Nghịch cảnh trong và ngoài biên chế

Nghịch cảnh trong và ngoài biên chế
TPO - Bộ trưởng Trần Văn Tuấn thông báo là Bộ Nội vụ đang xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Công vụ để phù hợp với xu hướng chuyển đổi từ nền hành chính cai quản sang nền hành chính phục vụ.

>> Sẽ 'hết' coi trọng bằng cấp và biên chế?
>> "Chạy chức, chạy quyền" gây bất bình trong dân

Tôi hiểu một cách nôm na, không còn biên chế nhà nước suốt đời. Luật Công vụ mới sẽ đào thải bớt lớp người trong biên chế nhưng đã "biến thể" đang làm trì hoãn sự đi lên của đất nước.

Chỉ có hợp đồng ngắn hạn mới giúp cho người lao động và công chức lo mất việc nếu họ lười biếng và đó chính là động lực cho phát triển. Chế độ biên chế nhà nước đã vô tình tạo kẽ hở sản sinh ra một lớp người lười nhác nhưng tham lam đã kìm hãm sự phát triển đất nước. Chương trình Cải cách Hành chính quốc gia phải nhổ tận gốc lớp người này mới mong đât nước mở mặt với thế giới.

Những năm 1960 ai là cán bộ biên chế biết ngay: xe đạp tòng teng, mũ cát với áo đại cán. Ai cao cấp có cái đài đeo hông kêu oang oang. Quả thật, số đông họ rất mẫn cán, vì dân vì nước. Đất nước thống nhất thì cán bộ còn giữ được phong thái đó và thêm xe máy nhưng sau này là nhà lầu và xe hơi...

Với thời gian, biên chế đã "biến thể". Ai trong biên chế và ngoài biên chế được coi như người trên mặt trăng và kẻ dưới mặt đất. Kẻ dưới mặt đất không có quyền lợi gì nên phải nai lưng chăm chỉ để ngày nào đó vào biên chế. Vào được rồi thì coi như đã xong việc cho một đời người.

Việc còn lại là lo "hót" sếp cho thật hay để đi nước ngoài, tăng lương , phân nhà và thăng chức. Còn công việc ư, có "thằng cha" ngoài biên chế lo. Việc hôm nay không xong thì đã có ngày mai. Năm nay không xong thì năm sau. Mình về hưu sẽ có người khác hứng. Đất nước vẫn nghèo đói và nông dân vẫn lầm than là do lớp người này.

Biết nhân viên lười và dốt nát đấy nhưng không đuổi việc được. Đuổi ra khỏi biên chế không phải là chuyện dễ vì ông xếp đang trong biên chế nên sợ kiện, mất luôn cả ghế và cái ... biên chế. Các nhân viên lười nhác nên có thời gian vô tận, biết đoàn kết với nhau, đủ năng lực để đi kiện và bôi nhọ người khác.

Thử vào các bộ, các ngành, viện nghiên cứu xem họ làm gì trong giờ hành chính và thống kê có bao nhiêu % đang làm việc thực sự, bao nhiêu người mở máy tính để soạn thảo công văn trả lời dân, bao nhiêu người đang mải mê chat ? Có nơi, thủ trưởng cơ quan phải đi rình xem ai chơi game để cảnh cáo.

Họ đến cơ quan không biết để làm gì nên tự lập công ty gia đình để dành nhiều thời gian cho buôn máy tính, bán điện thoại di động, đi dạy thêm... kể cả sang Nga đi buôn chục năm nhưng vẫn còn trong biên chế.

Đi khắp trên thế giới, chưa thấy ở đâu có ưu đãi biên chế như ở Việt Nam ta: lĩnh lương mà chả phải làm gì, hưởng suốt đời luôn kể cả hưu trí và bảo hiểm. Nhiều người còn có nhà của nhà nước phân và hiện được bán với giá ưu đãi vì trong... biên chế.

