Lên non gieo vốn xóa nghèo

Gia đình Lò Thị Mỹ (Sốp Cộp) có nhà mới đeo biển Ảnh: QT
Gia đình Lò Thị Mỹ (Sốp Cộp) có nhà mới đeo biển Ảnh: QT
TP - Đến được Sốp Cộp, Sơn La, chúng tôi như vừa trườn qua hàng trăm con rắn ngoằn ngoèo dưới chân núi. Vùng đất khó khăn và hoang vắng này sau khi được “đỡ đầu” bằng một cục vốn lớn đã đổi thay dần.

Không chỉ tại Sốp Cộp, các chuyện Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông (Điện Biên) và Ba Bể (Bắc Cạn), An Lão (Bình Định)… dân cũng đã có nhiều nhà mới, trường mới, trẻ được cắp sách đến trường để học chữ xóa đói giảm nghèo.

Gia đình Lò Thị Mỹ (Sốp Cộp) có nhà mới đeo biển Ảnh: QT
Gia đình Lò Thị Mỹ (Sốp Cộp) có nhà mới đeo biển. Ảnh: QT.

Nhà vùng cao đeo số, treo biển

Đứng ở chân Đồn Biên phòng 453, xã vùng cao Mường Lạn (Sốp Cộp) ai cũng dễ có cảm giác chỉ ném nhẹ thôi, viên đá có thể trôi qua sườn đồi bên kia đất bạn Lào. Trên những sườn đồi heo vắng của vùng đất này bây giờ đã có nhiều nhà đeo biển.

Ông Lò Văn Khiên - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn đưa chúng tôi đến thăm những ngôi nhà mới của đồng bào dân tộc ở nhiều xã lân cận với niềm vui toát lên đáng kể. Chỉ vào ngôi nhà mang biển xanh với dòng chữ Nhà xã hội, ông Khiên nói: Ngôi nhà này là kết quả của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2008.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Báo Tiền Phong đã vận động khán giả, doanh nghiệp ủng hộ người nghèo thông qua cuộc thi này để xây nhà cho đồng bào dân tộc. Cả tỉnh Sơn La được biết có vài ngôi nhà xã hội mang biển màu xanh được xây từ nguồn tiền do những tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp tham gia cuộc thi hoa hậu ủng hộ…

Hai gian nhà được xây kiên cố duy nhất ở đây là trường tiểu học. Gian nhà này ghi dòng chữ “Bộ Giáo dục & Đào tạo. Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…”. Hơn một nghìn ngôi nhà đeo biển còn lại được xây tại Sốp Cộp theo chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo (gọi tắt là chương trình 30A) của Chính phủ, BIDV tài trợ kinh phí được đeo biển màu đỏ Nhà hỗ trợ theo Quyết định 167/QĐ-TTg và…

Trong những ngôi nhà đeo biển có vẻ mang hơi thở phố thị này, dân vẫn còn nghèo khổ. Chúng tôi vào thăm ngôi nhà chị Lò Thị Mỹ, một gia đình trẻ đã có hai con được hỗ trợ tiền xây nhà. Ngôi nhà dù vừa được hỗ trợ xây bằng gỗ mới, mái lợp ngói xi măng, song trong nhà vẫn còn trống hươ. Chị Mỹ cho nói: vợ chồng tôi được hỗ trợ xây nhà thích lắm, giờ chỉ lo làm ăn, không du canh du cư nữa. Có nhà treo biển màu đỏ lại được hỗ trợ thêm gạo ăn nên rất tự hào.

Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp - Lò Quân Hiệp, một cán bộ trẻ có chuyên môn về kinh tế được tăng cường cho huyện để tìm hướng xóa nghèo cho bà con từ cục vốn hơn 30 tỷ đồng cho biết: Dân ở đây đang được khai hoang về cuộc sống. Họ đã nghèo quá lâu, bây giờ nhờ chính sách của Chính phủ, chúng tôi đang cố gắng đẩy những đồng vốn đầy ý nghĩa giúp họ phát triển kinh tế nhanh hơn. Người dân tộc rất thật thà, biết cảm ơn chân thành khi nhận nhà.

Từ hàng chục trường lớp đã được xây mới, hàng trăm ngôi nhà được dựng kiên cố, đánh số, vào sổ để quản lý khoa học không kém ở phố, chúng tôi hy vọng nơi đây sẽ có nhiều trẻ em sẽ tiếp cận nhanh với tri thức đem về xóa nghèo bền vững cho Sốp Cộp.

