Người đàn bà đi trên hai tay

Người đàn bà đi trên hai tay
TP - “Tôi vẫn tự bước đi bằng đôi tay và nuôi sống được bản thân!”. Bà Phan Thị Hải ở thôn Đông Miếu, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành ( Bắc Ninh) đi bằng đôi tay từ ruộng về căn nhà hai gian lụp xụp trên bờ đê giữa làng.

Mới 3 tuổi, sau lần đổ bệnh nặng, đôi chân của Phan Thị Hải bị liệt hoàn toàn. Gia đình chạy chữa khắp nơi, nằm viện nửa năm trời và phẫu thuật 2 chi dưới nhưng vô hiệu. Lớn lên, thấy chúng bạn cắp sách đến trường, Hải khát khao đi học. Hải xin bố mẹ cho xuống nền nhà và bắt đầu những tháng ngày “tập đi” bằng tay.

Bà kể: “Phải cúi gập người xuống gần mặt đất, chống tay dùng hết sức tập đi, nhiều lúc ngã không thể ngồi dậy”. Sau mấy tháng trời Hải đã “đi được bằng đôi tay” của mình. Hải xin bố mẹ cho đến lớp học. Hải luôn đứng trong tốp đầu của lớp, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Lên cấp 2, do trường xa nhà tới 5 cây số, gia cảnh khó khăn không ai đưa đón nên Hải dang dở
việc học.

Không muốn thành gánh nặng cho gia đình, hàng ngày Hải vẫn ra đồng miệt mài xới đất, trồng rau , đem bán. Lên 12 tuổi, Hải học tráng bánh cuốn, tráng mỳ rồi học thêu, học đan để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Hải có đôi tay khỏe mạnh, khéo léo cùng đức tính cần cù, chăm chỉ nên nhà chủ không chỉ dạy nghề mà còn nhận Hải vào làm tại xưởng. Cô được trả lương mỗi tháng 300.000 đồng. Năm 1982, Hải dọn ra con bối (bờ đê của làng) để kéo đất lấp ao, tích góp tiền tự xây nhà. Bà Hải nhớ, có lần gió bão kéo về cuốn mất mái tôn, bà đội nón ngồi co rúm trong góc nhà rét mướt. Có người hàng xóm thương tình chạy sang đưa bà qua nhà mình trú mưa, nhưng sợ mất lợn gà nên bà nhất quyết không đi. Với hai sào ruộng khoán, bà tự tăng gia sản xuất. Vụ lúa hết, bà quay sang trồng ngô, trồng đay, không để đất bị hoang hóa. Đến mùa thu hoạch đay, bà ngâm lấy sợi đan thành võng, bán với giá 350-400 nghìn đồng/ chiếc. Tận dụng đất hai bờ kênh, bà trồng sắn dây làm thành bột bán với giá 100 - 120 nghìn đồng/kg.

Dù tật nguyền nhưng bà vẫn chăm làm kinh tế
Dù tật nguyền nhưng bà vẫn chăm làm kinh tế.

Bà Hải là người tiên phong trong thôn làm bể biogas xử lý chất thải và lấy khí đốt phục vụ chăn nuôi lợn, gà. Bà đang nuôi 8 con lợn nặng tới 50-60kg, và hàng chục con gà lấy thịt.

“Tuy sống một thân một mình nhưng bà Hải sống rất tình cảm và được nhiều người quý trọng. Bà ấy rất nghị lực”- ông Ngô Đức Tâm, thôn Đông Miếu cho biết.

“Tôi mong mỏi xin một đứa con ở trung tâm mồ côi nào đó về nuôi”- bà Hải nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.