Một cô giáo mầm non: Tôi thực sự thấy buồn!

Một cô giáo mầm non: Tôi thực sự thấy buồn!
TPO - Tôi là giáo viên mầm non tại một trường chuẩn quốc gia của quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tôi đã đọc tất cả các bài viết trên diễn đàn này và thấy hầu hết các phụ huynh đều có những bức xúc về việc con cái mình không được đi vệ sinh và lỗi đều do các cô giáo gây ra.

>> Diễn đàn: Hãy bắt đầu từ quyền đi vệ sinh của các cháu!
>> Chuyện trẻ em đi vệ sinh ở xứ ta và xứ người

Một cô giáo mầm non: Tôi thực sự thấy buồn! ảnh 1
Các cháu một trường mầm non tại Hà Nội (Ảnh chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến vấn đề này). Ảnh: Trường Sơn.

Thậm chí có người còn nói rằng buồn vì chất lượng của các cô giáo trẻ ngày nay. Tôi thật sự thấy buồn!

Các vị cũng đã biết hiện tượng quá tải học sinh trong các trường mầm non đang là phổ biến. Vậy các vị thử so sánh một phép tính đơn giản: Một mẹ một con ở nhà (Có gia đình còn có cả ông bà và người giúp việc) với 2 cô giáo cùng 50 cháu một lớp học thì sẽ thấy như thế nào ?

Những giáo viên mầm non chúng tôi phải làm việc cật lực và thực sự có sức khỏe mới chống chọi được. Chúng tôi bắt đầu công việc từ 7 giờ 30 và kết thúc vào lúc 16 giờ 45. Buổi trưa không được ra ngoài, phải thay nhau trực giờ ngủ, làm tất cả mọi việc : Dạy - Chơi - Cho ăn - Cho ngủ - Làm vệ sinh cho các cháu.

Có những vị sáng ra cho con ngủ thêm nên không kịp cho cháu ăn sáng nên mang đến nhờ cô. Các cháu suy dinh dưỡng thì bố mẹ gửi thêm đồ ăn thức uống giữa buổi. Chúng tôi vẫn vui vẻ bởi chúng tôi hiểu đó là nghề của mình mặc dù lương của chúng tôi rất thấp, chứ không phải là rất cao với nhiều chế độ đãi ngộ hậu hĩnh như có người đã nói.

Tất nhiên cũng có trường hợp như quý vị đã nêu và tôi có đọc qua báo chí, nhưng hiện tượng đó ở trường tôi là không có. Trừ các cháu nhỏ (từ 3 tuổi trở xuống), các cô theo giờ nhất định cho các cháu xếp hàng đi vệ sinh. Các cháu lớn hơn thì tự đi theo nhu cầu. Nhà vệ sinh luôn sạch sẽ. Cháu nào đi nặng hơn chúng tôi đều dắt vào và làm vệ sinh cho cháu.

Tôi khẳng định rằng, lớp giáo viên trẻ hiện nay tài năng và rất tâm huyết với nghề.

Không có lý do gì mà các vị nói rằng, chất lượng các cô giáo mầm non hiện nay kém cả, vì giáo viên mầm non hiện nay muốn được đứng lớp thì thấp nhất phải tốt nghiệp trung cấp dạy nghề, trước khi vào nghề phải thi tuyển qua nhiều vòng tuyển chọn. Trường tôi, giáo viên đứng lớp 100% đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học.

Thiết nghĩ, mọi người trong chúng ta nên nhìn sự việc một cách khách quan. Nếu chúng tôi có chỗ nào còn sai sót xin tiếp thu. Chúng tôi mong được đón nhận những ý kiến đóng góp để hoàn thiện mình, chứ không phải lôi ra những câu chuyện hay những tình huống nào đó để chỉ trích.

Tại sao các vị không tìm giải pháp để hạn chế những khó khăn? Ví dụ như đóng thêm tiền để các trường có thể tuyển thêm người vào làm, mỗi lớp sẽ có một cô chuyên làm vệ sinh cho các cháu, gánh bớt công việc cho các cô đứng lớp; hay hỗ trợ các cô rèn con cái chúng ta có thói quen đi vệ sinh đúng giờ giấc (như một phụ huynh đã nêu ý kiến). Tôi nghĩ như thế sẽ hay hơn rất nhiều.

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

TRAN TRUNG; Hà Nội; Email: trungtq06@vnn.vn

Trước tiên phải nói rằng tôi không định tham gia diễn đàn này, tuy nhiên sau khi đọc các ý kiến tham gia tôi nhận thấy:

1. Một số ít các bạn đã lấy diễn đàn này để phản ánh một số ít các trường hợp chưa tốt để coi là yếu điểm; là lỗi của hệ thống giáo dục và người chịu lỗi là chính những người đang nuôi dậy con cái của chúng ta.

Từ trước đến nay hầu hết chúng ta chỉ nhìn thấy những điểm yếu, những cái chưa tốt để phê phán nó mà không quan tâm đến những cái được mà chúng ta (ở đây là con cái chúng ta) nhận được.

Do đó mong chúng ta khi có ý định lên án một vấn đề bất kỳ nào đó thì hãy tỉnh táo mà xem xét CHÚNG TA ĐÃ CÔNG BẰNG CHƯA?

2. Đối với các thầy cô giáo nói chung, đặc biệt là các cô giáo mầm non: các vị thử nghĩ xem ở nhà chúng ta chỉ có 1-2 đứa trẻ mà nhiều khi chúng ta đã không thể chịu đựng được, đánh, mắng các con (nhiều khi đến mức vô lý).

Vì vậy mong chúng ta HÃY THÔNG CẢM với các thầy, cô khi họ phải nuôi dậy số con gấp chúng ta đến vài chục lần và đi kèm với đó là bao nhiêu tính cách (kể cả các thái độ rất xấu mà chính chúng ta là người tạo nên tính cách đó cho trẻ).

