Nên chấm dứt việc tạm giữ xe như hiện nay

Nên chấm dứt việc tạm giữ xe như hiện nay
TPO - Ngoài việc "xẻ thịt" xe vi phạm mà báo chí đề cập, những tác hại của việc tạm giữ phương tiện giao thông như hiện nay còn gây ảnh hưởng sâu xa đối với đời sống người dân nói riêng và phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.

>> 'Xẻ thịt' xe máy vi phạm luật giao thông
>> Hà Nội : 4 năm tạm giữ, 1.900 xe trở thành sắt vụn

Nên chấm dứt việc tạm giữ xe như hiện nay ảnh 1

Nhiều xe bị tháo phụ tùng (ảnh: Thanh niên)

Trong nhiều năm qua, sự quá tải của hệ thống giao thông ở Việt Nam đã diễn ra ngày càng trầm trọng và gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân cũng như sự vận hành của xã hội. Nạn kẹt xe diễn ra hàng ngày ở nhiều thành phố lớn cùng với con số khổng lồ các vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng năm là hai trong nhiều vấn đề nóng bỏng của tình trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay.

Đứng trước tình hình đó, cùng với sự nỗ lực để xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều "sáng kiến" để giải quyết tạm thời tình trạng quá tải của hệ thống giao thông.

Có thể kể ra đây vài ví dụ về những "sáng kiến" mà công luận đã được biết như: Hạn chế hoặc tạm dừng đăng kí ô tô, xe máy ở một vài thành phố; Qui định mỗi người chỉ được đăng kí không quá một xe; Xe số chẵn đi ngày chẵn, số lẻ đi ngày lẻ; Xe ở bên ngoài không được vào thành phố; v.v.

Rất may là hầu hết những "sáng kiến" đó chưa được áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, những sáng kiến nói trên, vì đã được đưa ra từ những cơ quan hữu quan, đã phản ánh phần nào tầm nhận thức của những người có trách nhiệm quản lý và phát triển hệ thống giao thông ở Việt Nam trong thời gian qua.

Có lẽ không cần phân tích thêm về tính "hợp hiến" và tính khả thi của các giải pháp được đưa ra, vì đã có quá nhiều ý kiến phản hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ muốn đề cập đến một giải pháp đã và đang áp dụng trên toàn quốc, đó là việc tạm giữ phương tiện giao thông.

Chúng ta đều biết là trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã coi việc tạm giữ phương tiện (mỗi khi người chủ phương tiện vi phạm luật giao thông ở mức độ nào đó) như là một giải pháp hữu hiệu để răn đe những người vi phạm, đó cũng có thể coi như là một biện pháp để "giảm tải" cho hệ thống giao thông vốn đã thường xuyên bị ùn tắc.

Xét về khía cạnh răn đe, mục đích có thể đã đạt được phần nào bởi vì các phương tiện giao thông thường là tài sản có giá trị lớn, nên việc thu giữ mà không được trông coi, bảo quản cẩn thận có lẽ khiến cho chủ phương tiện khiếp sợ hơn nhiều so với khoản tiền phạt và tiền phí lưu kho mà họ phải nộp (chính điều này đã khiến chủ phương tiện tìm mọi cách chạy chọt để "giải cứu" phương tiện của mình ra khỏi nơi tạm giữ càng sớm càng tốt, bất chấp việc nhiều khi phải trả số tiền chi phí cao gấp nhiều lần tiền mức tiền phạt theo qui định).

Thêm vào đó, việc một số lượng khá lớn các phương tiện giao thông bị tạm giữ sẽ làm giảm đáng kể số phương tiện lưu thông trên đường, và như vậy cũng góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông.

Tuy nhiên, trong quá trình tạm giữ và xử lý các phương tiện vi phạm luật giao thông nói trên đã nảy sinh không ít tiêu cực, và do đó đã gây nên sự bất bình trong dân chúng.

Những tác hại của việc tạm giữ phương tiện giao thông như hiện nay còn gây ảnh hưởng sâu xa đối với đời sống người dân nói riêng và phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung mà báo chí ít khi đề cập một cách đầy đủ. Những tác hại đó có thể được trình bày chi tiết qua những mặt biểu hiện sau đây:

Đối với chủ các phương tiện bị tạm giữ: Phương tiện giao thông (chủ yếu là xe máy và ô tô) vốn là công cụ lao động rất quan trọng. Việc tạm giữ những phương tiện đó sẽ gây khó khăn cho công việc sản xuất, kinh doanh của người dân, và do đó, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ.

Mặt khác, vì mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam còn rất thấp, nên các phương tiện di chuyển như xe máy, ô tô, … là những tài sản có giá trị rất lớn đối với họ. Các phương tiện này, một khi bị tạm giữ, thường được bảo quản ở điều kiện rất tồi tệ (dầm mưa dãi nắng) nên bị hao mòn và hư hỏng rất nhanh chóng. Điều này gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể đối với người dân.

Tác hại đối với nền kinh tế: Trong thời gian bị thu giữ, một phần thiệt hại đối với nền kinh tế gây ra từ việc giảm năng suất lao động của người dân do bị thiếu một công cụ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, nhiều lao động bị lãng phí (không làm ra của cải vật chất cho xã hội) do bị huy động vào việc quản lý, xử lý các phương tiện bị tạm giữ.

Các lao động vô ích này bao gồm lao động của cảnh sát giao thông trong việc tạm giữ và quản lý các phương tiện, lao động trông coi các phương tiện bị tạm giữ (bảo vệ các bãi xe), lao động của những người dân phải "chạy lên chạy xuống" để làm thủ tục, và lao động bị lãng phí (do không có phương tiện lao động) của những người chủ phương tiện phải "nằm nhà" để chờ (trong thời gian phương tiện bị tạm giữ).

