Người dân ĐBSCL không nên quá hoang mang vì vụ vỡ đập ở Lào

Trước vụ vỡ đập ở Lào, ngày 25/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là PCTT & TKCN) tỉnh An Giang đã có công văn thông báo về việc theo dõi tình hình lũ lên, kết hợp triều cường, các tình huống mưa, dông chỉ đạo các địa phương trong tỉnh theo dõi và tổ chức công tác ứng phó.

Ngày 26/7, trao đổi nhanh với PV Báo Thời đại, ông Trần Anh Thư, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kiêm Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh An Giang cho biết: “Hiện tai tỉnh An Giang đã lên kế hoạch ứng phó trước tình trạng mưa lũ lên xuống bất thường. Nếu có vỡ đập ở Lào thì tỉnh An Giang cũng không bị động vì đã có bước chuẩn bị phòng chống”.

Cũng theo ông Thư, vụ vỡ đập ở Lào nằm ở nhánh sông, theo dự báo của cơ quan thủy văn, lượng nước do vỡ đập cũng không ảnh hưởng nhiều đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khả năng dâng nước theo dự báo ở ĐBSCL khoảng 5cm.

Vùng đầu nguồn ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp, mực nước có thể cao hơn là khoảng 10cm. Tuy nhiên, với mức nước này thì cũng còn nằm dưới so với mức dự kiến, vẫn nằm trong vòng kiểm soát của tỉnh.

Người dân ĐBSCL không nên quá hoang mang vì vụ vỡ đập ở Lào ảnh 1
Người dân ĐBSCL không nên quá hoang mang vì vụ vỡ đập ở Lào ảnh 2 Công văn chỉ đạo các địa phương trong tỉnh An Giang tích cực theo dõi và tổ chức ứng phó thiên tai (Ảnh: Trung Tính).

Vị Giám đốc này còn cho biết, theo tính toán về tốc độ dòng chảy, lũ từ Lào đổ về Việt Nam thì khoảng 1 tuần lễ nên trong vài ngày tới, lũ mới đổ về tới. Vùng sẽ chịu ảnh hưởng là khu vực tiếp giáp biên giới nước bạn Campuchia.

Theo dự báo số của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, lũ thượng nguồn sông Mekong về kết hợp với đợt triều cường, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại các huyên Châu Đốc, Tân Châu… sẽ lên nhanh trong những ngày tới. 

Và đến cuối tháng 7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3.20m, trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2.80m, cao hơn 0.2 – 0.4m so với cùng kỳ năm 2017.

Trước tình hình trên, ngày hôm qua (25/7), Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh An Giang đã có công văn thông báo về việc theo dõi tình hình lũ lên, kết hợp triều cường, các tình huống mưa, dông… Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh luôn bám sát, theo dõi và sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra.

“Về các vùng sản xuất lúa 3 vụ, sản xuất nôn nghiệp, tỉnh An Giang đã đảm bảo hệ thống đê bao chống lũ triệt để nên có lũ lớn hay lũ về sớm cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Do vậy, người dân phải thật sự bình tĩnh, không nên quá hoang mang như một số đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, đây chưa chắc là đoạn clip chính thống được quay tại thời điểm sạt lở ở lào, cũng có thể là động cơ mà kẻ xấu lợi dụng để gây hoang mang đối với quần chúng nhân dân”, ông Thư khuyến cáo.

MỚI - NÓNG