3. Với riêng cá nhân tôi, đến nay con tôi đã qua 3 năm mầm non và đang học lớp 2, tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn đến các cô giáo đã nuôi dậy con tôi từ trường mầm non Khương Đình; trường mầm non Tháng Tám; trường tiểu học Tràng An.

Các cô đã làm được những việc mà rất nhiều trong số đó gia đình chúng tôi chưa làm được và không thể làm được. Cuối cùng, như đã có lần tôi tâm sự với cô giáo của con tôi: CÁC CÔ THẬT SỰ LÀ NHỮNG NGƯỜI DŨNG CẢM.

Xin cảm ơn mọi người đã đọc bài viết này, mặc dù sẽ có những người không thích nó và không đồng ý với nó.

Trinh Hoàng Dũng; Email: papil76@yahoo.com Bố mẹ cũng cần hợp tác với nhà trường

Đọc các bài viết trên diễn đàn thời gian vừa qua về vấn đề này tôi hoàn toàn chia sẻ vì tôi cũng đang có 2 con nhỏ, một cháu đi học mẫu giáo nhỡ và một cháu đi học ở nhà trẻ.

Theo tôi, tình trạng quá tải đang diễn ra tại các trường mầm non hiện nay là phổ biến và trầm trọng. Điều này tạo nên những khó khăn cho cả cô và trò. Tần suất sử dụng cao thì trang thiết bị đặc biệt là khu vực ẩm ướt như khu vệ sinh sẽ rất nhanh xuống cấp. Học trò đông nên các cô khó sâu sát chăm sóc tốt các cháu....

Về kinh nghiệm bản thân tôi xin chia sẻ với các bậc phụ huynh khác:

- Luyện cho con đi vệ sinh theo giờ ngay từ bé đặc biệt là đại tiện. Nếu có thói quen tốt từ bé, các con sẽ đi rất đúng giờ (thường là sáng hoặc tối sau khi ăn xong). Cố gắng để các con đi vệ sinh nặng ở nhà, như thế, khi đến lớp cả các con và cô giáo đều đỡ khổ.

- Luyện các con thói quen tự lập, ăn uống tự giác, không ngậm, ăn nhanh. Cái này phải luyện ghê lắm từ bé. Đứa đầu của tôi đến giờ vẫn giữ nếp tốt nhưng đứa thứ hai thì do về ở với ông bà vài tháng đã bị mất nếp ăn ngoan.

- Luyện cho các con ngủ đúng giờ (theo lịch sinh hoạt trên lớp). Điều này thì vào ngày nghỉ các bố mẹ rất hay làm hỏng lịch sinh hoạt do cả nhà đi chơi hay do ở nhà giờ giấc thường bị muộn hơn.

Giữ nếp là điều khó nhất nhưng theo tôi, khi các con mình có nề nếp sinh hoạt tốt thì các cô giáo sẽ đỡ vất hơn và vì thế sẽ có thời gian chăm sóc các cháu ăn nghỉ tốt hơn, đỡ bị phân tâm vì chuyện cháu hờn dỗi, ăn sáng muộn, đi vệ sinh không theo giờ giấc, dây bẩn khiến cô phải dọn... Việc này cũng khiến các cô đỡ ức chế hơn rất nhiều trong công việc.

Email: lululcvp@yahoo.com  Không nên đổ lỗi cho riêng ai 

Tôi cũng là một người mẹ như bao bà mẹ khác, ai chẳng thương xót con. Nhưng những vấn đề được nêu ra ở trên không phải ở trường nào và CÔ GIÁO MẦM NON NÀO cũng có thái độ như vậy đối với trẻ vì ít nhất họ cũng là một phụ huynh của một hoặc vài đứa trẻ.

Tuy nhiên đôi khi chuyện đối xử chưa tốt với học sinh vẫn xảy ra ở một vài nơi vài lúc nào đó thì có thể bỏ qua được (ngay cả chúng ta đôi khi còn thiếu công bằng với con mình). Nếu như việc đó xảy ra thường xuyên thì quả là đáng trách.

Tôi cũng đã từng cho con đi học ở một trường mầm non nhưng cháu không thích và nói rằng: "Không có chỗ nào ma đi đâu". Tôi chỉ nghĩ rằng vì đã quen được chạy nhảy tự do nên khi bị quản lý chặt chễ cháu khó chịu. Song sau một thời gian tôi thấy tối về nhà cháu rất đói, ăn nhiều ngoài tưởng tượng, sút cân, quần áo và tay chân rất bẩn, về nhà ăn uống no mới đi ị.

Như vậy có nghĩa là gì? Thứ nhất: Con tôi không được cho ăn đầy đủ ở lớp nên về nhà ăn khỏe bất thường. Điều này có thể thông cảm được, vì các cô không thể bón cho từng cháu ăn no nên cháu tự phải xúc ăn,đói là điều đương nhiên.

Thứ hai: Cháu không được rửa tay chân trước sau khi ăn, lớp học mất vệ sinh. Vì lớp các cháu mà sạch, cô giáo rửa ráy cẩn thận cho trẻ thì cháu không bị bẩn quần áo và chân tay như vậy.

Còn về việc đi vệ sinh thì tôi không bàn vì có thể con tôi thay đổi sinh hoạt nên thay đổi thói quen đi vệ sinh.

Vấn đề tôi muốn nói tới là nếu như Bộ Giáo dục quan tâm đầu tư hơn thì một lớp học không chỉ có 2 - 3 cô giáo chăm sóc cả 50 cháu nhỏ. Nếu lương của cán bộ công chức không thấp thì việc đóng góp cho con em chẳng ai phàn nàn gì. Các cô giáo cũng như chúng tôi, chỉ vì đồng tiền, vì lo cho cuộc sống gia đình mà đôi khi căng thẳng, ít nhiều ảnh hưởng đến công việc.