Cuối cùng, không thể không nói đến sự lãng phí gây ra do các cơ sở vật chất (nhà kho, bến bãi,…) bị huy động làm nơi tạm giữ các phương tiện.

Nói cách khác, các cơ sở hạ tầng này đã bị "vô dụng hoá" trong một thời gian dài, không đóng góp được gì vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Mặc dù số tiền để trả lương cho những lao động phát sinh trong quá trình tạm giữ và xử lý các phương tiện là do chủ sở hữu các phương tiện chi trả (dưới dạng tiền lưu kho, tiền thủ tục phí, tiền phạt), nhưng suy cho cùng đều là tiền của dân, tức là của cải của xã hội.

Tác hại đối với xã hội: Sự lạm dụng việc tạm giữ các phương tiện giao thông nói trên đã cơ hội cho tiêu cực phát triển. "Của đau, con xót", người dân sẽ tìm mọi cách để chạy chọt, nhờ vả nhằm lấy phương tiện ra khỏi nơi tạm giữ trước thời hạn.

Đối với các phương tiện đang bị tạm giữ, do quản lý lỏng lẻo và không có ai thực sự chịu trách nhiệm, đã làm nẩy sinh lòng tham của nhiều kẻ xấu. Thực tế cho thấy, việc tráo đổi, tháo dỡ phụ tùng của các phương tiện đang bị tạm giữ đã xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Ai là người thực hiện những hành vi trái pháp luật đó, mọi độc giả đều có thể đoán ra được.

Qua các phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng việc tạm giữ các phương tiện giao thông một cách bừa bãi gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và xã hội. Người dân thì mất tiền mất của, nhà nước cũng bị thiệt hại...

Chính sách này, do đó, đã tạo điều kiện cho những thói hư tật xấu tồn tại và phát triển. Vấn đề là làm thế nào để có thể hạn chế được những nhược điểm nêu trên trong khi vẫn có được hiệu quả răn đe đối với chủ phương tiện vi phạm luật giao thông.

Câu trả lời không phải là khó, vì nhiều nước trên thế giới đã có những cách xử lí rất mềm mại và hiệu quả cho vấn đề này, chúng ta chỉ cần tìm hiểu và áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Dưới đây, tác giả xin mạnh dạn đưa ra giải pháp ngắn gọn có thể thay thế cho việc tạm giữ tràn lan các phương tiện giao thông mà vẫn giữ được sự nghiêm minh của pháp luật. Giải pháp bao gồm ba điểm như sau:

+ Đối với các phương tiện không đủ điều kiện pháp lý, chẳng hạn như các phương tiện gây tai nạn, phương tiện liên quan đến các hoạt động phạm pháp, phương tiện không có đủ giấy tờ hợp pháp, phương tiện bị quá hạn sử dụng, v.v… thì (cả người điều khiển và phương tiện) sẽ bị xử lý theo pháp luật (trong trường hợp này, phương tiện có thể bị tạm giữ, tịch thu, … tuỳ thuộc vào mức độ của sự việc).

+ Phương tiện không đủ điều kiện kĩ thuật cho việc tham gia giao thông (thiếu đèn tín hiệu, thiếu gương, hỏng phanh, v.v..) thì sẽ xử phạt nặng người điều khiển phương tiện (hình phạt có thể bằng tiền hoặc bằng các hình thức khác như lao động công ích chẳng hạn) và không cho phép những phương tiện này tiếp tục tham gia giao thông.

Trong trường hợp này, không cần phải tạm giữ phương tiện. Người chủ của các phương tiện không đủ điều kiện kĩ thuật này (sau khi cam kết thực hiện hoặc đã thực hiện hình phạt theo qui định) được phép đưa phương tiện về nhà (bằng cách thuê xe tải để chuyên chở,…). Ngay sau khi được sửa chữa để đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ thuật, các phương tiện có thể trở lại tham gia giao thông.

+ Trường hợp phương tiện có đủ giấy tờ và đủ điều kiện kĩ thuật để tham gia lưu thông thì không được tạm giữ phương tiện. Thay vào đó, sẽ áp dụng hình thức xử phạt hợp lí (tuỳ theo mức độ vi phạm) đối với người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông (có thể phạt tiền thật nặng để răn đe).

Vì trong trường hợp này, chỉ có người chủ phương tiện vi phạm luật. Người chủ phương tiện có quyền đưa phương tiện về nhà sau khi cam kết thực hiện hoặc đã thực hiện hình phạt theo qui định.

Chẳng hạn, nếu một người đi xe máy bị phạt vì không có bằng lái xe, sau khi nộp tiền phạt vào ngân sách, anh ta có quyền thuê xe tải, hoặc thuê (nhờ) một người có bằng lái đúng qui định, đưa xe máy của anh ta về nhà.

Có thể thấy rằng, các giải pháp trên đây khắc phục được phần lớn những thiệt hại do việc tạm giữ phương tiện giao thông gây ra. Bằng việc chọn hình thức xử phạt hợp lý (mức tiền phạt đủ lớn chẳng hạn), có thể đạt được hiệu quả răn đe cần thiết đối với những hành vi vi phạm luật giao thông.

Việc áp dụng những giải pháp đơn giản này không những không làm phát sinh thêm chi phí trong việc thay đổi hình thức xử lí, mà còn tiết kiệm được rất nhiều những chi phí phát sinh trong quá trình tạm giữ và xử lí phương tiện vi phạm luật giao thông.

Nguyễn Thành Nam
Trường đại học Grenoble 1, Cộng hoà Pháp
Email:
namvnu@yahoo.com nam@grenoble.cnrs.fr

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.