Ngắm vẻ đẹp huyền bí, cổ kính của ngôi chùa ngàn tuổi Bổ Đà
Chùa Bổ Đà (Bắc Giang) không chỉ là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, mà còn là trung tâm Phật giáo lớn của Phật phái Lâm Tế, một dòng thiền có ảnh hưởng rộng rãi nhất ở Việt Nam.

Toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chùa Bổ Đà (còn có tên gọi là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ) được xây dựng từ thời nhà Lý và trùng tu, mở mang vào thời Lê Trung Hưng và các giai đoạn sau này.
Tương truyền, xưa có cặp vợ chồng tiều phu nghèo hiếm muộn con cái nên được Quan Thế Âm thương tình cứu giúp. Một ngày, người chồng đốn gốc thông già trên đỉnh núi thì bật ra 32 đồng tiền vàng, hỏi cao tăng thì mới biết đó là phép ứng hiện của Quan Âm Bồ Tát. Người tiều phu cầu khẩn rằng nếu sinh được con trai thì sẽ dựng chùa thờ. Điều ước được linh ứng, tiều phu bèn dựng chùa thờ Phật. Người dân trong vùng tìm về cầu linh hiển ứng nên gọi là chùa Quan Âm hay chùa ông Bổ.

Chùa Bổ Đà vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi tu tập của tăng, ni của Thiền phái Lâm Tế qua nhiều thế kỷ. Di tích này gồm chùa cổ Bổ Đà sơn, chùa chính Tứ Ân tự, am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê), vườn tháp và ao miếu.
Chùa Tứ Ân trong khu di tích được thiết kế theo lối kiến trúc đặc biệt kiểu "nội thông ngoại bế" với 16 khối kiến trúc liên hoàn nối thông nhau tạo thành hệ thống các tòa ngang dãy dọc, tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại.



Vườn tháp chùa Bổ Đà được xây dựng trong khoảng 300 năm. Mỗi ngôi tháp chứa xá lị, tro cốt của 4-26 vị tăng, ni. Đặc biệt, ngôi tháp an táng 26 nhà sư là tháp mà tất cả các sư đều là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, khi sống gắn bó với nhau nên khi qua đời vẫn muốn được nằm cạnh nhau.
Tháp mộ sư tăng trên đỉnh tháp bao giờ cũng gắn bình cam lộ đặt trên tòa sen. Trong khi tháp sư ni thì đỉnh tháp lại được gắn một búp sen. Nhờ đó du khách đến vãn cảnh chùa có thể biết được có bao nhiêu vị tăng, ni viên tịch và yên nghỉ ở chốn này.



Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 1992, chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Năm 2016, chùa Bổ Đà được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Bổ Đà từng gây ồn ào dư luận vì việc dựng thêm tam quan, vốn được coi không có trong chùa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cho hay việc xây dựng tam quan tại chùa Bổ Đà đã được Bộ VH-TT-DL cấp phép từ năm 2016, khi đó chùa Bổ Đà còn là di tích lịch sử cấp quốc gia (chưa phải là Di sản lịch sử quốc gia đặc biệt). Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có kinh phí nên công trình phải tạm hoãn.

Theo NLĐ
Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc chi gần 18 tỷ đồng sửa phòng họp

Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vi phạm ở di tích hồ Tuyền Lâm

Bất thường Sở Y tế Gia Lai mời thầu công trình... sắp hoàn thành

Công nhân môi trường nhọc nhằn dọn dẹp đào, quất sau Tết

Sôi động thu hồi, mua bán, ký gửi gốc đào sau Tết

Cận cảnh rùa, cá vàng bị vợt ngay sau phóng sinh ở chùa Trấn Quốc

Thêm một gia đình dừng xe ô tô giữa đường cao tốc để ăn uống