Tôi được biết, ở một số nước trên thế giới, trẻ em được miễn toàn bộ những đóng góp liên quan đến giáo dục và y tế. Xin hỏi những người đứng đầu ngành liên quan như Giáo dục, Lao động thương binh xã hội, những nhà hoạch định chính sách... liệu chúng ta có thể làm cho công nhân viên chức được yên tâm làm việc khi có đời sống kinh tế tương đối ổn định, con em được học tập chăm sóc tốt hơn không?

Bản thân tôi, làm việc ăn lương hành chính, không có thu nhập gì thêm ngoài lương 2,34. Tôi đi làm mà vẫn lo tính đi chợ như thế nào cho đủ 2 mẹ con sinh hoạt cho cả tháng (tôi đã ly hôn nên nuôi con một mình). Cuối cùng vì thấy con đi học mà đói, bẩn, sút cân trong khi tiền thì tính từng đồng chi tiêu cho tiết kiệm, tôi đã phải cho con nghỉ học ở nhà.

Lỗi này do tôi do cô giáo hay là do cái gì? Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, tôi cũng không biết tương lai của cháu sẽ ra sao.Tôi nghĩ ít nhất người mẹ có công ăn việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước như tôi còn phải trăn trở vì không nuôi nổi con (3 tuổi) ăn học thì nói gì đến người lao động phổ thông không có trình độ.

Cả một lớp trẻ mầm non đang đợi chờ một động thái thay đổi tích cực của xã hội chúng ta!

Phạm Vững; Email: phamvung26@yahoo.com.vn

Tôi thấy một số cô giáo mầm non hiện nay chưa thực sự làm việc một cách chuyên nghiệp. Ví dụ như cô giáo nói là phụ huynh học sinh đóng tiền thêm để thuê cô vệ sinh và hướng dẫn các cháu đi vệ sinh đúng giờ.

Tôi thiết nghĩ công viêc đó là của các cô chứ chúng tôi không phải đóng góp ý kiến, các cô phải dạy dỗ các cháu phải lễ phép và làm việc khoa học. Ở đây lớp học (tức là dậy và học) chứ có phải ở chợ đâu mà các cô hành xử như vậy?

Qua đây tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục phải xem xét lại vấn đề về các trường mầm non hiện nay. Những điều tôi thấy bất cập: Chúng tôi sinh con thì vợ tôi chỉ được nghỉ có 4 - 5 tháng thì lại phải đi làm. Lúc đó chúng tôi gửi con cho ai trong khi đó Nhà nước chưa có trường giữ trẻ từ 4 - 5 tháng tuổi? Vậy chúng tôi gửi con cho ai? ...

Nguyễn Mạnh Hùng; Email: haysong_vinhau123@yahoo.com

Qua bài báo này, chúng tôi - những phụ huynh đang có con đi nhà trẻ - cũng hiểu phần nào những nỗi vất vả của các cô giáo. Tuy nhiên tôi cũng có một vài ý kiến như sau:

Cô đang dạy ở trường điểm của thủ đô, nơi có điều kiện hơn rất nhiều nơi mà cô còn nói đến lương bổng, hỏi cô rằng lương của cô giáo bây giờ la bao nhiêu? So với nhiều nghề lương của các cô giáo cũng đã tăng rất nhiều rồi.

Cô nói rchỉ có 2 cô mà tới 50 cháu. Tôi chưa nghe thấy ở đâu như thế bao giờ, chỉ có chăng các cô không muốn thêm người để được tăng tiền ngoài luồng, ngoài khoản lương hàng tháng các cô lĩnh. Nếu như cô làm ở trường công lập mà còn nói là thu nhập thấp thì thử hỏi nhưng trường tư thục họ sống bằng gì?

Thực sự là ý thức của các cô còn hạn chế không chịu nhận thấy những khuyết điểm của mình.

Email: HaiHang@yahoo.com Hãy đặt mình vào cương vị các cô giáo mầm non

Những nội dung về nhà vệ sinh tại các trường, nhất là trường mầm non là thực tế. Nhưng để khắc phục được, thì chỉ các cô là chuyện không thể vì kinh phí các cô không tự mình tạo ra được.

Tôi có một cô bạn làm giáo viên mầm non, đứng lớp 4, 5 năm nay nhưng chỉ là giáo viên hợp đồng và tiền công rất thấp, khoảng 500.000 - 700.000 đồng/tháng.

Vì vậy không chỉ các cô giáo khắc phục, các phụ huynh cùng khắc phục, mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đặc biệt Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nên lắng nghe, nắm bắt được những vấn đề đang xảy ra hàng ngày tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non, để trạo điều kiện cho các trường kể cả thu nhập của các cô giáo, mà đòi hỏi phục vụ thì quá lớn.

Minh Quang; Email: Hungmanh261@yahoo.com  Nhìn thẳng vào sự thật nhưng phải khách quan, công bằng

Tôi là một nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục, theo dõi diễn đàn về vấn đề vệ sinh học đường này, tôi thấy các bạn đã nhìn thẳng vào thực trạng đang tồn tại trong các nhà trường của nhiều cấp học, bậc học; Khi phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, đa phần các bạn cho rằng do giáo viên trực tiếp đứng lớp gây nên, thực tế có phải vậy không và có công bằng không?

Diễn đàn là nơi mọi người trao đổi và tranh luận xung quanh một chủ đề nào đó về thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết vấn đề đó, tạo ra dư luận xã hội để gây sức ép với các cơ quan chức năng, buộc họ phải giải quyết vấn đề dư luận quan tâm.

