Nghi vấn tranh giả chữ ký hoạ sĩ Giáng Hương: Nhà đấu giá quanh co

Bức sơn dầu bên phải và bức tranh lụa có chữ ký nghi vấn giả mạo cố họa sĩ Vũ Giáng Hương
Bức sơn dầu bên phải và bức tranh lụa có chữ ký nghi vấn giả mạo cố họa sĩ Vũ Giáng Hương
TPO - Tại cuộc đối thoại chiều 5/9, Nhà đấu giá Chọn chưa đưa ra bằng chứng khẳng định độ xác thực của bức tranh được cho là của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương được “đấu giá hụt” trước đó.

Mập mờ nguồn gốc

Cuối tháng 7, Nhà đấu giá Chọn đưa bức tranh lụa được cho là của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương ra đấu giá với mức khởi điểm 3.000 USD, tuy nhiên bất thành. Điều đáng nói giới hoạ sĩ phát hiện đây có vẻ không phải tác phẩm của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương.

Mới đây, hoạ sĩ trẻ tên Nguyễn Đông (facebook Nguyễn Đông Đông) lên tiếng và đưa bằng chứng rằng bức tranh lụa kia chép lại từ bức tranh sơn dầu do anh được một gia đình đặt hàng vẽ con gái. Sau khi vẽ bức tranh sơn dầu đó, Đông cho người bạn tên Hằng chuyển thể sang tranh lụa. Đông nói anh chỉ lên tiếng khi có nhiều người cho rằng bức sơn dầu kia do anh sao chép từ bức tranh lụa được cho là của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương.

Nghi vấn tranh giả chữ ký hoạ sĩ Giáng Hương: Nhà đấu giá quanh co ảnh 1  Họa sĩ Nguyễn Đông (bìa trái), ông Phạm Việt Phương (bìa phải) và đại diện Nhà đấu giá Chọn (giữa)
Nhà đấu giá Chọn thông tin, tháng 7/2018, nhà sưu tập Phạm Việt Phương (Tây Hồ, Hà Nội) gửi đến nhà đấu giá Chọn một bức tranh lụa chân dung bé gái, kích thước tranh 50x40cm, tác giả Vũ Giáng Hương, sáng tác năm 1995, chữ kí “g Huong 95” góc dưới phải, mức giá đề xuất 3000 USD. Sau lùm xùm về chuyện tranh chép, tranh giả-tranh thật, ông Phạm Việt Phương khẳng định trước báo giới rằng hai bức tranh lụa và sơn dầu có nhiều nét tương đồng, ông bất ngờ khi tiếp nhận thông tin.

Ông nói rằng mình mua bức tranh này khoảng ba năm trước từ một người “quen” do hay lui tới quàn cà phê của gia đình với giá rất rẻ. Cuộc mua bán không có giấy tờ gì chứng minh. Ông hơn một lần nhắc lại rằng sưu tầm đồ cổ nhiều năm nay, mới chuyển qua sưu tầm tranh 6-7 năm nay. 

Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Đông thông tin anh hoàn thành đặt hàng bức vẽ bé Bảo Khánh tháng 1/2018, sau đó tháng 4/2018 người bạn kia sao chép bức tranh sang dạng tranh lụa. Còn việc bức tranh đó vì sao có chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương rồi mang đấu giá anh không có trách nhiệm đi tìm sự thật.

Đông đưa ra loạt tin nhắn, trao đổi chứng tỏ mình được đặt hàng vẽ bức tranh, trong đó đáng kể là bức ảnh chụp cô bé Bảo Khánh mặc chiếc váy giống hệt trong bức tranh sơn dầu.

Nhà đấu giá phủi trách nhiệm?
Với tinh thần trong thông cáo phát đi ngày 4/9, nhà đấu giá Chọn cho rằng mong muốn mở cuộc đối thoại giữa họa sĩ Nguyễn Đông, nhà sưu tập Phạm Việt Phương, gia đình cô bé nguyên mẫu và gia đình cố họa sĩ Vũ Giáng Hương. Tuy nhiên, ngay khi mở đầu cuộc đối thoại ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Nhà đấu giá Chọn chứng tỏ tinh thần hoàn toàn ngược lại.

Ngay từ câu hỏi đầu tiên cho tới ba câu liên tiếp, Trần Quốc Hùng luôn có câu hỏi mang tính áp chế, cố tình lập lờ trọng tâm của cuộc đối thoại. Chẳng hạn hỏi Nguyễn Đông về việc vẽ tranh từ ảnh chụp có phải là tác phẩm không, việc cho người khác sao lại tác phẩm của mình là được phép hay không, tại sao tranh chép lại không đề tên...
Nghi vấn tranh giả chữ ký hoạ sĩ Giáng Hương: Nhà đấu giá quanh co ảnh 2 Tin nhắn do Nguyễn Văn Đông cung cấp chứng minh con gái họa sĩ Vũ Giáng Hương liên hệ, khẳng định tranh lụa là giả
Thái độ vòng vo, cố tình đẩy câu chuyện theo hướng khác khiến phần lớn phóng viên có mặt trong buổi đối thoại bất bình, yêu cầu phương pháp đối thoại khác. Nhà đấu giá Chọn liên tiếp trả lời: “Chúng tôi đang ở đây” với ý nói đang cố gắng giải đáp thắc mắc. Thực tế, Nhà đấu giá không giải đáp được vấn đề quan trọng nhất: Tranh lụa của nhà sưu tập Phạm Việt Phương có phải tranh thật của Vũ Giáng Hương hay không. Nhà sưu tập sau vài câu trả lời theo kiểu hỏi gà đáp vịt đã sớm rút khỏi cuộc đối thoại.

Về quy trình thẩm định tranh, ông Trần Quốc Hùng khẳng định tranh được thẩm định bằng mắt và bằng quá trình treo tranh!? Ông cũng nói có hẳn hội đồng thẩm định đứng đằng sau để xác thực bức tranh, tuy nhiên lại cho rằng trong giới này con người cũng có lúc sai sót.

Gạt sang một bên câu chuyện liên quan đến họa sĩ Nguyễn Đông, điều báo giới và nhiều họa sĩ quan tâm là tại sao lại xuất hiện bức tranh lụa giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương tại sàn đấu giá. Nhà đấu giá trả lời đã liên hệ với gia đình họa sĩ Vũ Giáng Hương và họ sẵn sàng hợp tác.

Nghi vấn tranh giả chữ ký hoạ sĩ Giáng Hương: Nhà đấu giá quanh co ảnh 3 Hình ảnh chụp tin nhắn của người khách hàng đặt vẽ tranh
Tuy nhiên Nguyễn Đông đưa ra bằng chứng tin nhắn được cho là con gái của Vũ Giáng Hương khẳng định gia đình biết bức tranh lụa đem đấu giá nêu trên không phải của mẹ mình, rất bức xúc. Trước thông tin này, Nhà đấu giá không có thêm bất cứ bình luận nào, nhanh chóng kết thúc cuộc đối thoại. Trao đổi xung quanh câu chuyện tranh giả mạo chữ ký, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vì có nhiều bằng chứng rất rõ ràng.

Thực tế đây không phải lần đầu xuất hiện lùm xùm tranh giả được đưa lên sàn đấu giá của Nhà Chọn. Nhiều họa sĩ nổi tiếng hiện nay hơn một lần cảnh báo về điều này.

MỚI - NÓNG