Nếu anh công chức lười, dốt nát mà ở nhà thì dân ta lại được nhờ dù điều đó không công bằng. Nhưng anh ta ngồi lù lù đấy, không làm gì giúp dân lại còn hoạnh họe, đòi hối lộ, nhũng nhiễu phong bì... Đạo đức xã hội xói mòn từ đó.

Ai cũng thừa nhận là hầu hết cán bộ trong biên chế đã giúp cho đất nước đi lên, nhưng có một thực tế là chúng ta vẫn còn không ít "sâu biên chế", không ít nghịch cảnh trong - ngoài biên chế.

Có cô người mẫu vừa lỡ lời "chân dài sao lại phải cưới một anh công chức quèn" đang bị dân cư mạng lên án mạnh mẽ. Trong trường hợp những công chức mà không làm gì cho dân cho nước lại còn ăn chặn của dân, thì tôi lại thấy không sai. Họ là những kẻ "quèn" về nhân cách, kể cả cô người mẫu nào chân "ngắn" cũng không nên lấy anh ta.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Hoa, Email: quenhachoa@yahoo.com

Tôi rất đồng tình với bài viết của tác giả Hoa Lư. Đã đến lúc nên ban hành Luật công chức để cho những người "công chức thực thụ" cần mẫn làm việc công ngày đêm (nhiều việc của cơ quan nhà nước làm không hết phải mang về nhà làm cho xong để hôm sau phục vụ thủ trưởng họp ra các chính sách...) được trả lương xứng đáng và loại bỏ đi "công chức bất tài" chả biết việc gì mà làm lại hay nghĩ chuyện lo lót, nịnh bợ, kiếm chác, xúc xiểm đồng nghiệp có đức có tài hơn mình và tệ hại hơn là hoạnh hoẹ dân thường để trục lợi, tham nhũng.

Không biết trong cái luật đó đề ra chế độ thi tuyển công chức như thế nào, còn việc học thi cải cách hành chính, thi chuyển ngạch chuyên viên... hiện đang áp dụng hiện nay thì chỉ có lợi cho những công chức năng lực hạn chế nhưng thừa thời gian để đi học và đi học rồi thì được thi, được lên lương lên chức.

Còn người có năng lực tý chút thì hay được giao hết việc này đến việc nọ và họ không còn thời gian theo học các lớp cải cách hành chính để được thi chuyển ngạch và lên lương nữa.

Người giỏi là những người có khả năng tự học hỏi và có nhiều kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, chính sách cán bộ hiện nay lại trọng bằng cấp hơn nên người công chức thực giỏi và có tấm lòng vì sự phát triển của đất nước cũng khó khăn trong mưu sinh và cống hiến.

Khanh Vu, Email: vu2205@yahoo.com

Hãy thay đổi tư duy quản lý !

Công chức nhà nước là danh từ mà cách đây 10 - 15 năm biết bao nhiêu người trẻ tuổi muốn mình được mang nó trên mình, nhưng đến bây giờ thì sao? Nó đã không còn hấp dẫn nhất là giới trẻ? vì sao? vì lương ư? chưa phải là điều kiện tiên quyết.

Vì cái cách hiểu và quản lý của thế kỷ trước nên chúng ta đã để biết bao nhiêu nhân tài phải rời các cơ quan nhà nước ra ngoài dù họ còn mang trong mình rất nhiều tâm huyết.

Vì vướng phải có công chức, phải là đảng viên mới được đề bạt lên vị trí quản lý dù đó là cơ quan mà công việc chuyên môn là quan trọng. Thế là những người có đủ tâm, tầm, tài đã không được đưa vào vị trí mà họ đáng ra phải được và với vị trí ấy họ sẽ cống hiến nhiều hơn cho xã hội với tầm nhìn xa và kiến thức họ có.

Thay vào đó một công chức mà tầm nhìn chỉ bằng "tầm tay" được đưa lên và như thế xã hội mất đi một nhà quản lý giỏi và có thêm một lãnh đạo quản lý tầm thường. Hơn thế nữa, những vị này để giữ được ghế của mình đã tạo thêm nhiều "bão tố" chính trị trong cơ quan.