Tôi thấy nhiều người nặng về chỉ trích, mạt sát những người thầy, người cô giáo làm nhiệm vụ ở các nhà trường là không khách quan, không công bằng gây bức xúc trong đội ngũ những ngưòi làm công tác giáo dục.

 Thứ nhất:Việc mất vệ sinh công cộng đâu chỉ có ở các cơ quan trong ngành giáo dục và đào tạo, nó xảy ra ở rất nhiều công sở, cơ quan và xí nghiệp khác đấy chứ. Giáo dục là một bộ phận của nền kinh tế xã hội, chịu tác động trực tiếp của các vấn đề xã hội. Thử hỏi các công trình công cộng của ta đã quan tâm thích đáng đến vấn đề vệ sinh chưa?

Thứ hai: Đối với nội tại của ngành giáo dục, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học còn thiếu thốn nên việc đầu tư cho khu vệ sinh còn hạn chế, kinh phí chi trả cho người làm công tác vệ sinh còn thấp, đội ngũ giáo viên ở cấp học mầm non nhiều người chưa được đào tạo bài bản và công việc nặng nhọc; Một cô giáo phải phụ trách có khi tới hơn 20 cháu, liệu cô giáo có thể quan tâm cùng một lúc tới các nhu cầu của các cháu không?

Không thể phủ nhận rằng ở một thời điểm nào đó, một nơi nào đó còn có những người thày, người cô giáo chưa tận tâm, tận lực với nghề song đó chỉ là một bộ phận trong toàn thể đội ngũ các thày cô giáo trong ngành giáo dục mà thôi. Nhìn thẳng vào sự thật nhưng phải khách quan và công bằng.

Nguyễn Quang Huy: Nên sống tốt với nhau hơn

Đọc ý kiến của các anh chị ở trên về vấn đê đi vệ sinh cho trẻ, tôi thấy rằng chúng ta chỉ nhìn vào hện tượng mà không có bất cứ sự thông cảm nào cho các cô giáo trường mầm non.

Tôi cũng có 2 cháu nhỏ, 1 học lớp lớn trường công lập, 1 học nhà trẻ trường tư thục.Ở đâu cũng có nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn, có thể vì tôi đã chọn cho các cháu trường tốt? Không phải, như các nơi khác thôi.

Việc vệ sinh và giáo dục cho các cháu không chỉ dành cho cô giáo mà phải rèn luyện cho con cái ngay ở nhà. Thử hỏi 2 cô làm sao có thể quản lý tốt cho chừng 40 cháu.

Còn có trường hợp cô giáo có ứng xử không tốt, tôi tin là có nhưng không thể đánh đồng, chỉ như con sâu làm rầu nồi canh thôi. Nếu muốn tốt hơn, chỉ có thể yêu cầu mở thêm nhiều trường tiêu chuẩn và chấp nhận mức học phí cao hơn như các trường tư thục theo mô hình của nước ngoài chắc đa phần chúng ta không đáp ứng được.

Tôi nghĩ việc khắc phục nên có sự phối hợp của cả gia đình và nhà trường thì mới giải quyết và khắc phục được.

Vũ Thị Uyên; Email: uyenvuthi@yahoo.com Đừng lên án quá đáng

Chúng ta là một tổng thể không đồng đều, nên không thể dùng một công thức chung để áp đặt. Con dứt ruột đẻ ra nhiều khi chúng ta còn lo chưa xong vì quá mệt mỏi nên chúng ta đừng vì cái "con của chúng ta" quá lớn mà quy trách nhiệm cho cả cộng đồng những giáo viên mầm non.

Đồng ý với quý vị là có những người chưa đủ lương tâm để đảm trách vai trò giáo viên mầm non nhưng vẫn được xã hội phân công vào vị trí đó. Nhưng không có nghĩa là tất cả các trường mầm non đều như thế.

Đối với những hiện tượng tiêu cực mà quý vị nào nhìn thấy trông thấy thì có thể chỉ ngay mặt, điểm ngay tên để xã hội loại trừ ra khỏi đội ngũ những người tâm đắc với nghề. Đừng nói một cách chung chung để quy hết trách nhiệm cho cả một ngành trong đó đa số là những người tâm huyết.

Hãy có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với nhau trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ. Tôi nói chia sẻ đây có nghĩa là chính mình nhận được sự chia sẻ chứ không phải mình chia sẻ cho người khác.

Hiện tôi cũng đang có 2 cháu học mầm non và các cháu được nhà trường và các giáo viên mầm non chăm sóc rất tốt. Thậm chí khi cháu lớn của tôi đến tuổi vào tiểu học, tôi phải lo lắng suốt cả mấy tuần lễ vì điều kiện ở trường tiểu học không thể bằng trường mầm non.

Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị, xin cám ơn tòa soạn báo Tiền phong. Xin cám ơn những con người vì công việc đã có công rất lớn trong việc dạy dỗ con em chúng tôi.

Thái Thơm; Email: thaithom84@yahoo.com

Đọc diễn đàn này tôi thấy mình nên có một số giãi bày giúp cho những cô giáo mầm non. Tuy tôi không phải là một cô giáo nhưng tôi có thể hiểu được phần nào nỗi vất vả của các cô bởi tôi cùng sống với hai cô giáo mầm non trong căn nhà trọ.

Mỗi buổi sáng khi tôi có đủ thời gian để chuẩn bị cho buổi đi làm của mình thì ngược lại 2 chị lại chẳng có lấy một chút thư thái nào cả, lúc nào cũng tất bật để kịp đến trường trước 6 giờ 30 phút để đón cháu. Buổi trưa khi tôi về nghỉ trưa thì các chị lại không có một ai được về ăn trưa ở nhà lúc nào cũng phải trả hết cháu vào buổi chiều mới được trở về nhà.

Thời gian là vậy, còn tiền lương thì sao? Tôi thiết nghĩ không biết lúc nào giáo viên mầm non mới có thể nhận tiền lương hợp lý như các ngành khác trong, khi đó nếu tính khối lượng công việc thì phải trả cho các cô giáo mầm non gấp 2 lần so với đồng lương các cô được nhận.

Tôi tự hỏi các chị trong phòng trọ của tôi là những người chưa có gia đình nên có thể còn đi sớm về muộn như thế cũng chưa có vướng bận gì nhưng thử hỏi khi có gia đình thì sao? Liệu một người chồng có thể thông cảm hay không?

Qua diễn đàn này tôi hy vọng các bậc phụ huynh có thể thông cảm cho các cô giáo mầm non một số vấn đề xung quanh việc chăm sóc con cháu mình và cũng mong ngành giáo dục có những biện pháp đúng đắn để cho cuộc sống của các cô giáo mầm non bớt vất vả.

Hoang Thanh Trang; Email: trangkimvn@yahoo.com.vn  Gởi các cô giáo mầm non

Tôi có con đang học tiểu học. Tôi thật sự khâm phục các cô giáo trẻ. Hầu hết các cô chưa có gia đình nhưng đã gắng hết sức để chăm sóc các cháu như con của mình, dĩ nhiên không thể kỹ bằng một mẹ một con.

Ngoài việc chăm sóc về thể chất các cô phải dạy các cháu theo phương pháp mới, phải sáng tác ra đồ chơi, dụng cụ học tập để dạy cho các cháu dễ hiểu. Tôi cũng có một cô em gái dạy mầm non. Khi chưa lập gia đình em luôn lấy một phần tiền lương của mình để làm đồ dùng dạy học.

Phải dạy theo chương trình nhưng chưa bao giờ các cô được nhà trường hỗ trợ cho những việc làm nhỏ như vậy, biết rằng mỗi lần làm đồ dùng chỉ hết vài chục ngàn, nhưng lương các cô cũng chỉ 700 - 800 ngàn đồng/tháng.

Bây giờ em gái tôi đã không còn dạy học nữa, nhưng mỗi lần gặp tôi em vẫn luôn nói về các cháu một cách đầy yêu thương, em cứ ước ao giá như lương giáo viên mầm non được hơn 1 triệu đồng thì cũng đủ sống để mà theo nghề.

Nói về các cháu thì em vui thế, nhưng kể về phụ huynh thì có lúc em như muốn khóc. Em nói: Chị biết không, mỗi năm cứ đến ngày 8-3 hoặc 20-11 tụi em lại vừa vui vừ buồn. Vui vì ngày của mình được xã hội tôn vinh, được gia đình các cháu quan tâm, có những phụ huynh tặng những món quà ý nghĩa và trân trọng, nhưng cũng có những người đưa những chiếc phong bì cùng với ánh mắt như ban ơn, thậm chí là coi thường, thế có đáng không.

Em nói: chị nghĩ xem tụi em dù sao cũng là những người trí thức ít nhất cũng học xong trung cấp thế mà ra trường đi làm rất ít bạn được vào trường mầm non công lập, 80% giáo viên mầm non ra trường dạy ở trường tư, 30% trong số đó không hề có chế độ gì ngoài lương, không BHXH, không BHYT, không có thưởng. Hiện tại bây giờ có người bạn em dạy ở tư thục lương một tháng 600 ngàn đông chị bảo có sống được không. Em nghe nói ngành giáo dục rất quan tâm đến đời sống của giáo viên, đúng không chị...

Nguyễn Tùng Châu; Email: chaunt@inbankvn.com

Tôi có một bé gái 30 tháng tuổi. Vợ chồng tôi rất khó khăn tìm được người giúp việc để giao nhà cửa và con gái tôi trong thời gian chúng tôi đi làm. Tôi đã nghỉ đến việc cho cháu đi nhà trẻ mặc dù cháu chưa được 3 tuổi.

Thời gian đầu, cháu chưa quen, cứ khóc đòi mẹ. Nhưng hai tuần sau cháu không còn khóc nữa, thậm chí chiều nào về cũng giành với ba kể chuyện hôm nay con đi học vui lắm mẹ ơi... Cô Hạnh thương con lắm, cô còn khen con nữa...

Bé đi học về thỉnh thoảng có những lúc bị muỗi chích, bị vết trầy do bạn gây ra, song tôi vẫn không buồn vì tôi để ý, sau những lần như thế bé tự biết cách bảo vệ mình hơn. Tôi rất quý các cô giáo dạy trẻ vì tôi biết rằng các cô phải có tấm lòng yêu trẻ nên mới chọn công việc này.

Thú thật, chỉ một ngày Chủ nhật ở nhà với con, tôi thấy cực hơn cả 5 ngày làm việc (mặc dù công việc của tôi tại cơ quan rất bận rộn). Chính vì vậy, tôi cho rằng công việc của một cô giáo dạy trẻ là rất vất vả.

Còn về thu nhập của cô, tôi đã từng tìm hiểu và biết rằng mặc dù tại TPHCM, nhưng lương giáo viên tại các trường mầm non chỉ giao động từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng. Với đồng lương ít ỏi như thế, tôi tự nghĩ liệu các cô có thể trang trải cuộc sống gia đình của mình tốt hay không?...

Tôi rất hiểu tâm lý của các phụ huynh có con đi nhà trẻ. Cũng như tôi, luôn muốn những điều tốt nhất cho cục cưng của mình. Thế nhưng tôi cho rằng, sẽ rất hợp lý, hợp tình nếu chúng ta cùng với nhà trường chia sẻ, hợp tác trong việc nuôi và dạy dỗ con của chúng ta.

