhiệm.

Từ thành phố Buôn Ma Thuột, sau hơn 4 tiếng đồng hồ đánh vật với những đoạn đường lầy lội, chúng tôi đến được trung tâm xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) là xã biên giới nghèo nhất và xa trung tâm nhất của Đắk Lắk.

Đập ngay vào mắt chúng tôi là tháp nước hùng vĩ cao hàng chục mét sơn hai màu xanh trắng tinh tươm. “Đó là biểu tượng của sự lãng phí ở xã này đấy anh ạ” - một người dân xã Ia Lốp nói – “Sống bên cạnh công trình cấp nước sinh hoạt trị giá hàng tỷ đồng nhưng người dân chúng tôi vẫn phải bỏ tiền ra khoan giếng mới có nước dùng”.

Tìm hiểu về “biểu tượng” này, chúng tôi được biết năm 2004 Nhà nước đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Ia Lốp cho 400 hộ dân tái định cư đến từ lòng hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa).

Công trình vừa khánh thành đã trục trặc, nước lúc có lúc không, nhiều khi người dân ngóng mãi cả tháng trời mới hứng được vài chậu nước. Mùa khô khắc nghiệt ở Ia Lốp kéo dài đến 6 tháng, nước sông suối cũng khô cạn dần và đục ngầu bùn đất.

Thế là, dù vừa đến nơi ở mới, kinh tế còn khó khăn eo hẹp, nhưng các hộ dân ở Ia Lốp cũng đành phải thắt lưng buộc bụng chi mỗi nhà 5 triệu đồng để tự khoan giếng khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Theo ông Vi Văn Bính chủ tịch UBND xã Ia Lốp, thì hai công trình nước sinh hoạt này được lắp đặt máy bơm có công suất quá nhỏ so với nhu cầu của 400 hộ dân,  máy bơm lại rất hay bị hỏng, mỗi lần hỏng phải sửa chữa cả tháng trời mới xong.

Nếu đem hơn 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt này chia đều cho 400 hộ dân thì mỗi hộ cũng có được 5 triệu đồng, đủ cho họ tự khoan một cái giếng dùng riêng.

Trải dài dưới chân tháp nước không thể cấp nước là 214 căn nhà tái định cư không thể định cư vì xây dựng trong vùng ngập lụt. Bà Lương Thị Thành – một trong số 214 người mua phải nhà tái định cư xây trong vùng ngập - cho biết: Năm 2004, khi di dời từ vùng ngập lòng hồ Cửa Đặt vào tái định cư tại xã Ia Lốp, bà Thành đã  mua một căn nhà ở đây với số tiền 32 triệu đồng. Nhưng cứ vào những đợt mưa dầm, nước lũ từ dòng sông phía sau nhà lại dâng lên ngập gần tới nóc nhà, khiến gia đình bà Thành cùng 213 hộ hàng xóm có hoàn cảnh tương tự phải dắt díu nhau chạy lên tá túc tại trường học và trụ sở làm việc của xã Ia Lốp.

Để khắc phục tình trạng phải sống “tị nạn” mỗi khi mưa lũ, 214 hộ mua nhà tái định cư trong vùng ngập ở xã Ia Lốp không còn cách nào khác là chuyển nhà đi nơi khác.

Việc chuyển chỗ ở này cũng gặp không ít khó khăn về quỹ đất tái định cư và tiền xây dựng lại nhà mới, nên đến nay vẫn còn 60 hộ chưa di dời được phải tiếp tục sống trong cảnh nơm nớp lo sợ lũ về.

Hơn 2 tỷ đồng xây dựng 2 công trình nước sạch không thể cung cấp nước và hơn 6 tỷ đồng xây dựng 214 căn nhà không thể ở trong vùng ngập lụt chỉ có thể xếp vào loại công trình lãng phí “nho nhỏ” nếu đem so với công trình 12.000 ha điều cao sản không thể cho quả ở vùng biên nghèo khó này.

Đến 12.000 ha điều cao sản thành… “điều phá sản”

Ia Lốp và Ia R’vê là hai xã biên giới được hưởng lợi từ dự án trồng 12.000 ha điều cao sản do Binh Đoàn 16 làm chủ đầu tư. Để thực hiện dự án này, hàng trăm hộ dân từ các tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa được huy động về lập làng kinh tế mới để cùng tham gia dự án.

Sau 6 năm,  ngốn hết gần 200 tỷ đồng cùng với bao mồ hôi và công sức của nông dân, cây điều ở Ia Lốp và Ia R’vê phát triển xanh tốt nhưng... không thể đậu quả. Bà Lê Thị Tiên ở thôn Đừng xã Ia Lốp cho biết: Điều của dự án đúng là giống cao sản vì ra hoa rất nhiều, mỗi cây phải có đến hàng ngàn hoa.

Nhưng mùa ra hoa của điều trúng vào thời điểm khô nóng dữ dội nhất của vùng đất này, nên hầu hết hoa điều chưa kịp đậu quả đã bị cháy khô. Mang tiếng là điều cao sản mà mỗi hécta chỉ cho thu hoạch được vài chục kí hạt một năm, chưa đủ tiền công đi nhặt hạt, thành thử người dân Ia Lốp gọi đây là “điều phá sản”.

Nhiều phương án được vạch ra nhằm cứu cây điều, nhưng cuối cùng phương án chặt bỏ cây điều là thượng sách, bởi giữa  vùng bình nguyên mênh mông đất cát, không có “thần đèn” nào có thể tìm được nguồn nước để tưới đủ cho một lúc những 12.000 ha điều khô khát.

Và cũng nhanh chóng như lúc quyết định phá hàng chục ngàn hécta rừng để trồng điều, chủ đầu tư của dự án này đã quyết định phá bỏ  hơn 6.000 ha điều để trồng lại rừng. Công cuộc phá điều trồng rừng sẽ được bắt đầu ngay trong năm 2008 này và đã có hàng triệu cây giống keo lá tràm và keo tai tượng được ươm.

Cũng cần phải nói thêm rằng trước đây vùng đất của những cây “điều phá sản” hiện nay là rừng khộp, nơi hầu như chỉ thích hợp với những loại cây rụng lá vào mùa khô. Nên việc chọn cây keo thế chỗ hàng loạt cho cây điều cũng khiến cho nhiều người e ngại về tính khả thi của nó.

Sẽ không có công trình 12.000 ha “điều phá sản” khiến gần 200 tỷ đồng đang tiến rất nhanh về con số không tròn trĩnh, nếu chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc trồng thử nghiệm vài chục hécta điều trước khi triển khai hàng loạt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.