Một 'vốn quý của quốc gia' cần được cứu giúp

Một 'vốn quý của quốc gia' cần được cứu giúp
TP - Hiện, nghệ nhân Điểu Kâu - một “bảo tàng sống” nổi tiếng về văn hóa dân gian M’Nông - đang rất quẫn bách. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời, ông đành buông xuôi trước bệnh hiểm nghèo.

Nhắc đến nghệ nhân Điểu Kâu, giới nghiên cứu văn hóa dân gian trên cả nước ai cũng biết. Vì ông là “bảo tàng sống” nổi tiếng về văn hóa dân gian M’Nông.

Ông cũng là người duy nhất có khả năng phiên âm, phiên dịch toàn bộ kho tàng văn hóa dân gian của người M’Nông vốn chỉ tồn tại dưới hình thức lời nói vần truyền miệng thành văn bản song ngữ Kinh - M’Nông.

Nghệ nhân Điểu Kâu sinh năm 1935, ở xã Đắk N’rung, tỉnh Đắk Nông, là trí thức M’Nông hiếm hoi được đào tạo dưới thời thực dân Pháp, nguyên thanh tra giáo dục tỉnh Quảng Đức.

Ông được giao nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa song ngữ Kinh- M’Nông trước năm 1975.

Các anh em ruột trong gia đình ông đều thuộc nhiều sử thi M’Nông, nên khi dự án: “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”, được Chính phủ phê duyệt, cấp kinh phí gần 17 tỉ đồng để triển khai, thì ông Điểu Kâu mặc nhiên trở thành nhân vật không thể thiếu của dự án.

Tạo điều kiện cho ông tập trung tâm sức vào công việc, nhà nước đã xây cho ông một căn nhà ở Đắk N’rung, cấp cho ông khoản kinh phí hàng tháng đủ sinh hoạt để không phải lên rẫy.

Với sự giúp đỡ đắc lực của cô con gái tên là Mai, trong 7 năm qua, ông đã biên dịch hoàn tất 75 sử thi, 15 tập truyện cổ, ba tập lời nói vần, bộ sách Luật tục M’Nông. Ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam và huy chương Sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Không may cho gia đình nghệ nhân Điểu Kâu, vợ chồng ông sinh được 4 người con thì 3 người đã chết vì bệnh. Trong 2 năm qua có đến 3 thân nhân qua đời vì ung thư, trong đó có con trai đầu của ông.

Cha con ông gánh chịu nhiều nợ nần vì quá trình chạy chữa lui tới các bệnh viện, đồng thời còn nuôi dưỡng tới hơn mười đứa cháu nhỏ côi cút.

Ở tuổi 72, ông vẫn miệt mài biên dịch tục ngữ M’Nông và lên lớp giảng dạy cho nhóm phát thanh viên - biên tập viên chương trình tiếng M’Nông của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng đột ngột, ông ngã bệnh hiểm nghèo.

Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh mới phát giai đoạn đầu, có thể chữa nếu được điều trị kịp thời bằng các loại biệt dược. Là người dân tộc thiểu số, được hưởng chính sách chữa bệnh miễn phí nhưng nếu chữa bệnh bằng biệt dược thì ông vẫn phải nộp 50% tiền thuốc, đợt đầu khoảng 10 triệu đồng.

Hiện, gia cảnh nghệ nhân Điểu Kâu đang rất quẫn bách, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của chính quyền và cộng đồng xã hội thì ông đành buông xuôi trước bệnh tật. Như vậy, tổn thất lớn đối với nền văn học dân gian nước nhà sẽ khó lòng cứu vãn.

Như giáo sư Trần Văn Khê đã đau đớn thốt lên: Mỗi nghệ nhân sắp vĩnh viễn ra đi chẳng khác nào một bảo tàng, một thư viện quý giá đang cháy, nhà nước và nhân dân ta phải làm gì để dập lửa cứu nguy… 

Hoàng Thiên Nga

MỚI - NÓNG