Chuyện người đàn ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Người nông dân ba năm gác tàu không lương

Người nông dân ba năm gác tàu không lương
TPO - Không được trả một đồng lương nhưng gần ba năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Nguyễn Thanh Hồng ở thôn Thuận Tiến, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã tự nguyện đứng ra gác tàu ở đường ngang dân sinh thuộc tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng.

>> 12 năm tự nguyện làm 'barie sống'
>> Ba chiếc “barie sống” ở Phủ Lý

Người nông dân ba năm gác tàu không lương ảnh 1
Anh Nguyễn Thanh Hồng đã tự nguyện làm công việc này suốt 3 năm nay. Ảnh : Thân Hoàng

Nhờ đó mà những vụ tai nạn giao thông  từ những chuyến tàu qua đã giảm thiểu đáng kể.

Chuyện người đàn ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Vợ chồng anh Hồng mở quán nước cạnh đường tàu đã gần ba năm nay. Những ngày đầu tiên, anh chị phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đau xót; liên tục có người chết, người bị thương nặng do chủ quan, hay vô ý đi qua đường ray lúc có tàu.

Do là đường ngang dân sinh, nên ở đây không  có chốt gác, không có barie, chỉ có vài tấm biển báo đã ngả nghiêng, mất chữ và han gỉ mà không mấy người chịu dừng chân đứng đọc.

Đường ray chạy qua khu vực có nhiều học sinh, sinh viên của trường Trung học Quản lí và công nghệ, nhiều công nhân của một số nhà máy lân cận, nên vào những giờ cao điểm, người qua lại rất đông.

Việc đồng áng lúc nông nhàn cũng không nhiều, và vì không muốn nhìn những cái chết thương tâm, anh chủ quán nước sinh năm 1963 này đã tự nguyện đứng ra gác tàu, nhắc nhở người dân mỗi khi có tàu qua.

Ban đầu, công việc còn gặp nhiều khó khăn, do sự thiếu ý thức của người qua đường, và cũng vì mới làm, nên anh không nắm rõ được giờ tàu chạy. Nhiều người chủ quan đi sang đường khi tàu sắp qua mà được anh nhắc nhở thì cảm ơn, nhưng cũng có nhiều người tỏ ra bực tức, thậm chí còn mắng lại. Dần dần, mọi người cũng hiểu lòng tốt và sự nhiệt tình của anh.

Người dân quanh vùng, đặc biệt là các anh xe ôm không chỉ nghiêm chỉnh chấp hành, mà còn giúp đỡ, làm thay việc gác tàu mỗi khi anh đau ốm hoặc có việc bận. Nhờ đó, tai nạn giao thông trên đoạn đường này thời gian gần đây đã giảm đáng kể. Anh hồ hởi thông báo: “Từ đầu năm 2007 đến nay, chưa có vụ tai nạn nào xảy ra trên đoạn đường tàu thuộc xã Dương Xá này”.

Cứu người như một niềm vui

Không thể tính hết số người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sự tận tâm của anh Hồng. Anh tâm sự với chúng tôi những kỉ niệm vui buồn trong công việc kể từ khi tự nguyện đứng ra gác tàu.

”Đầu năm 2006, một chiếc xe ngựa đi qua đường lúc đèn báo sắp có tàu chở sắt qua, mình vội chạy theo cản lại. Nhưng chỉ kịp cứu được người, còn xe ngựa bị cuốn vào đường ray. Ông chủ xe ngựa lúc đầu quay lại bắt đền, về sau, ông ấy cũng nhận ra là mình vừa được cứu sống”. Lúc nào cũng thế, sau khi cứu người, được cám ơn, anh Hồng chỉ cười và bảo: “Thôi về nhà mổ gà ăn mừng đi”.

Sinh viên sống quanh đây lúc đi qua đường tàu thường không để ý, vừa đi vừa nghe điện thoại, vừa đi vừa nói chuyện, nghĩ ngợi… Cuối năm 2005, có hai cô sinh viên trường Trung học Quản lí và công nghệ qua đường mà không quan sát. Hai cô vừa đi vừa che ô, không nhìn thấy tàu đang đến gần. Anh Hồng chỉ kịp chạy theo đẩy hai cô về phía trước.

Anh kể: “Chỉ thiếu chút nữa là mình mất mạng rồi. Tàu qua đây chủ yếu là tàu nhanh, đã dính vào thì không thể sống được. Làm nhiều, mình cũng thấy vui vì cứu được nhiều người thoát khỏi cái chết”.

Barie sống của người dân Dương Xá

Mặc dù rất cố gắng, nhưng anh Hồng cũng chỉ nắm được lịch tàu nhanh chuyến Hà Nội-Hải Phòng, còn tàu chở hàng không có lịch cố định. Lúc trời nhập nhoạng tối, trên đoạn đường này lại không có đèn cao áp, nên người dân đi qua đây càng gặp nhiều nguy hiểm.

Trong khi lực lượng nhân viên ngành đường sắt còn mỏng, mà những đường ngang dân sinh rất nhiều, ý thức người dân chưa được nâng cao, những việc làm như của anh Hồng càng trở nên cần thiết hơn.

Chiều muộn, anh Hồng hút vội điếu thuốc lào, rồi bảo chúng tôi: “Lại sắp có tàu Hà Nội-Hải Phòng đấy! Các cậu ngồi chờ mình một chút nhé!”. Anh chạy nhanh ra đường nhắc nhở mọi người, và nở một nụ cười hiền hậu rất hiếm khi gặp ở nơi các nhân viên nhà tàu. Bóng anh Hồng vắt ngang qua đường ray giống như một thanh barie sống…

MỚI - NÓNG