Theo báo cáo của UBND huyện Sốp Cộp, trong năm 2010, toàn huyện đã xây mới những ngôi nhà cho bà con trên cơ sở bình xét các hộ nghèo được giúp đỡ trước. Với cơ sở hạ tầng là điện, đường, trường, trạm này, huyện sẽ tổ chức các chương trình nâng cao trình độ cho dân, phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt để dân làm ăn theo hướng mới…

Đầu trẻ không còn đội lớp học tranh tre

Năm 2005, Lầu A Sếnh-bản Thẩm Mỹ B, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông là một trong những học sinh của tỉnh được nhận hỗ trợ học bổng theo học lớp trung cấp pháp lý. Khoản tiền khiêm tốn gần 3 triệu đồng do BIDV chi nhánh Điện Biên tài trợ đã giúp Sếnh học trong gần 3 năm.

Tháng 5-2008, Sếnh đã ra trường và trở về xã làm việc. A Sếnh là một trong những hạt nhân thể hiện sự cụ thể hóa chính sách của Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo có hướng thoát nghèo. Tại các chuyện ở tỉnh Điện Biên được hỗ trợ vốn an sinh xóa đói giảm nghèo, lượng vốn rót vào cho giáo dục chiếm khá lớn.

Theo lãnh đạo huyện Điện Biên Đông, từ khi huyện nhận quyết định được hỗ trợ 30 tỷ đồng, những đồng vốn đã đi vào đúng địa chỉ, đặt nền móng cho sự xóa nghèo bền vững. Nhiều ngôi trường mới được xây dựng an toàn cho các em học sinh giờ đã đón một hai lớp học mới. Hàng chục triệu đồng đã được đầu tư mua sách vở, bàn ghế cho các em học sinh ở vùng đất khó này.

Bà Lê Thị Dung-BIDV Điện Biên cho biết, trong năm 2011 này, huyện và ngân hàng sẽ đầu tư gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà cho học sinh bán trú dân nuôi. Nhà bán trú dân nuôi giúp các em nhỏ vùng xa giảm được việc đi lại để học an toàn. Cho đến nay, hơn 100 bộ máy tính đã đến với các em học sinh của nhiều trường vùng khó, trong đó có huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo…

Tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước đã đề xuất dành phần lớn lượng tiền trong chương trình 30A của Chính phủ do BIDV tài trợ cho phát triển giáo dục ở huyện này. Lãnh đạo huyện Vũ Quang cho biết, huyện miền núi đặc biệt khó khăn, học sinh chủ yếu phải học trong trường tranh tre nứa lá, tạm bợ.

Vùng đất nghèo hiếu học Hà Tĩnh sau khi sử dụng “đồng vốn 30A” cho giáo dục, đã giúp gần 5.800 học sinh được học trong trường mới. Nguồn vốn đầu tư cho giáo dục này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vì các em nghèo đã có điều kiện học tập cơ bản bình đẳng với những vùng khác. Gieo đồng vốn vào 6 huyện nghèo nhất nước trong lĩnh vực giáo dục, niềm vui của các em thuộc dân tộc thiểu số như được nhân lên.

Chỉ đếm qua các con số 126 phòng học nội trú vùng sâu, xa được xây mới; 212 phòng học, phòng công vụ, trường mầm non được mọc lên ở Vũ Quang đủ thấy cơ hội cho con em đồng bào dân tộc có được chữ để xóa nghèo bền vững rõ hơn rất nhiều. Khi đồng vốn vượt non cao đến đúng địa chỉ, được sử dụng trong sáng vô tư, hàng triệu con người, đặc biệt là thế hệ trẻ nghèo khổ đang có nhiều hơn cơ hội thoát nghèo.

Giữa tháng 11-2010, lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đến huyện Ba Bể (Bắc Kạn) kiểm tra một số công trình an sinh, xóa đói giảm nghèo mà tập đoàn tài trợ hàng chục tỷ đồng.

Tại xã Mỹ Phương, Chu Hương, Phúc Lộc và Đông Phúc huyện Ba Bể, TKV đang tài trợ hơn 40 tỷ đồng để xây 4 trạm y tế. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 30A của Chính phủ, TKV đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng để dân xóa nhà dột nát, xây mới nhiều trường học bán trú, giúp đỡ hàng chục học sinh học nghề để xóa đói, giảm nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG