Mảnh sọ đã hỏng, chỉ ghép được bằng vật liệu nhân tạo

Mảnh sọ đã hỏng, chỉ ghép được bằng vật liệu nhân tạo
TP - Kỹ thuật bảo dưỡng mô, xương sọ ở bệnh viện chỉ cho phép tối đa 6 tháng nên nếu ghép sọ não cho Tú, bệnh viện phải sử dụng vật liệu bên ngoài- BS.CKII Nguyễn Ngọc Bá, Phó Giám đốc BV Đà Nẵng kiêm Trưởng Khoa ngoại thần kinh cho biết.

> Không tiền, gửi mảnh sọ 6 năm trong bệnh viện
> Một cháu bé cần được giúp đỡ để ráp não vào hộp sọ

Tú và mẹ
Tú và mẹ.

Cầm trên tay tờ báo Tiền phong số ra ngày 16/5, đăng về em Võ Thanh Tú (sinh năm 1999, thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng)- 6 năm chưa thể ghép sọ vì thiếu tiền- BS Bá nhớ lại: Cũng như bao bệnh nhân chấn thương sọ não khác, sau khi được lấy một phần hộp sọ để phẫu thuật, mảng xương này của Tú được bảo quản tại kho lạnh chứa mô, xương sọ của Khoa Ngoại thần kinh.

BV Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên của cả nước tiếp nhận hệ thống kho lạnh chứa xương mô theo công nghệ của Nhật. Gần chục năm nay, các trường hợp tách mô, xương ra ngoài cơ thể được chuyển đến kho lạnh, để ở nhiệt độ âm 35 độ C, vô trùng tuyệt đối. Tuy nhiên, thời gian tối đa bảo quản xương mô này chỉ 6 tháng. Hết thời hạn trên, bệnh viện xử lý theo quy trình hoặc chuyển về gia đình bệnh nhân nếu người nhà có yêu cầu.

“Bệnh nhân hồi phục nhanh thì 2-3 tháng, phục hồi chậm thì phải chờ lâu hơn mới có thể ghép lại xương sọ. Riêng trường hợp Tú, thời điểm này, người nhà không trở lại tái khám, không đề nghị ghép lại xương sọ (do hoàn cảnh khó khăn) nên khoa không bảo quản được quá thời hạn quy định”, BS Bá nói.

Cũng theo BS Bá, ở TP.Hồ Chí Minh, ngân hàng mô bảo quản ở nhiệt độ âm 86 độ C nên thời gian bảo quản có thể đạt tới 5 năm.

“Với trường hợp Tú, bệnh nhân có hy vọng nhờ việc cấy ghép các thiết bị, vật liệu bên ngoài. Phổ biến hiện nay là ghép xi măng sinh học, hoặc có thể dùng màng lưới chuyên dụng…”, BS Bá nói thêm. Quy trình xử lý, phẫu thuật cấy ghép này mất chừng tuần lễ, trong đó 2 tiếng dành cho phẫu thuật ghép.

Chi phí mỗi ca ghép sọ chừng từ 10 đến vài chục triệu đồng (bệnh nhân chưa BHYT). Tuy nhiên, BS Bá cảnh báo: trước khi tiến hành phẫu thuật ghép sọ, bệnh viện có quy trình nghiêm ngặt về đánh giá thể trạng, mức độ tương thích của bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân bị biến chứng, nhiễm trùng, việc điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. Tổng số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

“Trước mắt, chúng tôi tạo điều kiện tiếp xúc, đánh giá lại thể trạng bệnh nhân Tú để có thể đảm bảo việc cấy ghép bằng vật liệu y tế”, BS Bá nói.

Trái gió trở trời em đau lắm

“Em chỉ mong sớm vá lại mảng xương sọ của mình. Mỗi lần trái gió trở trời em đau lắm”, trên giường bệnh điều trị tại BV Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng, em Võ Thanh Tú bộc bạch. Tú hầu như mất kiểm soát khả năng vận động, đôi chân tê liệt, mọi cử động đều khó khăn. Mảng đầu bị khoét xương sọ lõm sâu, phập phồng theo từng hơi thở của Tú. Giọng Tú đượm buồn: chỉ cần một chút va chạm, em đau điếng người.

Đêm nằm ngủ, mẹ giữ hai tay vì sợ em giơ tay lên đầu va vào vết lõm. Chị Huỳnh Thị Kim Thanh, mẹ Tú bảo: nhiều lúc nhìn cháu lên cơn đau đầu mà giấu nước mắt vào lòng. Gia đình bấn quá, không đủ tiền ghép sọ cho cháu. Tội nhất khi mưa xuống nắng lên, Tú hay ôm đầu khóc vật vã. Gia đình hết sức giữ gìn nhưng nhiều khi không tránh khỏi những va chạm vào đầu khiến sức khỏe Tú ngày cảng tổn thương.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Huỳnh Thị Kim Thanh (trú tại tổ 5 thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (ĐT: 0126 6 596792). Hoặc Ban đại diện báo Tiền Phong, số 19- Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng (ĐT 05113 828039).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG