Người cắm chốt ở “ngã tư tử thần”

Người cắm chốt ở “ngã tư tử thần”
TP - Về huyện Yên Dũng (Bắc Giang), chúng tôi được biết đến những tình nguyện viên hàng ngày âm thầm làm việc nhân đạo, mà không nhận một đồng tiền công.

Trong đời thường, họ là những bác sửa xe đạp, xe máy, người chạy xe ôm, cán bộ đoàn xã, hay là cán bộ chữ thập đỏ, nhưng khi xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn, họ trở thành những y tá sơ cứu giúp người bị nạn…

Ông Đào Ngọc Đang và chốt sơ cứu
Ông Đào Ngọc Đang và chốt sơ cứu . Ảnh: Trường Văn

Thầm lặng giữa đời thường

Tới ngã tư Song Khê - Nội Hoàng (trên quốc lộ 1A mới, đoạn chạy qua xã Song Khê) một điểm đen về tai nạn giao thông ở Yên Dũng (Bắc Giang), được ví là “ngã tư tử thần”, ai cũng biết đến ông Đào Ngọc Đang sửa xe máy (54 tuổi), xã Song Khê (huyện Yên Dũng - Bắc Giang) chuyên sơ cấp cứu cho những nạn nhân chẳng may bị tai nạn giao thông khu vực này.

“Nói là làm y tá cho oai, chứ chủ yếu là làm phúc, mà đâu có lương bổng gì, giúp người cũng như giúp mình thôi...” - ông Đang tâm sự.

Hiện ông Đang là một trong 4 tình nguyện viên của chốt sơ cấp cứu ở đây. Tháng 3-2009, ông cùng với 3 người khác ở xã Song Khê, trong đó một người là cán bộ đoàn xã, một người làm ở trạm y tế, và một người làm công tác hội chữ thập đỏ được đi học lớp tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang tổ chức và Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ trang thiết bị y tế. Từ tháng 5-2009, chốt sơ cứu ở ngã tư Song Khê - Nội Hoàng chính thức đi vào hoạt động.

Ông Đang chỉ mong có cái đèn pin sạc điện để tiện sơ cứu cho người không may bị tai nạn bởi ở khu vực này, nhiều tối bị mất điện nên việc sơ cứu gặp nhiều khó khăn. 

Chốt sơ cứu được đặt tại hiệu sửa xe của ông Đang, có tên biển rõ ràng, được trang bị tủ thuốc, bông băng, gạc, trang thiết bị y tế, bình lọc nước vô trùng. Có hôm, một mình ông băng bó cho 3 người bị thương, người bị nặng thì sơ cứu trước, người bị nhẹ thì làm sau.

“Nhiều khi 1-2 giờ sáng có người gọi báo tin tai nạn giao thông vẫn phải dậy giúp người ta...”- Ông Đang kể.

Buổi trưa hôm chúng tôi đến, ông Đang vừa sơ cứu cho anh Nguyễn Văn Đức (35 tuổi), ở huyện Lục Nam (Bắc Giang), bị nạn từ việc lái xe máy va chạm vào xe cẩu tại ngã tư Song Khê -Nội Hoàng, rất may anh chỉ bị thương nhẹ.

Hơn 10 năm làm nghề sửa xe máy ở “ngã tư tử thần”, ông Đang không nhớ chính xác đã giúp được bao nhiêu nạn nhân, có lẽ chỉ những người bị nạn mới nhớ đến ông.

“Trước đây, khi chưa có chốt sơ cứu, tôi đã làm công việc này rồi. Có hôm đã hơn 1 giờ sáng, trời mưa to, một thanh niên gọi cửa hỏi mua nước, tôi dậy thì thấy cánh tay người này chảy rất nhiều máu và không cử động được. Hỏi ra mới biết cậu ta quê ở Lạng Sơn, đi xe máy do ngủ gật nên đâm vào hàng rào chắn bên đường, bị gãy tay. Thấy vậy, tôi liền chở nạn nhân lên Bệnh viện Bắc Giang. Lúc đó, người thanh niên này chỉ có 40.000 đồng, tôi phải đưa thêm cho 150.000 đồng để làm thủ tục nhập viện...”.

Anh Nguyễn Văn Thọ, làm nghề xe ôm ở ngã tư này cho biết: “Ông Đang rất tốt bụng, ông sơ cứu nhiều người giúp họ thoát khỏi tử thần khi gặp nạn, mà không đòi hỏi công sá gì. Hiện nay, vợ chồng ông cũng rất khó khăn, phải vay thêm tiền ngân hàng để nuôi 2 con học đại học”.

Mô hình tốt

Ông Phạm Đăng Tiến - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Dũng cho biết: “Hiện nay, mô hình chốt sơ cứu được người dân rất khen ngợi, cả huyện hiện có 5 chốt sơ cứu, tập trung ở những nơi được coi là “điểm đen” thường xảy ra tai nạn giao thông như ngã tư Song Khê - Nội Hoàng, xã Tân Mỹ, thị trấn Tân Dân, xã Nham Sơn, cầu Xương Giang.

Để các chốt này hoạt động có hiệu quả hơn và có tính chất lâu dài, các cơ quan hữu quan cần đầu tư hơn nữa về trang thiết bị, đặc biệt nếu có khoản phụ cấp cho các tình nguyện viên để họ yên tâm làm việc thì rất tốt”.

Từ mô hình của huyện Yên Dũng, Hội Chữ thập đỏ Bắc Giang đã phát triển mô hình này ở một số huyện như Việt Yên, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang.

Theo Trung tá Trần Đức Quảng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ (Công an huyện Yên Dũng), 7 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn huyện đã xảy ra 14 vụ TNGT. Số vụ tai nạn, số người chết và bị thương đều tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái. Yên Dũng hiện đứng thứ 2 của tỉnh Bắc Giang về số vụ TNGT, đứng sau huyện Lạng Giang.  
MỚI - NÓNG