Thông tin từ đường dây nóng

Mặt đê sông Hồng vẫn bị cày nát

Xe tải hạng nặng tập kết ở chân đê, thôn Giáp Long, xã Thống Nhất
Xe tải hạng nặng tập kết ở chân đê, thôn Giáp Long, xã Thống Nhất
TP - Tình trạng xe trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng, xe trộn bê tông cày xới nham nhở mặt đê, đe dọa an toàn đê điều vẫn diễn ra hằng ngày dù báo chí và người dân liên tiếp phản ánh những năm qua.

Sáng 8/9, theo ghi nhận của PV, khu vực đê Hữu Hồng đoạn qua xã Hồng Vân và Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội (thuộc tuyến đê cấp 1) đang xuống cấp trầm trọng. Mặt đê nhiều chỗ xuất hiện những vết nứt, bị sụt lún kéo dài tạo thành rãnh dài. Ổ gà, sống trâu xuất hiện liên tục khiến xe máy, ô tô gầm thấp đi lại khó khăn, nguy hiểm. Dù cơ quan chức năng cắm các biển báo hạn chế trọng tải 12 tấn, nhưng những chiếc xe tải hiệu Howo, xe trộn bê tông có tải trọng thiết kế từ 15 đến 30 tấn ngang nhiên hoạt động. Trên nhiều xe xuất hiện vết hàn, khớp cơi nới thành thùng cao 30-50 cm, thậm chí có xe vết cơi nới cao thêm 1 m, chở vật liệu vượt quá thùng.  Những xe này mang logo của các Công ty như Bê tông Phong Cảnh, Hoàng Long; Cty TNHH Cường Linh, Thanh Long…

 Các xe tải sau khi lấy cát từ điểm tập kết ngoài đê, đi vào đường Tía, xã Thống Nhất về Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21B rồi tỏa đi vùng lân cận. Dù đi vào đường cấm, nhưng các xe này không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Có thời điểm, xe tải nối đuôi nhau thành đoàn dài đi qua khu vực trường học, chợ, dân cư đông đúc, một số tài xế còn lạng lách, đánh võng. Vật liệu xây dựng không được che chắn cẩn thận, rơi vãi ra đường. Đường quá nhỏ, mỗi khi xe đi qua, người dân phải nép vào sát tường nhà, vỉa hè.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, trú tại thôn Cẩm Cơ, xã Hồng Vân, cho biết, xe chở cát sỏi xây dựng, xe chở bê tông trọng tải lớn chạy cả ngày lẫn đêm. Lái xe thường lấy vật liệu xây dựng từ các điểm phía ngoài đê, trên địa bàn rồi di chuyển đến các công trường, điểm lân cận. Theo ông Tùng, tình trạng sụt lún, nhiều rãnh nứt do các xe quá tải, quá khổ gây ra. “Khi xe tải đi qua, bụi cát mù mịt dài cả chục mét. Nhà dân dưới đê phải đóng kín các cửa. Trời mưa, đường lầy lội khiến việc di chuyển của người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, con đường làng dẫn ra đê luôn trong tình trạng hai vệt bánh xe xẻ giữa đường”, ông nói.

Tình trạng mặt đê rạn nứt, sụt lún không chỉ ảnh hưởng tới người dân hai bên đê mà còn khiến cho những người tham gia giao thông luôn phải cảnh giác; chủ quan là có thể gây tai nạn cho bản thân và những người khác. Anh Nguyễn Thế Tâm trú tại xã Thống Nhất, cho biết, các xe trọng tải lớn thường đi với tốc độ cao, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Chưa kể, mặt đường có quá nhiều ổ gà, ổ voi và cát. Xe máy đi qua rất dễ bị trượt bánh, đổ xuống đường. “Nguy hiểm nhất là đi ban đêm. Có xe tải đi qua thì tôi phải đứng lại hoặc đi sát mép đê. Đợi xe đi qua rồi mới dám đi tiếp”, anh Tâm nói.

Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ở đâu?

Theo khảo sát của PV, dọc tuyến đê dài khoảng 5km từ xã Hồng Vân đến xã Thống Nhất có gần 10 điểm tập kết cát sỏi, trạm trộn bê tông đang hoạt động. Các phương tiện như máy xúc, ô tô có trọng tải lớn tấp nập ra vào. Tại con đường dân sinh, sát chân đê, hàng dài xe tải hạng nặng nối đuôi nhau chờ vào bến bãi gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Ông Tạ Thanh Ngừng, Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất, cho biết, một số điểm tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông hoạt động trên địa bàn xã chưa được cấp phép. “Hồ sơ xin cấp phép của các điểm tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông được gửi lên cấp trên nhưng không hiểu vì sao chưa được cấp phép”, ông Ngừng nói. Theo ông Ngừng, xe tải hạng nặng di chuyển qua địa bàn thường xuyên diễn ra, nhưng UBND xã không đủ thẩm quyền để xử lý. “Việc xử lý xe quá khổ, quá tải cày nát đường đê, hay đi vào khu dân cư thuộc thẩm quyền của đội Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông huyện Thường Tín”, ông nói.

Ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, cho biết, trên mặt đê có cắm biển hạn chế tải trọng tối đa 12 tấn, nhưng nhiều lái xe vẫn ngang nhiên vi phạm. UBND xã có phản ánh tình trạng với các cơ quan chức năng.

MỚI - NÓNG