Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến

Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu
TPO - 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, đất nước đã qua 3 cuộc chiến tranh, tôi từ đứa trẻ lên 8 đã thành ông giáo già 78 tuổi, đã có ít nhất 40 lần giảng cho học trò lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ và thơ về ngày toàn quốc kháng chiến của các nhà thơ Chính Hữu, Trần Huyền Trân, Tố Hữu, Hoài Anh…

Đã 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Tôi vẫn nhớ như in chuyến đò dọc đưa mẹ tôi và 8 chị em tôi từ Hà Nội, qua sông Hồng, sông Ninh Cơ về quê tôi ở Hành Thiện, Xuân Trường, trước ngày toàn quốc kháng chiến.

Rồi đến năm 1947, quân y viện dã chiến về quê tôi, các dì tôi đã đến chăm sóc thương binh và thiếu niên nhi đồng chúng tôi vào hát cho các anh nghe. Vậy mà đã 70 năm, đất nước đã qua 3 cuộc chiến tranh, tôi từ đứa trẻ lên 8 đã thành ông giáo già 78 tuổi, đã có ít nhất 40 lần giảng cho học trò Lời kêu gọi khánh chiến của Bác Hồ và thơ về ngày toàn quốc kháng chiến của các nhà thơ Chính Hữu, Trần Huyền Trân, Tố Hữu, Hoài Anh…

Có một bài thơ Chính Hữu viết sau khi cùng Trung Đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội nhưng chính ông lại không đưa vào tuyển tập thơ vì sợ nó “tiểu tư sản” quá. Bài thơ có tên Ngày về như sau:

“Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu 
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội 
Bao giờ trở lại? 
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường 
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang 
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự 
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa 
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng 
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng 
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm 
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm 
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa 
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già 
Phơi nắng gió, với hoa ngàn cỏ dại 
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội 
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương 
Nguy nga sao cái buổi lên đường 
Súng chuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc 
A ha! nhà xiêu mái sập 
Xác oan cừu ngập lối chân đi 
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly 
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp 
Mịt mù khói ngợp 
Cờ máu huy hoàng 
Phất nắng 
Ôi bài chiến thắng reo vang.”

Đúng là nhiều từ cũ, hơi khoa trương, nhuốm chất yên hùng, nhưng lại thể hiện đúng cái khí thế quyết chiến, quyết thắng và chất lãng mạn hào sảng của tuổi trẻ Hà Nội lúc đó. Thơ mỗi một thời có dấu ấn văn hóa của nó. Thời đại, cuộc sống thay đổi, dấu ấn văn hóa cũ có thể mất đi, thay bằng một sắc màu văn hóa mới nhưng cái cốt lõi là lòng người, là bản chất tâm hồn nhân vật trữ tình thì vẫn nên lưu giữ, nên trân trọng.

Thực ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bắt đầu từ hơn 1 năm trước. Chỉ 28 ngày sau độc lập (25/9/1945), ngày 23/9/1945, Nam Bộ đã phải đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp núp sau quân Anh vào xâm lược nước ta một lần nữa. Miền Nam đi trước về sau là từ đó.

Và Tố Hữu, vừa viết xong bài Huế tháng Tám đã phải viết những vần thơ kêu gọi cùng với Miền Nam “Giết giặc”:

Máu Việt Nam đang chảy/ Đỏ đồng, ôi máu yêu!/ Miền Nam đang bốc cháy/ Đồng bào ôi lửa thiêu!/ …Đất ta, ta quyết giữ/ Một tấc cũng không nhường!/ Đây là giờ sinh tử/ Ta cần chi máu xương!...”

Không nghĩ đến nghệ thuật khi máu hận đã dâng trào và những lời hô giết giặc đã trở thành nghệ thuật, nghệ thuật của trái tim, cây súng và ngọn lửa.

Và không phải chỉ ở miền Nam, ở miền Bắc, nhiều nơi giặc đã gây hấn và chúng ta phải nổ súng mặc dù đã kiềm chế để chuẩn bị lực lượng. Đó là Hải Phòng. Giặc Pháp phá hiệp định sơ bộ, đánh chiếm nhà hát lớn, ga An Dương, và ta đã chiến đấu, đã tiêu thổ kháng chiến và cuộc chiến tranh vệ quốc mới khởi đầu, đã phác thảo những nét đậm, nét anh hùng của một cuộc chiến tranh nhân dân:

“Hải Phòng!

          Nảy lửa trong lòng Nhà Hát Lớn
Mười ba quyết tử quân cười hơn hớn 
Còn viên đạn cuối cùng

Đêm về 

vườn trống

 nhà không

Cây đổ hiện lên chiến sĩ

Gạch vụn hiện lên anh hùng

Cả quán Bà Mau, cả Cánh Gà, cả Hạ Lí

Cả những gái, Pháp kêu “đồ đĩ”

Cả chàng trai, Nhật gọi “lưu manh”

Cả những anh bấu xấu, voi xanh

Nửa đêm nay dao bầu, gậy bảy

Đi băm nát thời nô lệ ấy

Mình băng lên Đại lộ Hồ Chí Minh

Biết bao anh hùng liệt sĩ; vô danh”