Chúng ta hãy nghĩ đến số lượng trẻ và giáo viên hiện hữu trong lớp học và có kế hoạch giúp các cô những công việc trong khả năng của mình, và quan trọng hết chúng ta hãy nghĩ điều này là giúp cho con của chúng ta. Đó là việc tập cho con đi vệ sinh vào buổi sáng trước khi đi học, tập cho bé uống một cốc nước ấm trước khi đến trường...

Tôi nghĩ nếu việc này đã trở thành thói quen thì sẽ không mất nhiều thời gian trong buổi sáng, đồng thời chúng ta sẽ đảm bảo việc vệ sinh trẻ trước khi đi học. Con của chúng ta sẽ có những thói quen tốt để đảm bảo sức khoẻ cho mình. Còn các cô, sẽ có thêm thời gian giành cho việc chăm sóc con chúng ta chu đáo hơn. Các bạn có nghĩ như vậy không?

Nguyễn Mạnh Hà; Email: nganhabtgtu@yahoo.com.vn  Hãy thử đặt mình vào trường hợp của các cô giáo mầm non

Đã đành là các hiện tượng tiêu cực rất đáng lên án. Tuy vậy, muốn đánh giá một vấn đề cần phải có cái nhìn khách quan; cần đặt mình và hoàn cảnh của mọi trường hợp.

Quay lại với các cô giáo mầm non, nếu mọi người thử đặt mình vào các cô như bài viết trên hoặc tự ở nhà chăm sóc con mình một ngày thì sẽ biết hết được những nỗi vất vả, cực nhọc của các cô. Nào là em khóc, em trèo ra ngoài, em đòi ăn, em đòi đi vệ sinh, em đòi đồ chơi...

Cả lớp có hai cô phải vất vả với cả một dần đồng ca hơn 20 cháu. Việc chăm sóc các cháu còn bé đòi hỏi sự cẩn thận của giáo viên rất cao; trong khi đó, thu nhập của giáo viên thì thấp. Vậy có nên đổ lỗi hết cho các thầy cô giáo hay không?

IP Address: 222.254.143.226

Con gái tôi 5 tuổi đang học một trường mẫu giáo ở Quy Nhơn (Bình Định), thỉnh thoảng ở nhà con tôi có nói (khi tôi gặng hỏi): ở lớp cô giáo không cho đi tiểu, đi cầu - nếu đi thì cô bắt rửa nhà vệ sinh; khi ngủ trưa bạn nào không chịu nhắm mắt thì cô dọa sẽ lấy keo 502 nhỏ vào mắt... và con tôi còn dặn ba không được nói chuyện này với cô, nếu nói thì cô sẽ đánh con...

Tôi thật sự thất vọng với cách giáo dục của các cô. Tôi đồng ý trong phương pháp dạy các cháu cũng cần phải dùng đến biện pháp răn đe nhưng đừng nên cấm đoán các cháu các nhu cầu bức thiết của con người, đặc biệt là với trẻ thơ - cần tạo ra môi trường tốt lành cho các cháu vì các cháu đang ở trong thời kỳ hình thành nhân cách con người.

Nguyễn Tuấn; Email: tuannv51@yahoo.com Không nên phủ nhận tất cả

Tôi rất thông cảm với ý kiến của các cô giáo mầm non, đúng là các cô rất vất vả - điều này chắc các bà mẹ đều thấu hiểu. Các cô thực sự vất vả, nhiều phụ huynh có tâm lý sót con nên có những lời nói "tát nước theo mưa" gây nên nỗi buồn cho các cô giáo.

Có nơi, có lúc các cô có thiếu sót. Điều này bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể mắc phải. Chính vì vậy không nên phủ nhận tất cả sự cố gắng và lòng nhiệt tình và lương tâm nghề nghiệp của tất cả các cô. Không nên chút nào! Là người lớn nên phát biểu chính xác và có tính xây dựng.

Hanh Khoa

Tôi rất thông cảm và hiểu nỗi trăn trở của các bà mẹ có con đi học, nhất là lứa tuổi mầm non. Tôi có con gái 3 tuổi đang học tại trường mầm non trong TP Hà Nội. Con gái tôi cũng trong tình trạng học lớp quá tải, cũng không được cô chăm sóc như ý mình, rồi chuyện vệ sinh ăn uống nữa...

Tôi luôn có ý thức tập cho con mình phải đi vệ sinh nặng ở nhà, phải biết gọi cô khi có nhu cầu... Vì xét cho cùng tôi cũng không thể làm vệ sinh cho một đứa trẻ khác thường xuyên nếu đứa trẻ đó không phải là con mình.

Nếu con bạn có bạn hay gần hơn là cháu họ bạn đến chơi thường xuyên hàng ngày mà ngày nào cũng có một bé "tè dầm" ra nhà bạn thì bạn sẽ xử lý thế nào? Rồi tranh nhau đồ chơi, trêu chọc nhau mất trật tự, ăn uống rơi vãi... thì bạn có vui vẻ với chúng cả ngày được không? Rồi còn dạy, còn ngủ, còn chơi...

Bao nhiêu thứ các cô phải làm cho hàng chục đứa trẻ ngày này qua ngày khác, còn bạn chăm một đứa con của mình một mình được bao lâu mà không một lời cáu gắt?

Vấn đề ở đây tôi thấy chúng ta không nên chỉ nhìn ở một khía cạnh là đòi hỏi thoả mãn yêu cầu phía mình mà nên phối hợp với các cô, tạo điều kiện cho các cô để các con được chăm sóc tốt hơn, chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, yên tâm hơn.

Vấn đề cốt lõi là phải tăng thêm giáo viên trong mỗi lớp, phải nâng cao cơ sở vật chất, phải giảm được số lượng học sinh/lớp, và điều quan trọng là phải tăng thu nhập cho giáo viên để họ yên tâm công tác và tâm huyết hơn với nghề.

