Nếp xưa

Nếp xưa
TPO - 30 Tết... Đường vào làng thỉnh thoảng mới thấy bóng người. Nhưng không khí tết nhất chộn rộn hối hả thì rõ lắm trong tiếng vo gạo ràn rạt cạnh thành giếng thơi; tiếng khoả nước đãi đỗ bên bậc cầu ao rêu phong, cũ kĩ; tiếng chào, tiếng hỏi, líu ríu, lịu rịu...

Gió đang phổ những âm thanh ấy vào bản nhạc mùa xuân tuyệt diệu - tôi bắt đầu mơ mộng theo thói thường của học trò lớp văn trường tỉnh. Chẳng mấy, trước mắt tôi đã hiện ra bờ giậu mây xanh mỡ màng với những sợi gai thanh mảnh, quấn quýt.

Nhà bà đấy! Tôi đẩy cánh cổng bằng nan tre sơ sài bước vào sân: - Bà ơi, bà... Bà đang tất bật với nong lá bánh, đỗ xanh, gạo nếp, ngẩng đầu nhìn tôi, mừng rỡ, trìu mến: - Con Phương về đây rồi! Còn đứa nào không? Bà mong đỏ cả mắt. - Mỗi con thôi bà ạ. Bà gói bánh sao? Có một mình mà bà không bảo cái Xuân sang giúp! - Xuân là em họ xa, bằng tuổi tôi nhưng đảm đang lắm. - Nó cũng qua lại đây từ sớm, nhắc chị Phương mãi... Tôi háo hức: - Thế ư bà?- Và chạy ù vào nhà cất túi.

Quay ra đã thấy bà còng lưng bưng chậu nước nóng còn toả hơi nghi ngút: - Nước lá mùi trồng được đấy. Con rửa chân tay mặt mũi cho tỉnh. - Ôi! nhất bà!- Tôi rướn người, mở căng cánh mũi, hít hà mùi hương thơm tinh dầu thật nồng, thật ngát toả lan khắp không gian, ước lượng: - Ai cả đời được tắm bằng thứ nước này thịt da phải thơm tho lắm bà nhỉ?! Bà cười, mắng yêu: - Cha bố chị, người phố thích thơm tho còn người quê lại trọng về thơm thảo con ạ. Ai cũng bận bịu quanh năm, nào có mấy dịp - Rồi bà thả vài cánh muối vào chậu nước “cho khỏi nẻ”.

Nếu cái cách bà nghĩ dạy tôi lớn khôn thì trước sự chăm chút của bà tôi thấy mình nhỏ lại. Bà ơi!

* * Bây giờ bà đã gói những chiếc bánh đầu tiên... - Con xem, gói bánh không dễ đâu, mẹ mày trước kia toàn làm hỏng. Phải gói chặt tay, nắn cho vuông bánh....- Vừa nói bà vừa làm rất nhanh và khéo. - Thể nào, mẹ con không thích gói bánh. Mẹ bảo: “làm lách cách, ăn lại chẳng bao nhiêu”. - Ừ, mĩ tục gói bánh ngày Tết giờ chỉ là thủ tục. Mà cũng không trách được..- Bà thở dài.

Có tiếng bước chân ngoài cổng. Bà ngừng tay, ngó ra: - Nhà chị Kiều đấy à? - Dạ, con là Cẩm. Bà lại nhầm con với cái Kiều con bác Đức rồi. Bà cười: - Lẫn thế! Rửa lá bánh chứ gì? - Con nhờ bà một lúc. Cả xóm, chỉ giếng bên bà nước vừa trong vừa cả. Bà đang gói bánh, lại cả con chú Chính cũng về à? - Lớn thế nhỉ! - Cô khen...

Người với ra, người vọng vào, cô và bà còn nói bao nhiêu là chuyện. Có lẽ, Tết quê ở lại trong lòng người đi xa chính là cảm giác xóm làng, thân mật, gần gũi này chăng?

* * Chỉ còn tôi và bà. Bà cẩn thận làm cho tôi một chiếc bánh con con như ngày tôi bé tí và chậm rãi thu gom mọi thứ: - Con ra mang củi vào cho bà nhóm lửa.

