Nhà hàng khách sạn trên nền móng yếu

Nhà hàng khách sạn trên nền móng yếu
TP - Một tòa nhà cao 7 tầng, giữa trung tâm TP Cần Thơ, cất nền móng rất yếu nhưng vẫn hoạt động kinh doanh nhà hàng khách sạn, đang gây bức xúc dư luận.

Tòa nhà số 63-65, đường Hùng Vương (Ninh Kiều, Cần Thơ) của bà Đặng Hồng Bé. Trước đây tòa nhà được xây 3 tầng, năm 2006 bà Bé xin phép cất lên 5 tầng, nhưng thực tế xây 7 tầng (cả chóp cầu thang) nên năm 2007 bị UBND quận Ninh Kiều phạt hành chính và “buộc bà Bé phải liên hệ cơ quan có chức năng, giám sát khả năng chịu lực móng của công trình”.

Thiết kế theo giấy phép, móng cọc nhồi đường kính 0,4 m, dài 50 m, nhưng bà Bé sử dụng móng cũ khi chồng thêm tầng. Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch xây dựng của Sở Xây dựng Cần Thơ kết luận “móng chịu lực hiện hữu công trình là dạng móng nông bê tông cốt thép, nền đất công trình gia cố cừ tràm” và tính toán được tải trọng nhà mới vượt khả năng chịu lực của móng cũ “quá lớn”.

Tòa nhà 63-65 khi được xây thêm tầng như vậy đã không đứng vững, làm hư hại nhiều nhà xung quanh. Rõ nhất là làm hư ngôi nhà số 61 kế cận của bà Đinh Thị Linh Sa mà TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm ngày 29-6-2011 đã tuyên buộc bà Bé phải bồi thường cho bà Sa tiền sửa chữa nhà hơn 297 triệu đồng.

Mặc dù có nền móng yếu, không ổn định, tòa nhà này vẫn được đưa vào hoạt động kinh doanh nhà hàng khách sạn. Ngày 15-8-2011, bà Bé đã được Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Trần Tiến Dũng ký cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Bà Bé cũng được cấp giấy phép kinh doanh.

Theo ông Tạ Chí Nhân, GĐ Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch xây dựng Cần Thơ, Bộ Xây dựng có thông tư quy định, các công trình có nguy cơ gây thảm họa (như khách sạn nhà hàng) phải có giấy chứng nhận an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng. Hơn nữa, quyết định phạt vi phạm hành chính bà Bé của UBND quận Ninh Kiều trước đây, cũng nêu: “Khi nào có kết quả của cơ quan chức năng giám định, xác nhận công trình đảm bảo an toàn, đủ khả năng chịu lực và ổn định thì mới được đưa công trình vào sử dụng”. Bà Bé chưa đáp ứng yêu cầu, mà được cấp quyền sử dụng là sai.

Lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều lại cho rằng, giấy chứng nhận cấp cho bà Bé chỉ là quyền về “nhà ở”, không phải cơ sở kinh doanh. Nhà xây sai phép đã bị phạt hành chính, khi hoàn thành phải cấp quyền sử dụng, còn không an toàn thì “bà Bé phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Cán bộ cấp phép kinh doanh giải thích, bà Bé có giấy chủ quyền nhà thì có quyền kinh doanh.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ nói, đây là một kẽ hở trong quản lý các công trình xây dựng kinh doanh hiện nay; lĩnh vực nhà, đất, kinh doanh do nhiều cơ quan quản lý mà chưa liên thông với nhau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.