Nhọc nhằn giữ “lá phổi xanh” Đất Mũi

Nhọc nhằn giữ “lá phổi xanh” Đất Mũi
TP - Rừng phòng hộ Kiến Vàng rộng gần 10.000 ha, chạy dài hơn 40 km theo bờ biển qua hai xã Tân Ân và Tam Giang Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau). Trong lâm phần còn có hàng trăm hộ dân nghèo sống dựa vào rừng và biển, nên việc giữ “lá phổi xanh” nơi Đất Mũi khá nhọc nhằn.

HƠN 500 HA, TRÊN 300 HỘ, 3 KIỂM LÂM

Tiểu khu 125 là khu rừng xung yếu nhất của rừng phòng hộ Kiến Vàng, rộng trên 500 ha, chạy dài ven biển, ôm trọn cả 5 khu tái định cư đan xen trong rừng với trên 300 hộ dân di dời về từ những rừng phòng hộ khác. Người dân sống hoàn toàn dựa vào biển và rừng. Rồi còn hàng trăm hộ dân nghèo sống ở các xã, thị trấn bao quanh rừng.

Hằng năm, từ tháng Tư âm lịch đến tháng Chạp, các loài hải sản kéo về bãi bồi. Đó là mùa đánh bắt giống hải sản, sinh kế chính của hàng ngàn hộ dân nghèo sống rải rác trong và quanh rừng. Hết mùa con giống, họ lại len lỏi vào rừng tìm sâm đất, ốc len, ba khía… Tất cả tạo áp lực ghê gớm lên một tiểu khu chỉ có 3 kiểm lâm.

Theo Số liệu của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, năm 2013, dù đã giảm khoảng 50% so với năm 2012, vẫn có 10.410 m2 rừng bị chặt phá, nằm rải rác trên toàn lâm phần.

Ông Lê Hồng Lịnh, Tiểu khu trưởng, cho biết: “Tăng cường tuần tra, kiểm soát cỡ nào cũng không xuể, bởi ranh giới giữa người phá rừng và rừng quá mong manh, chỉ cách nhau con sông, con rạch nhỏ. Chúng tôi chỉ có 3 người với phương tiện là chiếc vỏ lãi dài 6,5 m, chạy máy 6 ngựa”. Đi dọc khu rừng trải dài hơn 40 km ven biển sình lầy, sóng vỗ ào ạt với hàng chục đường sông, rạch chằng chịt như mạng nhện đâm vào ruột khu rừng, thấy được phần nào sự mong manh của những người giữ rừng ở đây.

“Những khi mưa gió, vỏ lãi của chúng tôi vô phương tiếp cận bìa rừng ven biển. Còn bên trong ruột rừng khi thủy triều xuống, nhiều sông rạch cạn trơ đáy, không ghe xuồng nào đi được. Anh em tay không, gặp dân hiền lành thì thôi, chứ gặp những lâm tặc dữ dằn thì rất nguy hiểm”, ông Lịnh nói. Trước năm 2010, ở rừng phòng hộ Kiến Vàng từng xảy ra nhiều trường hợp đổ máu của người giữ rừng khi đối mặt lâm tặc. Có lần, kiểm lâm bị nhóm lâm tặc đông hơn tấn công, khống chế, lấy phương tiện, phải xắn quần chạy băng rừng nhiều cây số để thoát thân.

Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, nhiều năm nay, dù đã tăng cường tuần tra, kiểm soát gắt gao, nhưng năm nào rừng cũng bị người dân lén lút chặt phá. Đơn vị này đã dựng cọc bê-tông, cọc gỗ dày đặc chắn ngang lòng kinh, lòng rạch để ngăn xuồng ghe vào rừng nhưng vẫn chưa thể đóng cửa rừng. Bởi ngay trong ruột rừng, còn hơn 300 hộ dân được bố trí tái định cư.

ÁP LỰC DÂN SINH

Trong tháng Chạp này, không chỉ có dân địa phương mà dòng người khắp nơi cùng đổ về vùng ven biển khai thác giống thủy sản. Để tiện bề mưu sinh, nhiều người dựng chòi tạm ven rừng để đánh bắt qua mùa con giống. Mỗi chòi phải dùng đến hàng chục cây đước, cây mắm; mỗi hàng đăng cũng trên dưới chục cây. Khi cần, họ vào rừng phòng hộ ven biển đốn tỉa, rồi chở thẳng ra khơi sử dụng.

Điểm nóng của nạn phá rừng phòng hộ Kiến Vàng nằm ngay cửa Vàm Lũng, nơi mà vào mùa khai thác giống thủy sản, phương tiện của người dân địa phương và dân tứ xứ ra vào tấp nập.

Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực này, một bên rừng bị sóng biển đánh trôi, chỉ còn trơ trọi đất, một bên rừng còn phủ xanh, chạy dài, nhưng bìa rừng nhiều chỗ bị chặt loang lổ. Nhìn từ xa vào, rừng ở đây có rất nhiều tầng, lớp, chứng tỏ được trồng dặm lại qua nhiều năm liên tục.

Ông Huỳnh Văn Xê, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, nói: “Rừng sát biển, địa bàn sông nước hiểm trở, dân nghèo sống bám vào rừng và biển còn quá đông, lại còn được bố trí sống đan xen ngay trong rừng.

Đêm tối hay trời mưa gió, thời điểm lực lượng bảo vệ rừng khó tiếp cận địa bàn, người dân lén chặt vài cây rồi chở thẳng ra biển để làm cọc đăng, đáy rất khó kiểm soát…

“Vì người dân coi rừng là nồi cơm của họ, muốn bà con không phá rừng thì phải lo cho họ nồi cơm khác”. Như thế, giữ rừng ở đây cần trước hết là chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ, tạo sinh kế phù hợp hơn để người dân có cuộc sống ổn định, có cái ăn cái mặc, mới không phá rừng.

Mặt khác, cũng cần hạn chế dòng người di cư tự do. Ông Xê trăn trở: “Bởi người ta tới đây sống cần phải làm nhà, cần chất đốt, nếu không có tiền mua cây thì sẽ lén đốn cây rừng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG