Lấy dữ liệu một đằng, làm dự án một nẻo: Huyện lừa dối tỉnh?

Lượng nước tại hồ Phước Hà không đủ chảy qua đập tràn
Lượng nước tại hồ Phước Hà không đủ chảy qua đập tràn
TP - UBND huyện Krông Pắk (Ðắk Lắk) đã lấy dữ liệu một hồ nước có trữ lượng tưới hơn 200 ha để trình cấp có thẩm quyền xin kinh phí làm hồ nhỏ hơn (trữ lượng tưới 60ha), dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả.

UBND xã cũng phản đối

Theo kế hoạch, phóng viên Tiền Phong sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo UBND và HĐND huyện Krông Pắk. Tuy nhiên, Chánh văn phòng UBND huyện này Đoàn Đại Lý lại bố trí báo chí gặp Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện (BQLDA). Vị này nêu lý do, Chủ tịch UBND huyện Đinh Xuân Diệu bận đi công tác, Chủ tịch HĐND huyện Võ Túc đi khám bệnh (?!).

Làm việc với BQLDA, chỉ có ông Nguyễn Đình Hưng (chuyên viên) trả lời. Các ông Nguyễn Đình Tám, Giám đốc và ông Phạm Văn Chương, Phó Giám đốc BQLDA… ngồi im lặng, như không liên quan. Trong khi đó, chính ban này đã tham mưu cho cấp trên hoán đổi tên gọi các địa điểm đầu tư, dẫn đến việc dự án không phát huy hiệu quả.

Các tài liệu thể hiện, hồ Buôn Jung có lượng tưới hơn 200 ha, hồ Phước Hà ước lượng tưới cho khoảng 60 ha cây trồng. Hai hồ này cách nhau 7 km, ở 2 thôn khác nhau của xã Ea Yông. Sở KH&ĐT Đắk Lắk xác định (năm 2018), việc đầu tư hồ Buôn Jung là cần thiết và được UBND tỉnh phê duyệt triển khai dự án, có tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng.

Điều đáng nói, UBND huyện Krông Pắk đã sử dụng kinh phí này để làm hồ Phước Hà. Điều này khiến người dân bức xúc. Họ cho rằng, lấy 13 tỷ đồng làm hồ quy mô nhỏ hơn sẽ không phát huy hiệu quả tưới tiêu, lãng phí tiền Nhà nước. Thậm chí, ngay UBND xã Ea Yông cũng gửi văn bản để phản đối triển khai dự án này.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sở dĩ có việc đầu tư này, do BQLDA huyện Krông Pắk đã lấy dữ liệu của hồ lớn (hồ Buôn Jung), lập báo cáo cho UBND huyện này xin tiền UBND tỉnh Đắk Lắk để làm hồ nhỏ (hồ Phước Hà). Cụ thể, trong văn bản của huyện Krông Pắk báo cáo cấp trên, lại có phần mở đóng ngoặc đơn hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà). Với cách diễn đạt này, chính quyền đã coi 2 hồ là một.

Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết, năm 2010, “hồ Phước Hà trên bản đồ có tên gọi hồ Buôn Jung” tưới cho 60 ha cây trồng (cà phê 55 ha, lúa 5ha), được phê duyệt kinh phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Đến năm 2020, dự án này đội vốn lên gần 13 tỷ là do “vật giá leo thang”. “Việc đầu tư dự án còn có Sở NN&PTNT Đắk Lắk thẩm định”, ông Hưng nói.

Lấn chiếm vẫn được đền bù?

Như Tiền Phong đã đưa tin, Ban Kinh tế-Xã hội (HĐND huyện Krông Pắk) vừa có báo báo về 3 dự án đầu tư không hiệu quả tại xã Ea Yông. Trong đó, có dự án đường giao thông nông thôn “nắn” vào rẫy nhà ông Nguyễn Văn Hà, nguyên Giám đốc BQLDA huyện Krông Pắk (nay là Phó phòng Tài chính kế hoạch huyện này) và Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Phước Hà (nêu trên).

Theo UBND xã Ea Yông, hồ Phước Hà được giao cho ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã này (ông này mới nghỉ hưu) thuê lại mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Năm 2018, ông Nam lấn chiếm lòng hồ này bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính. Sau khi dự án hồ Phước Hà được triển khai (13 tỷ đồng), gia đình ông Nam được nhận tiền đền bù hơn 510 triệu đồng.

Một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk cho biết, đã chỉ đạo UBND huyện này có báo cáo cụ thể liên quan đến các dự án không phát huy hiệu quả do Tiền Phong đã phản ánh. “Những dự án này có trước khi chúng tôi về nhận nhiệm vụ ở huyện Krông Pắk. Quan điểm của huyện sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm”, vị lãnh đạo này nói.

MỚI - NÓNG