Chuyện lạ ở Bình Dương:

Nguyên Chủ tịch phường ‘giữ’ tiền đền bù, 12 năm dân không biết

TPO - Ông Nguyễn Thanh Sơn với tư cách là Chủ tịch phường đã mở tài khoản cá nhân nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng của người dân. Tuy nhiên, sau 12 năm người dân vẫn chưa biết tiền của mình đang ở đâu.

Sổ đỏ trùng nhau trên một khu đất

Mới đây, báo Tiền Phong nhận được đơn phản ánh của ộng Lê Minh Thoại và bà Mai Thị Phòng về việc 2 mảnh đất liền kề rộng hơn 2.000m2 (diện tích 1.311m2 và 743m2) đã được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương. Tuy nhiên, trên cùng khu đất này, mới đây cơ quan chức năng lại cấp nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ khác.

Trình bày cùng nội dung đơn, ông Thoại, bà Phòng cho biết, họ nghe hàng xóm báo tin khu đất thuộc quyền quản lý  của mình bị người khác ồ ạt xây nhà nên khẩn trương đến kiểm tra. Ông Thoại và bà Phòng không thể ngăn chặn người khác xây dựng trên đất mình vì họ đã trưng ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vừa được cấp.

Nguyên Chủ tịch phường ‘giữ’ tiền đền bù, 12 năm dân không biết ảnh 1 Hai sổ đất cũ vẫn chưa bị thu hồi

Vụ việc sau đó được trình báo cơ quan chức năng TP. Thuận An nhưng không được giải quyết với lý do khu đất của ông Thoại, bà Phòng đã được thu hồi để triển khai dự án KDC Vĩnh Phú I và đã chuyển nhượng cho những người dân khác. Cả ông Thoại và bà Phòng đều bất ngờ vì họ chưa từng nhận tiền đền bù đất và giấy chứng nhận cũng chưa bị thu hồi.

Theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, ông Thoại, bà Phòng đến làm việc với chủ đầu tư KDC Vĩnh Phú I là Công ty TNHH Đầu tư, Xây dựng, Thương mại Vũ Kiều thì doanh nghiệp này cho biết, họ đã thực hiện các nghĩa vụ đền bù theo quy định. Do đó, không còn nghĩa vụ giải quyết quyền lợi đối với khu đất của ông Thoại, bà Phòng.

Hiện, 2 khu đất hộ ông Thoại và bà Phòng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ khác. Trong đó, có 3 căn nhà được xây dựng hoàn thiện.

Nguyên Chủ tịch phường ‘giữ’ tiền đền bù, 12 năm dân không biết ảnh 2 Khu đất chưa giải quyết xong đền bù nhưng đã xây dựng nhà ở

Theo lời ông Thoại, vào năm 2008, ông nhận được thông báo đến làm việc với chủ đầu tư KDC Vĩnh Phú I. Khi đó, ông không đồng ý số tiền đền bù vì giá quá thất, chỉ hơn 100 ngàn đồng/m2. Từ đó đến nay, ông Thoại chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc đến nhận tiền đền bù cũng như thu hồi giấy chứng nhận. Hiện tại, trong KDC Vĩnh Phú I các hộ dân có đất, nhà không đồng ý giao đất vẫn đang được tồn tại, những người có đất nhưng ở nơi khác đã bị thu hồi dù chưa nhận tiền.

Nguyên Chủ tịch phường “nhận hộ” tiền đền bù của dân

PV Tiền Phong đã vào cuộc tìm hiểu và thu thập nhiều tài liệu thể hiện các hành vi làm trái quy định của một số cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thu hồi đất làm KDC Vĩnh Phú I.

Cụ thể, vào năm 2003, bà Trần Thị Kim Vân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 5141 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án KDC Vĩnh Phú I. Quyết định nêu rõ “phải thanh toán dứt điểm tiền bồi thường cho các hộ dân theo cam kết tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Nguyên Chủ tịch phường ‘giữ’ tiền đền bù, 12 năm dân không biết ảnh 3 KDC Vĩnh Phú I

Thế nhưng, khi chưa thực hiện giải quyết xong đền bù giải phóng mặt bằng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ của người dân vẫn còn, chưa bị thu hồi, cơ quan chức năng lại cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho người khác xây dựng nhà ở.

Đáng nói, khi PV liên hệ Ngân hàng Agribank (nơi được cho là đã nhận tiền đền bù của hộ ông Thoại, bà Phòng) thì được biết, số tiền hơn 1,2 tỷ đồng đã được đứng tên chủ tài khoản cá nhân ông Nguyễn Thanh Sơn- nguyên Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú. Tuy nhiên, số tiền này đến nay (sau 12 năm) người dân vẫn chưa được nhận.

Vào tháng 10/2008, ông Nguyễn Thanh Sơn đã thay mặt các hộ dân nhận tiền đền bù đất từ bà Vũ Kiều Nữ - Giám đốc Công ty Vũ Kiều. Sau đó, số tiền được nộp vào tài khoản mang tên ông Nguyễn Thanh Sơn.

Về việc này, ông Sơn giải thích sở dĩ tiền đền bù trong tài khoản của ông với tư cách là người đứng đầu xã (nay là phường) chứ không phải vì cá nhân. Lúc bấy giờ, vào ngày 28/12/2007 ông Đặng Văn Ba – Phó Chủ tịch huyện Thuận An (nay là TP Thuận An) đã ký quyết định thu hồi đất và giấy chứng nhận của ông Thoại, bà Phòng. Do các hộ dân không đến nhận tiền đền bù nên xã Vĩnh Phú nhận hộ. Sau đó, các hộ dân không đến lấy.

Tuy nhiên, ông Thoại, bà Phòng cho rằng họ không được thông báo về việc giao nhận tiền đền bù. Sau này biết tiền trong tài khoản của ông Sơn thì cũng không đến lấy vì giá đền bù quá thấp vì chỉ hơn 100 ngàn đồng/m2.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, bà Vũ Kiều Nữ - Giám đốc Công ty Vũ Kiều (chủ đầu tư KDC Vĩnh Phú I) khẳng định, vào năm 2007, chính quyền huyện Thuận An đã cưỡng chế thu hồi đất và phía doanh nghiệp đã thực hiện đền bù. Ông Nguyễn Thanh Sơn – nguyên Chủ tịch xã Vĩnh Phú là người nhận tiền thay các hộ dân. Do đó, doanh nghiệp không có lỗi trong việc này. Hiện, KDC Vĩnh Phú I đã hoàn thiện và được bàn giao cho địa phương.

Đáng nói, dù chủ đầu tư khẳng định đã có quyết định thu hồi đất, giấy chứng nhận cũ. Thế nhưng, trả lời bằng văn bản, bà Nguyễn Thị Ngọc Châu – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú, TP Thuận An lại khẳng định, qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại phường thì không tìm thấy tài liệu liên quan đến phường Vĩnh Phú bàn giao quyết định thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ Lê Minh Thoại và bà Mai Thị Phòng để thực hiện KDC Vĩnh Phú I.

Trả lời bằng văn bản cho phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, sau nhiều lần mời ông Thoại, bà Phòng đến thương lượng đền bù nhưng đều vắng mặt. Lúc đó, ông Nguyễn Thanh Sơn là đại diện chín quyền nhận hộ để trả lại cho người dân. Ông Tâm đồng thời khẳng định, vào năm 2007 đã có quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận cũ. Do đó, không có việc cấp chồng sổ.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.