'Mất bò mới lo làm chuồng'

'Mất bò mới lo làm chuồng'
TPO - Người Việt Nam ta có câu "mất bò mới lo làm chuồng". Cứ sau mỗi việc động trời, chính quyền địa phương lại nói "tôi không được báo cáo". Tại sao lại phải đợi báo mới biết ? Thử hỏi trong khu vực, có ai xây nhà không phép mà UB phường lại không cử người xuống thăm.

>> Toàn cảnh vụ em gái bị đày đọa suốt hơn 10 năm giữa lòng Hà Nội
>> Chữa 'bệnh' vô cảm, cách nào ?

'Mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 1
Nguyễn Thị Bình bật khóc khi kể về những ngày tháng bị đày đọa. Ảnh : Phạm Tuyên

Bác hàng xóm cho Tây thuê nhà thì chả cần bà bên cạnh rỗi việc gọi điện thoại báo, anh cảnh sát khu vực cũng đến "uống nước chè" với chủ nhà ngay.

Tôi nghĩ, sự vô cảm của những người xung quanh, sự yếu kém của chính quyền địa phương, tinh thần vô trách nhiệm của cảnh sát, và cuối cùng là sự yếu kém của hệ thống luật pháp đã vô tình "tiếp tay" cho sự man rợ kéo dài hơn mười năm nay đối với em Nguyễn Thị Bình.

Sáng nay đọc mẩu tin về phường Nhân Chính và Thượng Đình nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc quản lý lỏng lẻo, để xảy ra việc em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ trong hơn 10 năm trời, tôi chợt nghĩ giá như ở đó có chính quyền nơi đó thật sự vì dân và luật pháp đủ mạnh thì đâu đến nông nỗi này.

Rồi đây, những kẻ đồ tể như chủ hàng phở kia sẽ bị luật pháp nghiêm trị. Thật lạ lùng khi chuyện đã bị phanh phui mà chính quyền phường vẫn đổ lỗi cho tổ dân phố, rồi phượng nọ đùn đẩy trách nhiệm sang phường kia.

Đau đớn nhất vẫn là nỗi gian truân em Bình đã phải chịu đựng. Vết thương trên người có thể lành, nhưng vết thương lòng và nỗi sợ hãi sẽ ám ảnh theo em đến suốt cuộc đời còn lại. 21 tuổi lại đang là con gái. Nhưng đau lòng hơn cho tất cả chúng ta là tại sao sống trong nền văn minh của thế kỷ 21, giữa thủ đô Hà nội, cái ác vẫn ngang nhiên tồn tại, ngang nhiên bóc lột người nghèo và chà đạp lên nhân phẩm người khác.

Cứ cho là chủ hàng phở có nhà kín cổng cao tường, tra tấn người ở không ai biết. Tạm cho đó là lý do để hiểu tại sao không ai hay. Điều đó may ra giúp làm nhẹ trách nhiệm cho những người quản lý trong phường và những người hàng xóm vô cảm kia đỡ phải xấu hổ.

Theo báo Tiền phong (trích dẫn từ TTXVN), thì bà Hà Thị Bình, một cụ già 70 tuổi đã giải thoát cho em Nguyễn Thị Bình, nói đã bốn lần - tôi nhắc lại BỐN LẦN - ra báo cáo với trực ban công an phường Thượng Đình. Cả 4 lần đều nhận được câu trả lời của các đồng chí công an:"Được rồi, bà cứ về đi, chúng tôi có trách nhiệm". Họ đã không làm gì cả, thật vô trách nhiệm. Tội ác cứ thế được thực hiện.

Một khi chính quyền và công an khu vực đã vô tình làm ngơ trước cái xấu cái ác trong khu vực do họ phụ trách thì ai còn dám đi lên quận hay trung ương để báo cáo. Mới hay, sự man rợ kéo dài được mười năm là vì sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại thông qua sự im lặng đáng sợ. Cảnh sát là người cầm cân nẩy mực cho khu vực, nắm quyền thực thi pháp luật trong tay mà không làm gì trước tội ác thì chúng ta mong ai sẽ đứng ra ngăn chặn cái xấu đây?

Dân ta trông chờ vào tình làng nghĩa xóm để che chở cho nhau lúc hoạn nạn. Đó là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Nhưng để đất nước đi lên, không thể trông chờ vào lòng tốt của vài người đi báo cáo. Hệ thống pháp luật phải được xây dựng chặt chẽ, nghiêm minh không có ngoại lệ, thưởng phạt rõ ràng, chính quyền phải đủ mạnh và trong sạch thì mới mong hạn chế được cái xấu.

Ai đó hối tiếc ngày xưa sống trong chòm xóm kể cả nhà lắp ghép "tắt tivi rồi mới biết là máy nhà mình mất tiếng vì nghe qua loa TV nhà hàng xóm". Vì kiểu sống "tắt lửa tối đèn có nhau" nên mọi chuyện tốt xấu trong cộng đồng đều được mọi người biết đến dù muốn hay không.

Tuy nhiên, xã hội Việt nam đang đi lên theo hướng tân tiến, yếu tố riêng tư trong không gian sống rất quan trọng và chúng ta đang dần đến phong cách sống đó như ở các nước phát triển. Nhà ở được thiết kế khép kín, hàng xóm ngay cạnh nhiều khi cũng không biết tên nhau. Trong một xã hội như thế, làm sao có cơ chế bảo vệ người có lương tâm đi báo chính quyền về sự sai trái, trừng trị kẻ có tội và kể cả kẻ vu khống hay viết thư nặc danh bóp méo sự thật.

Ở nhiều nước, người ta không dám đánh trẻ con vì một lẽ đơn giản họ "sợ pháp luật" chứ hoàn toàn không phải vì văn minh hơn chúng ta. Luật pháp dậy họ phải sống văn minh. Ai đánh người kể cả bố mẹ đánh con, nếu có người nhìn thấy sẽ gọi cảnh sát đến. Nếu thực sự có chuyện, cảnh sát sẽ còng tay người phạm tội.

Nếu bố mẹ bị bắt thì cảnh sát có quyền gửi trẻ con vào Hội Bảo trợ xã hội nuôi tạm cho đến khi bố mẹ được giải quyết xong trước toà. Người báo được khen thưởng. Nhưng nếu người báo không đúng sự thật sẽ bị liệt vào tội vu cáo và nói dối chính quyền mà tội đó lại rất nặng. Cảnh sát lạm quyền hay làm sai cũng bị kiện vì luật pháp không tha ai, kể cả Tổng thống hay Thủ tướng.

Ở các nước phát triển có một nghề lương rất cao, đó là là làm luật sư. Sống trong xã hội có luật pháp chặt chẽ nên người ta rất sợ bị kiện tụng và vì thế luật sư rất nhiều. Nhưng chính luật sư cũng phải đóng bảo hiểm rất cao phòng khi chính họ bị kiện lại.

Giá như luật pháp của ta cũng chặt chẽ, công bằng và có luật sư chuyên nghiệp, em Bình có thể kiện người đánh mình và những người có trách nhiệm tại địa phương ra toà vì đã không can thiệp đúng lúc.

Ước mong một ngày nào đó, chúng ta tiến đến xã hội "sống và làm việc theo pháp luật" thật sự.

Hoa Lư
(Từ Washington DC)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.