Tôi cũng là một cô giáo dạy đại học, thu nhập có thể cao hơn, đối tượng dạy đơn giản hơn (chỉ dạy chứ không phải dỗ), nhưng thử hỏi nếu thu nhập cứ mãi thấp thì có ai yên tâm và tâm huyết với nghề không? Có ai cống hiến hết mình cho nghề mà chỉ nhận được đồng lương ít ỏi, không đủ để trang trải cho nhu cầu bình thường của cuộc sống?...

Chúng ta cùng lên tiếng để các cấp lãnh đạo về vấn đề giáo dục phải tìm ra hướng giải quyết, để nâng cao chất lượng giáo dục từ lớp chồi mầm, để nền giáo dục Việt Nam không còn quá chênh lệch với các nước tiên tiến trên thế giới, để trẻ em Việt Nam được hưởng một nền giáo dục lành mạnh, hiện đại, để các cháu lớn lên khoẻ mạnh, thông minh tự tin, góp phần làm giàu cho đất nước.

Giáo dục tốt để phát triển kinh tế, để phụ huynh chúng tôi yên tâm cống hiến, yên tâm công tác.

Lê Nam Hưng; Email: thanhlongbachho@gmail.com

Tôi đã đọc các bài viết của các bậc phụ huynh và của cô giáo nuôi dạy trẻ và tôi có ý kiến như sau: Thứ nhất, các phụ huynh lo lắng cho các cháu như vậy là đúng. Thứ hai: Cô giáo nói là trường của cô không xảy ra những vấn đề như các phụ huynh nêu.

Tôi xin nói thẳng: Đó là trường của cô tốt, thế nhưng đó chỉ là một chứ không phải là trong toàn bộ các trường trên toàn quốc, vì thế cô nên suy nghĩ lại vì các phụ huynh ở đây có con em học ở nhiều trường khác nhau.

Cô nói là chất lượng các cô giáo đều 100% tốt nghiệp TC và ĐH, điều này tôi không dám bàn, thế nhưng vấn đề đạo đức nghề nghiệp tôi e rằng một người không cần phải học nhiều như thế vẫn có thể là một cô giáo tốt.

Cô nói là mọi người cần đóng góp ý kiến để chỉ ra sai sót chứ không phải lôi những trường hợp này nọ ra để bới móc là không đúng, như vậy là chúng ta vẫn không dám nhìn thẳng vào sự thật, vẫn muốn làm nhẹ hoá đi một vấn đề trầm trọng.

Tôi là một người bố yêu con mình rất mực cũng như rất nhiều ông bố bà mẹ khác, nên có lẽ những lời nói của tôi cũng có bức xúc, tức giận khi thấy trẻ con của chúng ta khổ quá như thế, mong các phụ huynh thông cảm!

Bạn đọc; Email: vtmaimai@gmail.com

Tôi rất đồng tình với diễn đàn mà Tiền phong đưa ra. Có lẽ Bộ Giáo dục phải lên tiếng về vấn đề này. Con gái tôi cũng học lớp 3 tuổi ở một trường ngoại thành Hà Nội. Cháu mới đi một thời gian cũng chuyển từ thói quen đi vệ sinh buổi sáng sang buổi tối. Tuyệt nhiên không đi ở lớp.

Một lần cháu đi học về có nói nay con đi vệ sinh ở lớp, nhưng con không nói với cô đâu. Tôi giật mình bởi cháu còn quá bé chưa thể biết tự vệ sinh. Hôm sau tôi có hỏi dò thì thấy con nói là sự thật.

Trước đây chị họ cháu đi mẫu giáo về cũng nói "đi ị ở lớp cô không lau cho đâu". Lẽ ra việc đi vệ sinh các cô cũng cần phải dặn dò các cháu, dừng để một đứa trẻ 3 tuổi không dám đi vệ sinh ở lớp, hoặc đi xong mà vệ sinh rất bẩn.

Bên cạnh đó việc rửa tay cho các cháu trường cũng không có điều kiện, cháu thường kể chuyện lớp con cô chỉ dạy "rửa tay chả vờ thôi" ,"cô dạy cách rửa tay nhưng không có nước đâu".

Việc cháu đi vệ sinh cô không biết và rửa tay không có nước có phải nguồn gốc của các bệnh truyền nhiễm không? Tôi rất thông cảm với cơ sở vật chất của trường khó khăn, lớp khá đông, (khoảng trên 30 cháu 1 cô).

Vì vậy muốn cải thiện phải có sự quan tâm của chính quyền, của Bộ Giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó các cô giáo cũng cần có trách nhiệm hơn.Tất cả vì tương lai con em chúng ta mà.

IP Address: 222.252.0.4

Là một phụ huynh có hai con nhỏ, tôi rất hiểu và thông cảm cho các cô giáo nói chung, đặc biệt là các cô giáo mần non và tiểu học. Là mẹ mà những ngày nghỉ tôi phải chăm nom cho hai cháu tôi thấy rất mệt. Vậy mà các cô ngày nào cũng phải chăm nom cho mấy chục cháu thì chỉ có những ai thực sự tâm huyết, thực sự vì công việc mới có thể làm được.

Nhưng tôi thấy chuyện nhà vệ sinh của các cháu nếu các cô có phương án, đề xuất để phụ huynh đóng góp thì tôi nghĩ khó có ai từ chối. Cụ thể ở trường học của con tôi (một trường tiểu học danh tiếng ở Hà Nội) thì cháu nói nhà vệ sinh bẩn lắm, con sợ đi, nhưng tôi thấy con tôi học đến bây giờ là lớp hai rồi, đi họp phụ huynh hai năm nay, có đề xuất gì thì chúng tôi, các bậc phụ huynh đều đóng góp rất đầy đủ, kể cả việc sơn tường phòng học, mua thêm bóng đèn cho các cháu, nhưng tôi không hề thấy có đề xuất phương án nào về nhà vệ sinh như xây thêm, tu bổ lại...

