Một thế hệ TNXP chưa được giải quyết chính sách

Một thế hệ TNXP chưa được giải quyết chính sách
TP - Anh Trần Quang Minh ở ấp Phú An, xã Phú Đức (Long Hồ, Vĩnh Long) năm 1978 mới 21 tuổi vào Trung đoàn TNXP Cửu Long và đã hy sinh ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) trong cuộc chiến tranh biên giới.

Trung đoàn TNXP Cửu Long được thành lập theo Quyết định số 276 ngày 15/6/1978 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh) Nguyễn Thành Tho ký, có khoảng 700 người, hầu hết lứa tuổi đôi mươi.

Một thế hệ TNXP chưa được giải quyết chính sách ảnh 1
Mộ của Trần Quang Minh đã được đưa về vườn nhà (người ngồi bên mộ là anh trai của anh Minh)

Các cán bộ chỉ huy Trung đoàn TNXP Cửu Long nay còn sống đều xác nhận trường hợp hy sinh này.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng nay là Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh Đội Vĩnh Long, ông Cao Văn Tám nay là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Long Hồ (Vĩnh Long), ông Nguyễn Văn Bắc là đại tá nghỉ hưu ở thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm, Vĩnh Long) khẳng định:

Anh Minh hy sinh khi đang hoạt động phối hợp với Đại đội 1 của Tiểu đoàn 1 bộ đội chủ lực chốt chặn ở biên giới, tại kinh Thế Thường, sau 3 ngày mới vớt được xác, an táng ở gò Gốc Me.

Ông Lê Văn Bình nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn TNXP Cửu Long giải thích lý do chưa làm báo tử anh Minh: “Lúc đó nước lũ lên cao, nhiều người hy sinh và bị thương, công việc rất bộn bề, tôi đã chỉ đạo làm báo tử nhưng cán bộ chính sách sơ suất.

Sau này tổng kết chiến tranh tại Đồng Tháp, phát hiện trường hợp sơ suất này thì lực lượng TNXP đã giải tán nên tôi chỉ có thể làm giấy xác nhận hy sinh. Tôi cũng đã dẫn đường cho gia đình anh Trần Quang Minh đi lấy hài cốt của anh ở kinh Thế Thường đưa về an táng trong vườn nhà ngày 16/2/2002”.

Trung đoàn TNXP Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới, tháng 4/1979 về huyện Duyên Hải (ven biển Trà Vinh) chuyển thành Tổng đội TNXP xây dựng Nông trường 30/4. Đến tháng 4/1981 lực lượng TNXP giải tán.

Việc giải quyết chính sách cho TNXP tồn đọng sau chiến tranh, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 104 ngày 14/4/1999 là do T.Ư Đoàn thực hiện, cụ thể là các Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn cấp giấy báo tử để công nhận liệt sỹ với những người hy sinh.

Tỉnh Đoàn Vĩnh Long làm khá tốt công tác giải quyết chính sách tồn đọng cho TNXP. Trong đó, có nhiều trường hợp rất khó khăn. Như ông Lê Văn Kiệu sinh ở ấp Xuân Minh 1, xã Trung Thành (Vũng Liêm, Vĩnh Long) đi TNXP, hy sinh mất xác năm 1969 ở khu vực Sông Măng (Bù Đốp, Sông Bé). Sau 31 năm, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long vẫn tìm ra các nhân chứng còn sống để xác nhận hy sinh và công nhận liệt sỹ cho ông Kiệu.

Hoặc ông Phạm Hồng Châu ở xã Trung Thành (Vũng Liêm, Vĩnh Long) hy sinh năm 1952 ở xã Thanh Đức (Long Hồ, Vĩnh Long) lúc mới 26 tuổi, chưa có vợ con. 51 năm sau, gia đình ông cũng ly tán nhưng Tỉnh Đoàn Vĩnh Long vẫn tìm được nhân chứng để làm hồ sơ công nhận liệt sỹ cho ông Châu.

Tuy nhiên, với trường hợp hy sinh của anh Trần Quang Minh, hiện Tỉnh Đoàn Vĩnh Long lại chưa làm hồ sơ liệt sỹ cho anh được. Nguyên do Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 104 kể trên quy định Tỉnh Đoàn chỉ có thẩm quyền cấp giấy báo tử để công nhận liệt sỹ với những người hy sinh là “TNXP tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975”. Với anh Trần Quang Minh hy sinh năm 1978, sau ngày 30/4/1975 thì còn phải chờ quy định mới.

Anh Nguyễn Kim Khánh, Trưởng ban TT-VH Tỉnh Đoàn kiêm Phó ban thường trực Ban liên lạc TNXP tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Không chỉ trường hợp anh Trần Quang Minh và không riêng tỉnh Vĩnh Long. Cả nước sau ngày 30/4/1975 cơ bản giải tán lực lượng TNXP nhưng ở Nam Bộ lại thành lập lực lượng TNXP phục vụ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho thế hệ TNXP phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam nhưng đến nay chưa được đáp ứng”.

MỚI - NÓNG