Tôi nghĩ giới trẻ và người tài không phải không còn thiết tha với công việc nhà nước, mà chúng ta cần thay đổi tư duy trong cách quản lý cả về cán bộ, bố trí công việc, đánh giá con người và cả đãi ngộ nữa.

Nếu chúng ta có môi trường tốt, công bằng và có cơ hội thể hiện, đề bạt theo năng lực và đạo đức, biết trân trọng đóng góp, lắng nghe đối với người trẻ, tài năng thì tôi tin rằng chúng ta sẽ có nền hành chính công tốt.

Cao Phương Linh, Email: caophuonglinh2007@yahoo.com

Tôi rất thích thú với bài viết "Nghịch cảnh trong và ngoài biên chế" của tác giả Hoa Lư và cũng rất hoan nghênh các ý kiến của bạn đọc. Riêng tôi có 1 yêu cầu: mong sao nội dung của bài viết và các ý kiến của bạn đọc được đăng rộng rãi ở các báo nhằm sớm đến tai những đối tượng ù lì, làm trì trệ sự phát triển.

Một bạn đọc

Tôi đồng ý với tác giả Hoa Lư một số điểm như cần phải có luật Công vụ để điều chỉnh những hành vi của cán bộ công chức sao cho phù hợp với tình hình chúng ta đã gia nhập WTO. Nền hành chính phục vụ sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, nói đi phải có nói lại, nhìn phải nhìn trước sau, nghe phải nghe bằng hai tai. Đất nước chúng ta còn chậm phát triển, ý thức người dân quá thấp (ra khỏi nhà là thấy ngay). Đòi hỏi một nền hành chính phục vụ như các nước phát triển là không phù hợp, cần phải có thời kỳ quá độ. Nền hành chính công của nước ta đã hoàn thành vai trò của nó trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định.

Rõ ràng rằng khi con chim đã lớn cần phải có một cái lồng rộng hơn. Nền hành chính công cần phải có một cú hích để có thể bắt đầu vận động theo kịp tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trở lại với bài viết của tác giả Hoa Lư, tôi thấy tác giả đã có thành kiến nhất định với giới công chức, lời lẽ khá nặng nề, hoàn toàn có thể hiểu được vì có lẽ tác giả đã phải chứng kiến những lần "hạnh hoẹ" của công chức.

Nhưng nếu tác giả đặt mình vào vị trí của người công chức có lẽ sẽ có sự thông cảm hơn. Tác giả nói rằng người công chức lười, đến chỉ chơi, không làm gì, vậy thử hỏi tác giả liệu có lười được như họ không, chưa đến đã biết hôm nay không có việc gì để làm, nhất là những công chức trẻ, những hoài bão ấp ủ thời sinh viên không có cơ hội biến thành hiện thực, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác chỉ biết ngồi tán chuyện hoặc thỉnh thoảng được làm vài việc nhỏ...liệu tác giả có chịu được không, do đó mà những sinh viên mới ra trường thực sự không muốn làm công chức.

Không phải vì lương mà vì không có môi trường phát triển, tác giả nói rằng công chức nhũng nhiễu đòi phong bì, lập công ty gia đình, chân ngoài dài hơn chân trong, vậy hỏi tác giả làm gì khi lương tháng có vài trăm, không đủ tiêu cho bản thân đừng nói đến nuôi gia đình, có con nhỏ với giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt...nếu công chức có năng lực, có chuyên môn họ sẽ phải bươn trải, làm thêm để kiếm tiền nuôi gia đình, những người không có chuyên môn phải nghĩ ra mọi cách để kiếm ra tiền.

Đấy là đôi điều suy nghĩ của tôi, tôi cũng rất bức xúc vì nền hành chính công ỳ ạch không hiệu quả của chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng không nên đổ lỗi cho những người công chức, họ cũng chỉ là những người bình thường, cũng mưu sinh kiếm sống mà thôi...

