Nhìn từ vụ tờ lịch “hồ Hoàn Kiếm”: Đừng vội cười SHB

Tờ lịch đăng sự tích hồ Hoàn Kiếm của ngân hàng SHB ngày 1/1//2014.
Tờ lịch đăng sự tích hồ Hoàn Kiếm của ngân hàng SHB ngày 1/1//2014.
Mấy ngày qua, các mạng xã hội trong nước xôn xao việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được cho đã “cải biên” quá đà sự tích hồ Hoàn Kiếm trên bộ lịch 2014 của ngân hàng này.

Khi liên hệ một nguồn tin từ SHB, thì được biết việc trích dẫn về sự tích Hồ Hoàn Kiếm trên tấm lịch là có thật. Tấm ảnh trên mạng hoàn toàn không phải sản phẩm có sự can thiệp, chỉnh sửa. Hiện SHB vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc.

Nguyên văn lời lược kể của SHB in trên tờ lịch ghi ngày 1/1/2014 như sau: “Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết Rùa Thần đòi gươm. Một lần nhà vua dạo chơi bằng thuyền trên hồ gặp một sinh vật là Rùa lớn nổi lên bơi về phía Ngài, bấy giờ Vua liền rút gươm ra để xua Rùa đi nơi khác, nhưng Rùa bất ngờ ngậm lấy thanh gươm rồi lặn xuống lòng hồ. Từ đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm”.

Ngay lập tức tấm ảnh chụp tờ lịch viết sai câu chuyện đã được lan truyền nhanh chóng. Có khá nhiều cư dân mạng đã bày tỏ thái độ chê trách, bức xúc, với lý do là trích dẫn này “sai lệch” với sự tích mà đông đảo mọi người đã được học trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, cũng đã có những góc nhìn khác, nhiều chiều hơn.

“Mình biết chắc chắn đây là đoạn trong Wikipedia về hồ Hoàn Kiếm (mới được edit lại nhưng track history hoặc google sẽ thấy cache). Sau đó đã được copy và lan tỏa ở hàng trăm website khác nhau. SHB cũng chỉ là một nạn nhân của copy-paste thôi (mà lại ở một nguồn có uy tín rất cao là Wikipedia)”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ EPI, một chuyên gia về nội dung số, phân tích trên trang mạng cá nhân.

Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Trần Quang Đức - tác giả cuốn “Ngàn năm mũ áo” - thì đưa ra những cứ liệu lịch sử từ tài liệu gốc qua các triều đại phong kiến xưa cho thấy, chế nhạo SHB trong vụ việc này có thể là một hành động vội vàng.

(Lê mạt) Sơn cư tạp thuật - Vật quái: “Hồ Gươm nằm ở phía Đông kinh thành, tương truyền buổi đầu thời Cao Hoàng đế (chỉ Lê Lợi), có con rùa to như cái lọng, nổi trên mặt nước, khấn yểm đều không khắc chế được. Cao Hoàng lấy kiếm chỉ vào nó, nó nghển cổ như ngóng nhìn. Cao Hoàng tức giận ném kiếm xuống hồ, con rùa liền lẩn đi. Vua sai tát cạn nước hồ, nhưng không thấy nó đâu, kiếm cũng chẳng biết ở nơi nào”.

(Lê mạt - Nguyễn sơ) Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án. Tang thương ngẫu lục - Hoàn Kiếm hồ: “Hồ Hoàn Kiếm ở Thăng Long nằm cạnh phường Báo Thiên, thông với nước sông, thế rất rộng lớn, là nơi Thái tổ hoàng đế triều trước bị rơi kiếm vậy.

Buổi đầu Thái tổ khởi nghĩa, được một thanh kiếm cổ, sau khi phục quốc hay dắt bên người. Một hôm du thuyền trên hồ, thấy con rùa lớn nổi lên mặt nước, bắn nó không trúng, lấy kiếm chỉ nó, kiếm rơi chìm xuống, rùa bỏ đi theo kiếm.

Vua nổi giận, sai bịt cửa hồ, xây đê tát nước, tìm vẫn không được. Đời sau nhân vết tích phân làm hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng”.

(Nguyễn trung kỳ) Đại Nam nhất thống chí - Hà Nội - Hoàn Kiếm hồ: “Hồ Hoàn Kiếm nằm ngoài cửa Đông Nam thành. Tương truyền Lê Thái Tổ du thuyền ở hồ này, có con rùa lớn nổi lên, (vua) dùng bảo kiếm chỉ nó, rùa ngậm kiếm mà chìm. Một thuyết khác nói rằng Lê Thái Tổ lúc đầu có được kiếm thần, ấn thần, bèn khởi binh, nhân đó truyền làm báu vật truyền đời.

Đến đêm Lê Thuần hoàng băng hà, kiếm thần, ấn thần đều mất. Người đời sau thấy chuôi kiếm nổi ở giữa hồ, phút chốc lại chìm xuống, nên mới đặt tên hồ Hoàn Kiếm”.

(Nguyễn mạt) Lê Dư. Hà Thành kim tích khảo - Hoàn Kiếm hồ: “Hồ Hoàn Kiếm nằm ngoài cửa Đông Nam, trong thành Đại La. Tương truyền Lê Thái Tổ du thuyền ở hồ này, có con rùa lớn nổi lên, (vua) dùng bảo kiếm chỉ nó, rùa ngậm kiếm mà chìm.

Một thuyết khác nói rằng Lê Thái Tổ lúc đầu có được kiếm thần, ấn thần, bèn khởi binh, nhân đó truyền làm báu vật truyền đời. Đến đêm Lê Thuần hoàng đế băng hà, kiếm thần, ấn thần đều mất.

Người đời sau thấy chuôi kiếm nổi ở giữa sông, một chốc lại chìm xuống, nên mới đặt tên hồ Hoàn Kiếm.

Từ vụ việc này, ông Đức bình luận: “Phương pháp dạy sử tốt hơn hết là cung cấp cho người học nhiều ý kiến, luận thuyết khác nhau, để người đọc tự suy ngẫm và thể nghiệm, thay vì áp đặt một quan điểm, một cách nghĩ, một thông tin do một số người chọn ra rồi tự cho là chuẩn mực. Truyền thuyết rùa hồ Gươm là ví dụ điển hình.

Trong trường hợp này, không có truyền thuyết nào đáng tin hơn truyền thuyết nào. Quan trọng là đừng vội cười nhạo những ý kiến khác với vốn hiểu biết thông thường của mình”. 

Hạnh Phúc

Theo Bizlive
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.