Qua đó, tôi đề nghị các trường phải có quy hoạch về nhà vệ sinh cho các cháu cụ thể, lên kinh phí xin Sở Giáo dục hỗ trợ đồng thời với sự đóng góp của các phụ huynh thì việc có một nhà vệ sinh tiện nghi cho các cháu không phải là điều quá khó.

Thanh; Email: LsThanh75@yahoo.com

Tôi cũng là một người mẹ có con đang đi nhà trẻ. Về vấn đề này tôi nghĩ cần phải có sự phối hợp của tất cả mọi người. Đừng đổ lỗi cho ai cả. Mọi người hãy đặt mình vào vị trí của các cô đi. Tôi thấy thật sự là rất vất vả. Một mẹ một con có lúc còn thấy mệt mỏi và chán. Tôi thật sự muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các cô. Hãy thông cảm với các cô.

Email: maoanhduong@yahoo.com

Theo tôi, giải pháp để hạn chế tình trạng này là Bộ GD&ĐT nên tăng thêm biên chế cho các trường mầm non; dành hẳn một nguồn kinh phí để xây dựng nhà vệ sinh và thuê người hàng ngày đến làm vệ sinh. Chắc rằng đây không phải là vấn đề quá khó.

Lý do: Dạy dỗ các cháu còn đang ở độ tuổi mầm non là quan trọng nhất. Thời điểm này là sự hình thành con người và tính cách của các cháu. Không thể vì không đủ biên chế mà các cô lơ là trong trách nhiệm dạy dỗ các cháu. Hầu như ở các trường mầm non, 1 lớp khoảng 40 đến 50 cháu mà chỉ có 2 cô giáo trông trẻ là quá bất cập.

Ngay như con tôi năm ngoái học lớp 3 tuổi A, lớp của cháu lên tới gần 80 bé. Nghĩ đến thôi là thấy quá thương các cháu rồi. Vấn đề bức xúc này, không chỉ cần thiết các cô giáo nghe thấy, mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đặc biệt Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân nên lắng nghe, nắm bắt được những vấn đề đang xảy ra hàng ngày tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non, kể cả tư thục lẫn công lập.

Tôi hy vọng diễn! đàn n ày sẽ đến được "tai" của những người có trách nhiệm.

Bui Hong Hanh; Email: Honghanhc3@yahoo.com

Tôi là một người mẹ có con gái 4 tuổi đang học mẫu giáo. Tôi đồng ý với một số ý kiến của cô giáo H. Tuy nhiên, tôi nghĩ thì không phải cứ phụ huynh đóng tiền thêm vào để nhà trường thuê riêng một người chuyên vệ sinh cho các cháu đã là tốt.

Ở đây cái chúng tôi cần khi gửi con tới nhà trẻ là mong cô giáo như một người mẹ thứ hai của cháu, cái tâm của cô giáo mới là điều quan trọng. Nếu cô giáo không có cái tâm đó thì dù cô có dạy tốt đến mấy thì cô cũng không đáng được đứng trên bục giảng.

Tôi cũng đã đọc nhiều bài tham luận của các bà mẹ. Nhìn chung có một số bài viết tôi nghĩ là có một số bà mẹ gửi con ở những trường chưa được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất cũng như sự tuyển dụng giáo viên chưa được kỹ dẫn đến việc các cô đối xử với các cháu không được tốt.

Còn các trường có sự chuẩn bị tốt (ở đây tôi nói đến trường công lập mức học phí như nhau) thì hầu như trình độ giáo viên cũng không phải phàn nàn nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng khi chúng tôi gửi con tới lớp ngoài việc mong các cô và nhà trường trông cháu giúp khi bố mẹ đi làm còn mong các cô dạy bảo các cháu những điều hay ý đẹp...

Việc dạy học của nhà trường và các cô tôi không có vấn đề gì phải bàn, nhưng thực sự tôi quá bức xúc vì cách các cô cho cháu đi vệ sinh và uống nước (mà 2 điều này thực sự là tôi thấy trường nào cũng có).

Đúng là cô giáo có cho các cháu đi vệ sinh theo một giờ nào đó nhưng con tôi trong một ngày ở nhà trẻ thì hầu như không đi tiểu (đi đại tiện tôi đã huấn luyện cháu đi ở nhà) vì cháu bảo nhà về sinh rất khai nên cháu sợ bẩn không dám đi.

Tôi thấy nhà vệ sinh rất sạch nhưng vì cô giáo tiết kiệm nước không cho các cháu xả nước mà chỉ khi nào đi hết mới xả dẫn đến rất khai nên cháu sợ. Mặt khác, do có một số cháu hiếu động hay giả vờ đi vệ sinh để xả nước nghịch nên các cô cấm không cho đi về sinh tự do, do đó dẫn đến việc các cháu sợ cô và nín tiểu.

Việc uống nước cũng vậy. Gần như các cháu mải chơi quên không uống nước vì vậy các cô cũng quên luôn. Ở nhà cũng như ở lớp các cháu đều được dạy là ăn bất cứ thứ gì xong phải uống nước nhưng tôi để ý và cũng có hỏi cháu thì hầu như không bao giờ cháu được uống nước sau bữa ăn sáng và ăn trưa ở trường.

Vì vậy hơn bao giờ hết chúng tôi chỉ mong các cô giáo ngoài việc tận tâm với các cháu trong việc dạy học thì cũng lưu tâm việc các cháu đi vệ sinh và uống nước. Biết rằng các cô cũng rất vất vả vì 2 cô với 50 cháu thì cũng không xuể nhưng nếu cho các cháu đi vệ sinh và uống nước theo giờ nhất định thì cũng không vất vả lắm vì phần lớn các cháu ở độ tuổi mẫu giáo bé đã tự làm được việc này rồi.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.