Cái chúng ta cần làm đó là thay đổi môi trường, cụ thể là thay đổi cơ chế quản lý, để tạo ra những công chức làm vì đất nước, làm để phục vụ nhân dân.

BMX, Email: banmaixanh_267@yahoo.com

Chen chân vào biên chế

Tôi là một cán bộ hợp đồng từ 6 năm nay kể từ khi ra trường với tấm bằng khá về ngành "hot" hiện nay. Ra trường và về quê chứ không ở lại Hà Nội. Được nhận vào làm ở một sở mũi nhọn về CNTT của tỉnh.

Nhưng ở đây chưa có chỉ tiêu biên chế. Tôi làm hợp đồng ngắn hạn và rồi dài hạn. Để phấn đấu cho mình có 1 tí chức tí quyền thì cần phải vào biên chế, vào rồi sẽ được cơ cấu cán bộ nguồn rồi.... cứ thế mà đi. Nhưng ròng rã suốt 5 năm không có một chỉ tiêu biên chế mặc dù đã có nhiều kỳ thi công chức được tổ chức.

Tôi đã quyết định nộp thi công chức sang cơ quan khác. Nhưng ôi thôi, ôn luyện là thế đến khi vào phòng thi thì mới ngớ người ra là họ chỉ tổ chức thi thôi, còn người nhận vào thì họ đã chấm rồi, chẳng thế mà người tôi "chọi" với họ có điểm cao thế, một chút nữa là tròn 300 điểm cho 3 môn. Tôi làm sao đấu được cơ chứ??? Tôi lại tiếp tục công việc trước.

Lại sắp có kỳ thi xét tuyển viên chức, lần này là cơ quan tôi có 1 chỉ tiêu, mà lại xét nên không phải ôn luyện ngày đêm gì cho cam. Nhưng hồ sơ xét tuyển dài một dãy. Cứ tưởng là làm lâu năm rồi là thể nào cũng có 1 suất. Nhưng không. Éo le thay số kiếp tôi 1 lần nữa lại trượt trên con đường vào công chức viên chức! Tôi có tấm bằng kỹ sư loại Khá, số điểm TB: 7,3 lại phải ra đi để cho một anh có bằng Trung bình với số điểm TB: 5,7 nhưng anh ấy là diện... ưu tiên. Trời ạ, thế đấy, sau 6 năm cống hiến tôi đã không đạt được gì cả! Và ra đi cứ nhẹ nhàng như cơn gió!

Tôi quyết định xin vào "làm ngoài" và với mức lương thoả thuận. Sau 6 tháng tôi đã là chức Trưởng phòng Công nghệ phần mềm của công ty đó. Tôi tự hỏi sao ngày xưa cứ cố gắng để chui đầu phấn đấu biên chế làm gì??????

Nguoi Thich Doc, Email: hoc_hocnua_hocmai80@yahoo.com

Bài viết này quá đúng và quá hay!, đề nghị bỏ ngay kiểu "biên chế này đi, nếu không đất nước còn nghèo mãi và dân còn khổ mãi.

Nguyễn Quang Vinh, Email: Vinhhqqt@yahoo.com.vn

Là đọc giả thường xuyên của Tiềnphong online, tôi vừa được biết Bộ Nội vụ sắp trình Quốc hội thông qua Luật Công vụ nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế và đi đến hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ công chức của nhà nước ta phù hợp với giai đoạn mới, cũng như tạo cơ chế để tận dụng, phát huy hơn nữa nguồn nhân tài của đất nước, phát huy tính dân chủ, công bằng xã hội, hạn chế tình trạng tham nhũng.

Tuy nhiên, tôi xin có một số ý kiến như sau:

 - Luật Công vụ ban hành, hạn chế tuyển dụng vào biên chế nhà nước, mà sẽ tiến hành tuyển dụng ngoài biên chế để vào công tác tại các cơ quan nhà nước thì cơ hội phát triển, quyền lợi của những người ngoài biên chế (bổ nhiệm, đề bạt,..) sẽ bị hạn chế rất nhiều mặc dù họ có làm tốt bao nhiêu chăng nữa?

