Mười ba tuổi, chín lần mổ bụng

Mười ba tuổi, chín lần mổ bụng
TP - Do không có hậu môn, cuộc sống của cậu bé Lỳ (sinh năm 1996 ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) càng trở nên vô cùng khó khăn, nhất là những lúc hậu môn nhân tạo của em không hoạt động được.

Khi Huỳnh Ngọc Lỳ sinh ra được một ngày rưỡi thì bác sĩ cho biết em không có hậu môn.

Toàn thân tím tái chỉ chờ chết, các bác sĩ đã phẫu thuật dẫn ống tiêu thức ăn ra trước bụng để cứu sống em.

Mạng sống giật lại được từ tay tử thần, nhưng sau chín lần mổ, hoàn cảnh em hiện giờ lại vô cùng bi đát.

Chúng tôi tìm đến gặp Lỳ tại khoa Ngoại nhi - Cấp cứu Bụng, BV T.Ư Huế, vào đúng lúc em đang truyền máu để bù lại lượng máu bị mất sau lần mổ thứ 9. Bước sang tuổi 13 nhưng trông em nhỏ thó như đứa bé sáu tuổi khiến ai nhìn thấy em cũng chạnh lòng.

Mười ba tuổi, chín lần mổ bụng ảnh 1
Phần bụng phình to đầy sẹo của em Lỳ

Cái bụng chi chít những vết mổ phình trướng lên do chất thải không được đưa ra ngoài, hoặc tiêu ra ngoài thì cũng không kiểm soát được.

Bà Nguyễn Thị Gấm, mẹ Lỳ, rớm nước mắt: “Một ngày tui phải thay ít nhất 10 lần tã cho cháu. Nhưng từ lâu rồi tui không còn một xu, đành độn nhiều lớp quần thay cho tã”.

Nhà nghèo, có tới 11 miệng ăn nhưng để cứu Lỳ, ba mẹ em phải bán con nghé lấy 3 triệu đồng cho lần mổ thứ bảy. Rồi lại bán non ba ha cả rừng lẫn đất lấy 15 triệu đồng cho lần mổ thứ tám.

Tiền vay ngân hàng 20 triệu đồng để lo thuốc thang cho con, bây giờ nợ cả lãi lên đến 30 triệu, khó lòng trả được. Mỗi tháng em phải uống 500 nghìn đồng tiền thuốc mới mong bệnh tình cầm chừng.

Tài sản quý nhất còn lại là sức lao động của ba em, ông Huỳnh Ngọc Diệp với trên ba sào ruộng, nhưng lại vụ được vụ mất. Ông lại hay đau ốm, mỗi tháng chỉ làm được mười ngày, mỗi ngày cùng lắm cũng chỉ được 60.000 đồng. Tất cả mười một miệng ăn trong nhà đều phụ thuộc vào đó.

Thời gian điều trị tại bệnh viện, hàng ngày để có đồ ăn cho con, bà Gấm phải đi khắp bệnh viện xin ăn. “Có hôm không có một hạt cơm vào bụng, tui đành lang thang qua chợ Đông Ba xin ăn. Được cái gì ăn cái đó”.

Còn Lỳ, sau cơn đau đớn, lại hồn nhiên : “Em chỉ học đến lớp 2 rồi phải nghỉ do bệnh. Em mong được hết bệnh để được tới trường cùng bạn bè, để cha mẹ khỏi khổ”.

Một ngày cuối năm Mậu Tý, trước khi về, hai mẹ con lang thang đi xin trong chợ An Cựu mới mong có tiền về nhà. Cuộc sống cầm hơi lay lắt như đèn trước gió của em Lỳ đang rất cần những tấm lòng chia sẻ.

Mọi giúp đỡ xin gửi về địa chỉ gia đình ông bà Huỳnh Ngọc Diệp - Nguyễn Thị Gấm (thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), hoặc thông qua Ban đại diện báo Tiền Phong miền Trung (19 – Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng. ĐT: 0511.3 828039). 

MỚI - NÓNG