Ngôi nhà có bốn người điên

Ngôi nhà có bốn người điên
TP- Những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, chứng tức ngực khó thở hành hạ, cộng với tuổi cao sức yếu, ông nghĩ mình chẳng sống được bao lâu nữa.

Nhưng những lúc như thế, nhìn các con ngồi giật tóc nhau cười sằng sặc, vợ chồng ông lại nuốt nước mắt cầu trời phù hộ cho được sống thật lâu….

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” vợ chồng ông Nguyễn Văn Truyền (74 tuổi) và bà Đinh Thị Định (70 tuổi) (xóm 6, Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) chưa có nổi một đêm yên giấc vì tiếng la hét, ú ớ của các con cứ dựng dậy lúc nửa đêm.

Gần bốn mươi năm trôi qua, ông bà đã phải nuốt bao cay đắng, tủi nhục, lăn lộn với ruộng đồng để nuôi bốn đứa con điên dại của mình do ảnh hưởng chất độc da cam.

Nỗi đau sau chiến tranh

Sinh ra ở vùng quê nghèo chiêm trũng Hà Nam, tròn 18 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, người thanh niên Nguyễn Văn Truyền lên đường nhập ngũ. Sau 10 năm chiến đấu khắp các chiến trường miền Nam, năm 1968 ông trở về quê hương.

Khấp khởi trong niềm vui đoàn tụ với gia đình, những tưởng từ giờ sẽ nắm chắc trong tay niềm hạnh phúc bình dị, ai ngờ cuộc đời bắt ông phải bước vào “cuộc chiến” mới. Chất độc da cam ông mang trong mình âm thầm gieo nỗi đau vào bốn người con.

Mọi sự trợ giúp chia sẻ của bạn đọc xin gửi về Ban Bạn đọc, báo Tiền phong 15 - Hồ Xuân Hương - Hà Nội

Bốn đứa con lần lượt sinh ra: Nguyễn Thị Hòa (1969), Nguyễn Văn Bình (1972), Nguyễn Thị Mai (1974), Nguyễn Thị Mại (1977) có những biểu hiện không bình thường giống nhau, suốt ngày chỉ biết nói lảm nhảm và cười sằng sặc.

Đau đớn hụt hẫng, hai vợ chồng gõ cửa khắp nơi tìm thuốc chữa trị nhưng càng chữa, bệnh của các con không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Bao nhiêu của cải trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Bất lực ông bà đành chịu phó mặc cho số phận.

“Nhiều lúc thấy hàng xóm con cái đề huề, cháu chắt nô đùa, tôi thèm lắm. Ngẫm lại mình có làm gì nên tội đâu mà...” - Những giọt nước mắt mặn chát lăn vội trên khuôn mặt nhăn nheo, sạm nắng khiến lời tâm sự của bà Định tắc nghẹn.

Đứa con gái tên Hòa vì bị bệnh nặng quá đã qua đời cách đây mấy năm, Bà Định phân trần: “Cô ạ, nó đi như thế là một sự giải thoát cho nó, chỉ mong sao ở thế giới bên kia nó sẽ được làm một con người bình thường”.

Bao nhiêu năm nay, ngôi nhà của ông bà giống như một cái trại tâm thần thu nhỏ. Đồ đạc cứ dọn xong lại bị vứt ngổn ngang. Thi thoảng trong nhà lại “choang” lên tiếng vỡ của cốc lọ, bát đĩa... Ba đứa con khi ú ớ, khi cười sặc, khi khóc rú gào thét giữa đêm khuya khiến hàng xóm giật mình tỉnh giấc mặc dù họ đã quá quen.

Mọi sự sinh hoạt của ba người con đều theo bản năng, gặp đâu là phóng uế bừa ra đấy, dù ở xó nhà, góc buồng hay bất kể chỗ nào và phá phách khắp nơi. Vì thế, dù bà Định có lau chùi, dọn dẹp thường xuyên nhưng trong nhà lúc nào cũng nặc mùi hôi hám khó chịu, mùa hè ngột ngạt, mùa đông tanh nồng...