Tôi nhanh nhẹn ra vườn ôm đống củi bà đã chuẩn bị sẵn từ khi nảo khi nào, toàn gộc tre, tàu dừa khô nỏ. “Ninh bánh bằng gộc tre lửa mới đượm, bánh mới rền lại quyện được mùi nồng nàn của đất quê”- bà bảo. Rồi bà thận trọng xếp củi, vun trấu. Nồi nấu bánh to như thùng đựng gạo. Hai bà cháu loay hoay mãi mới thực hiện xong công đoạn nhóm bếp, bắc nồi.

Dưới ánh lửa cháy to, nhảy nhót, trông bà rất vui. Lo được nồi bánh sớm, bà lại quay ra chuẩn bị bữa cơm Tất niên. Chỉ có 2 bà cháu mà bà cũng sắp mâm đủ thịt, chè, xôi, rượu...và cả đĩa bánh su sê xanh đỏ, trong veo thật là ngon mắt.

- Hồi còn sống, ông con rất thích món này! - Giọng bà chợt xa xôi.

* * Đêm 30. Bà trải chiếu dưới bếp, hai bà cháu ngồi trông bánh cho ấm. Nồi bánh sôi lục bục và tiếng củi khô nổ lép bép nghe thật vui tai. Ánh sáng lung linh, kì diệu toả ra từ những tàn than hồng gặp gió trời cứ rực lên từng đám tạo thành vô vàn hình công chúa, hoàng tử xinh đẹp, huyền ảo... khác hẳn thứ ánh sáng xanh lét của bếp ga nơi phố phường huyên náo.

Đang tưởng tượng mình gặp cô bé bán diêm trong truyển cổ Andecxen, tôi bỗng giật mình bởi nghe như có tiếng sấm khan đâu đó trên bầu trời. Bà vui vẻ: - Sấm no đấy. Dễ năm nay lại được mùa to! - Là thế nào hả bà? - À, kinh nghiệm các cụ để lại, hễ sau bữa cơm Tất niên mà có sấm gọi là sấm no, điềm báo lành. Trước bữa cơm mà có sấm gọi là sấm đói, điềm báo dữ, con ạ.

- Thế là chưa đầu năm đã may rồi bà nhỉ? - Ừ, cũng chỉ tàn chỗ củi này là giao thừa. Nồi bánh nhà mình ninh từ sáng, sắp rền rồi đấy. Lát nữa, bà nhờ nhà bác Đức khiêng xuống cho. Bà bận sắp mâm cúng giao thừa, con phải lo cọ rửa nồi luộc bánh rồi mang trả ngay nhà bà Giàng bên kia con nhé.

- Mai không được sao bà? - Ối, để đến sang năm thì dông chết! - Rồi bà chậm rãi - Người Việt ta có nếp vay mượn ai cái gì thì Tết đến phải nhớ lo trả bằng hết, như thế sẽ không phải nợ lưu niên, ăn Tết hết nợ mới thanh thản. Vả lại, đó cũng là cách cư xử phải phép với người đã giúp mình. Con cứ nghe bà.

- Ra là vậy. - Tôi lẩm bẩm. - À, bà dặn, ngày mai đừng đi chơi sớm kẻo mà dông nhà người ta đấy. Con gái không xông nhà mùng một được. Cũng là nếp xưa, người đàn ông khoẻ mạnh, xởi lởi, hợp tuổi xông nhà mới là điều may mắn.

- Bà lại chỉ trọng nam khinh nữ! - Tôi đùa phản đối bà nhưng lòng thầm nghĩ: nếu mà không có những “nếp xưa” như thế, Tết khác gì ngày chủ nhật nấu món ăn tươi?!

* * Không gian càng lúc càng ấm áp và ngát thơm. Mùi bánh chín, mùi trầm hương, mùi rượu trắng nồng nàn, quấn quyện sao mà níu lòng đến thế!

Ngoài kia, trời như sáng lên. Sắp giao thừa rồi. Tôi không biết thứ ánh sáng ấy của đêm hay của một ngày mới đang đến.

Quỳnh Phương
Email: fangrenda@...

MỚI - NÓNG