- Luật Công vụ ban hành có khắc phục được triệt để tình trạng coi trọng bằng cấp như hiện nay hay không? vì tình trạng này phổ biến rất nhiều trong xã hội nước ta hiện nay.

- Luật Công vụ cần đề ra việc lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ phải thông qua thi tuyển để đảm bảo người có đủ đức và tài để làm công tác quản lý, phát huy việc dụng có hiệu quả thiết thực nguồn nhân tài của đất nước để đảm bảo lãnh đạo thành công công cuộc CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thành Vinh

Tôi làm trong 1 CQ Nhà nước, tôi thấy bài viết thật đúng. Bao nhiêu người chạy chọt để được làm công chức, để có chỗ dựa suốt đời. Bây giờ nếu chúng ta có cơ chế sa thải rõ ràng như các công ty tư nhân thì tôi chắc rằng CBCC sẽ mạnh lên. Các xếp chắc là không dám bố trí con em mình vào những vị trí không xứng đáng được, vì nó sẽ không bền. Bên cạnh đó tôi nghĩ cần phải có chế độ lương thích hợp (bằng cấp và hiệu quả công việc).

Một bạn đọc, Email: nguoigopy@yahoo.com

Kính thưa bộ trưởng! Thật đáng mừng là bộ trưởng bộ Nội Vụ đã thấu hiểu vấn đề này. Từ khi làm việc hành chính trong một cơ quan nhà nước tôi mới thấu hiểu  hai chữ công chức.

Cần mẫn trong công việc, sôi nổi trong các hoạt động thể thao, vui vẻ, hoà nhã với mọi người nhưng đến khi xét chiến sỹ thi đua cuối năm thì anh không được xét vì anh chưa vào công chức.

Xét học đối tượng Đảng anh cũng không được đi vì anh chưa vào công chức trong khi đó các công chức khác thì sáng đủng đỉnh vào cơ quan ngó sơ qua công việc rồi ăn sáng uống cà phê, chiều khi các anh chưa vào công chức đã có mặt ở cơ quan từ lâu thì công chức ta còn đang bận... ngủ.

Thế nhưng cuối năm vẫn chiến sỹ xuất sắc đề nghị cấp trên khen thưởng. Thật chán nản. Vì thế để được vào công chức ta phải tìm đủ mọi cách, nỗ lực trong công việc để chờ đợi một ngày được đi thi công chức.

Cũng có ngày thi, giờ thi và nội quy thi cử hoàn chỉnh nhưng còn khó gấp mấy lần thi đại học, người tham dự thì đủ cả sơ cấp, trung cấp, đại học dân lập, đại học chính quy các trường nổi tiếng nhất nhì cả nước. Nhưng đến kết quả thi tuyển thì hỡi ơi mấy anh đại học rơi rụng hết.

Thắc mắc và bất ngờ nhưng hỏi ra mới biết các em sơ cấp kia là con cháu các cụ cả. Đấy, khó là chỗ đấy. Bộ trưởng ơi hãy ra tay đi còn chờ gì nữa.

Thuphuong

Toi dong tinh voi noi dung cua bai bao ,hien nay trong hang ngu can bo cua nha nuoc ,ben canh nhung can bo lam viec cham chi con khong it can bo trinh do thap lai con luoi bieng ,ho khong lam viec lai con di noi xau nguoi lam viec cham chi, voi dan ,ho san sang the hien thai do sach nhieu ,voi vinh...

Voi co che hien nay ,lanh dao co quan khong the nao phe binh canh cao duoc ,dung noi den chuyen duoi viec.Ho van ngoi do chiem cho cua nguoi khac,lam cho bao sinh vien ra truong khong xin duoc viec lam.

Toi thay da den luc Nha nuoc phai co co che chinh sach de co the ''moi '' duoc nhung can bo do ra khoi co quan nha nuoc,nhan dan do phai nuoi nhung can bo luoi bieng do. Day cung la bien phap chong tham nhung day,can lam khan truong.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.