Nhìn căn nhà tuềnh toàng, trống hoác, cái bàn tiếp khách có độc mỗi chiếc cốc nhựa, ông Truyền phân bua: “Thứ thì chúng nó phá hỏng, thứ thì không có tiền để sắm sửa. Đồ đạc trong nhà cũng chỉ dám dùng đồ nhựa thôi để tránh bị đập vỡ”.

Bao nhiêu năm, mấy đứa con ông bà bị bệnh là bấy nhiêu năm ông bà chỉ biết ăn cơm đứng. “Có mấy khi chúng tôi dám dọn một mâm cơm tử tế ra ngồi ăn đâu” - Bà Định tâm sự. Hàng xóm thương cảm, động viên nhưng vì ngại và sợ nên chẳng mấy ai dám sang nhà.

Bấy nhiêu năm hai vợ chồng chỉ biết nương tựa vào nhau, gồng mình vượt qua bao nhục nhằn, cay đắng để nuôi bốn đứa con chẳng thành người của mình.

Canh cánh một nỗi lo

Nhìn cơ thể gầy nhom, da dúm dó bọc lấy xương, đôi mắt sâu hoắm, đục ngầu, đôi bàn tay nổi chằng chịt những gân như rễ khoai, tôi mới thấy thấm thía phần nào những nhọc nhằn đau đớn, dằn vặt, mà người cựu chiến binh Nguyễn Văn Truyền âm thầm chịu đựng trong suốt mấy chục năm qua. Những cơn đau triền miên do vết thương chiến tranh để lại như muốn vắt kiệt nốt chút sức lực còn lại của ông.

 “Ông ấy ốm đau suốt mà có mấy khi dám mua thuốc uống đâu cô, ông ấy bảo bộ đội khỏe lắm nên toàn nghiến răng chịu cho bệnh tự khỏi thôi. Tôi biết tại ông sợ không có tiền mua thuốc nên mới thế” - Bà Định sụt sùi kể về ông.

Nhìn bàn tay thô ráp của bà quệt vội dòng nước mắt, tôi hiểu người phụ nữ nhẫn nhục, giàu đức hy sinh ấy đã luôn phải kìm nén nỗi buồn đau để chăm chồng, chăm con. Cả đời nhọc nhằn bây giờ đã bước sang độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà vẫn không có nổi một phút nghỉ ngơi.

Bảy mươi tuổi, một mình bà vẫn làm bốn sào lúa và một sào hoa màu, bởi mấy trăm nghìn tiền trợ cấp chất độc da cam của mấy cha con không đủ chạy bữa từng ngày chứ chưa nói gì đến thuốc thang, đi đây đi đó. Cái dáng tất bật quẩy đôi quang gánh, quần lúc nào cũng ống xắn, ống bỏ, chân bước như không muốn chạm đất của bà Định đã trở nên quá quen thuộc với người dân xã Thi Sơn.

Vất vả, cực nhọc là vậy nhưng bà không một lời kêu ca, than vãn “bởi số phận mình nó thế”. Niềm tin vào số kiếp tưởng như tiêu cực ấy, bao nhiêu năm nay đối với ông Truyền, bà Định lại trở thành cái cớ, là động lực để ông bà vươn lên sống với đời.

Nhưng giờ đây tuổi cao sức yếu, ông bà lại muốn chống lại quy luật sinh, lão, bệnh, tử muôn đời của cuộc sống. Ông bà sợ phải chết, chỉ vì một lẽ: khi họ chết đi có ai đủ can đảm nuôi ba đứa con dở điên dở dại của mình không.

“Tôi hằng đêm vò đầu không ngủ được vì lo rằng mai này chúng tôi chết đi thì có ai chăm sóc mấy đứa con của mình không? - Ông Truyền buông tiếng thở dài não nuột. Trong góc nhà hai chị em Mai và Mại vẫn đang giật tóc nhau ngô nghê cười.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.