Những người anh hùng ấy, những người dân thường Việt Nam, đã đứng lên vì đã quá hiểu cái thủa nô lệ ấy đến nước phải băm nát nó, thà chết chứ không chịu sống lại thời ấy, dù chỉ trong một phút

“Này đây:

 Phu phen cực khổ

 Ngủ với chuột,

                     ăn với ruồi

 Cha gục xuống,

                     đàn con bước nối

 Áo hở da,

                      cơm tưới mồ hôi…

Đời vớt nhau trong nước mắt rơi

Chồng lìa vợ giằng hơi cháo loãng

Mẹ bồng con đem bỏ “chợ giời”…

Vì thế họ đã xông lên như

          “Dòng Thái Bình xô ra biển rộng

          Dòng Thái Bình vọt sóng

          Dòng Thái Bình reo lên sức sống

          Tiếng ngàn xưa phi ngựa thúc voi”

Ngòi bút của nhà thơ lãng mạn Trần Huyền Trân, người từng đã cạn chén với Tản Đà bằng những câu thơ tuyệt phẩm của lòng đau “Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/ Rồi lên ta uống cùng nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”. Nhà thơ ấy đã vung bút lên như vung gươm vung súng và thét lên một tráng ca dài đầy hùng khí, kết hợp cả bút pháp hiện thực với bút pháp anh hùng ca, bút pháp tượng trưng, bút pháp cường điệu như nhiều loại vũ khí hợp đồng tác chiến, để lại dư vang dữ dội trong lòng người, trong lịch sử thơ ca, chưa từng được thấy:  

“Lửa! lửa!

          Lửa reo lửa thét

          …Lửa xuống cửa ga

          Xe tăng giẫy chết

          Lửa vào Cát Bi

Máy bay tan tành

Hải Phòng khu 7 tay ôm lửa

Một mái nhà thiêu một đạo binh”

19/12/1946 đã đi vào thơ thành những dòng sử ca trong thơ Tố Hữu, nhà thơ rất giỏi về làm sử bằng thơ:

“Một bước nhịn, bước sau cố nhịn
Giặc càng hung, còn nín được sao ?

Hỡi quốc dân ! Hỡi đồng bào !
Có gươm, có súng, có dao hãy dùng

Quyết kháng chiến đến cùng cứu nước !
Toàn dân trông phía trước tiến lên !
Nửa đêm vang tiếng lệnh truyền
Phố giăng chiến luỹ, đường xuyên chiến hào”

                                       (Ba mươi năm đời ta có Đảng)

Nhưng 19/12/1946, chỉ là một sự khởi đầu, khởi đầu cho cuộc trường chinh chiến đấu cả dân tộc, trước nhất là mở đầu cho cuộc “hành quân” của những người lính vệ quốc đã thành nội dung của bản trường ca của nhà thơ Khương Hữu Dụng, bài thơ có cái tên “Từ đêm 19” và có giọng điệu của thể “hành”:

                   “Đây cao vời vợi dốc ông Mạnh

                   Đây ầm ầm đổ thác không tên

                   Có suối chân hùm vừa để dấu

                   Có lùm cây vút tuyệt đường chim

               … Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

                   Lên đường chân lại nối theo chân

                   Đêm qua đầu chụm run bên đá

                   Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng”

Ngọn lửa của 19/12/1946 soi sáng cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng và cả mãi sau này nữa- công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, và hơn thế nữa cả công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng con người, như Chế Lan Viên từng viết:

                   “Ôi kháng chiến 10 năm như ngọn lửa

                   Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”

                                                         (Tiếng hát con tàu)

19/12/1946 mãi mãi đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi và trong thơ như một nguồn thi tứ không bao giờ cạn, có khi như một thi đề lịch sử mà chỉ sự tái hiện sự kiện đã có đủ chất thơ

Mấy năm sau hòa bình lập lại (1954), Hoài Anh còn viết được một bài thơ trữ tình lịch sử, vượt lên mọi bài sử ca để trở thành một bài thơ đi cùng năm tháng, một bài thơ vượt thời gian. Nhớ ngày Thủ Đô kháng chiến. Bên những câu thơ có tính tự sự tái hiện không khí toàn dân kháng chiến của Thủ Đô điển hình và sinh động, đã có những câu thơ khái quát bằng hình tượng trữ tình:

“Mặt nhựa nứt ra làm chiến hào/ Cát sông Hồng vào nâng cao chiến luỹ/ Mỗi con đường đều muốn thành chiến sĩ/ Kiêu hãnh mang thương tích trên mình…”

“Khi ngọn cỏ cũng vươn mình chống giặc/ Lòng mỗi người đều hóa chiến khu”. Bài thơ kết thúc bằng mấy câu thơ rất đời thường, có vẻ tưng tửng nhưng đã khái quát được một chân lí: Cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến đấu của toàn dân, của toàn Hà Nội để bảo vệ trái tim của Tổ quốc, trái tim của Việt Nam. Trái tim ấy ở trong mỗi người Việt Nam, mỗi người Hà Nội. Và vì thế mà chiến thắng như một lẽ đương nhiên

                   “Một người bạn tôi đã gặp trong đêm ấy

                   Ra phố mua một bao thuốc lá

Chín năm sau anh ấy mới trở về nhà

Ta mang 36 phố phường đi kháng chiến

Chín năm rừng lòng vẫn Thủ Đô” 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.