Nhọc nhằn nghề xe đạp thồ

Nhọc nhằn nghề xe đạp thồ
TP - Xếp hàng của khách vào giỏ và khung trước, chờ khách ngồi lên xe và còng lưng đạp. Đó là hình ảnh quen thuộc của những người làm nghề xe đạp thồ trước cổng chợ Đông Ba (TP Huế).
Nhọc nhằn nghề xe đạp thồ ảnh 1
Nhọc nhằn đạp xe chở thuê

Họ chở từng mớ rau, mớ cá của những người “buôn thúng bán mẹt” và khách nghèo đi chợ. Những bánh xe len lỏi khắp mọi ngóc ngách phố phường.

Những bánh xe nhọc nhằn

6 giờ sáng, trời còn chìm trong sương lạnh. Chuyến xe chở trái cây đầu tiên về chợ Đông Ba thì những lão phu xe đã có mặt ở đó. Những chiếc xe đạp mang biển số xếp thành dãy thẳng hàng trước cổng chợ. Họ ngồi trên xe chờ khách gọi.

Chú Nguyễn Văn Thông bây giờ mới đến. Nhà ở Thủy Phương (Hương Thủy), cách thành phố hơn chục cây số, chú phải dậy từ 5 giờ sáng lọc cọc đạp xe lên chợ mà không kịp ăn sáng. Làm một ổ mì lót dạ, chú mới bắt đầu vào việc. Chú Thông nói: “Phải tranh thủ lên sớm chứ khách gọi mà mình không có thì mất mối như chơi”.

Các bà chủ bắt đầu nhận hàng. Như thường lệ, từng người vào chợ bốc và chở hàng cho khách. Ai cũng có mối quen của mình.Từng chiếc xe tỏa đi nhiều nơi. Hàng hóa chủ yếu là trái cây và hàng tạp hóa được chở đến các chợ Bến Ngự, Tây Lộc, chợ Dinh để bán lẻ.

Từ đây, những chiếc xe đạp thồ lại chở những người bán cá, bán rau gom hàng về chợ Đông Ba bán. Khoảng một tiếng sau từng người lần lượt đạp xe cùng với chậu cá, mẹt rau và người đi buôn vào chợ. Họ lại tập trung trước cổng chợ tiếp tục chờ khách.

Bên phía cổng phụ, cụ Lực và bác Thành đang ngồi chờ từ sáng mà vẫn chưa có mối nào cả. Đây là khu vực hoạt động theo phân công của họ nên không thể sang chỗ khác giành khách. Chú Bảo cũng chẳng khá gì hơn. “Sáng đến giờ vẫn chưa đi được chuyến nào”, chú rầu rĩ.

Chúng tôi đang hỏi chuyện thì có một người khách gọi chở hộp chén bát  xuống chợ Dinh. Chú vội vàng chạy vào. Sau khi trả giá xong, chú dắt xe vào và nịt hàng cẩn thận. Người phu xe dắt xe luồn qua dòng người đi lại, mua bán trước mấy cửa hàng.

Ra đến đường lớn, chú khom lưng nhấn mạnh bàn đạp. Chiếc xe hòa vào dòng người nhộn nhịp. Đến đoạn lên dốc qua cầu Gia Hội, chú Bảo xuống xe đẩy lên. Mồ hôi lấm tấm trên lưng áo dù trời còn lạnh. Lên khỏi cầu, lão phu “giải lao” một lát, rút  khăn lau những giọt mồ hôi trên mặt.

Chú dỡ chiếc mũ cối “phe phẩy” mấy cái và tiếp tục đạp. Chiếc xe lăn nhanh hơn. “Chừ cũng mệt bưa nhưng phải tranh thủ  về lại chợ đi thêm chuyến nữa rồi nghỉ trưa là vừa”.

Những người đạp xe thồ nghỉ trưa ngay tại chợ. Họ vào trong ăn đĩa cơm bụi rồi quay ra vừa nghỉ trưa vừa chờ khách. Dưới tán cây điệp, mấy lão phu chuyện trò đủ thứ để quên đi mệt nhọc. Bác Cừ than thở: “Chợ búa đìu hiu thế này thì lấy gì ăn”. Bên cạnh, cụ Lực giở đếm lại mấy đồng tiền lẻ.

Sau giờ nghỉ trưa, các phu xe lại trở về vị trí chờ khách. Chợ chiều khách lèo tèo. Chủ yếu là sinh viên và giới công chức tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi chợ mua sắm. Họ chẳng bao giờ đi xe đạp thồ. Người may mắn thì đi được một vài chuyến, số còn lại vẫn tiếp tục chờ.

Những khách quen của các lão phu cũng thưa thớt vì ế chợ. “Muộn lắm rồi nhưng chưa được mối nào. Cố gắng chờ thêm hi vọng có khách nào trễ chợ”, chú Thông thở dài. Những người đi chợ vội vã về với gia đình. Mấy người đạp xe vẫn luôn miệng mời khách...

Xe của người nghèo

Phần lớn những người làm nghề xe đạp thồ ở Huế đều là người già. Có vẻ vô lí bởi nghề này đòi hỏi có sức khỏe. Nhưng trong số những người đạp xe ở đây, có bốn người đã ngoài 70, số còn lại thì “trẻ” nhất cũng đã qua cái tuổi ngũ tuần. Ông Lực, ông Hòa đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề xe đạp thồ.

Ông Hoà nói: “Thanh niên có đứa mô làm nghề ni mô. Chúng dị mà”. Cũng có người đạp xe “cho” vui nhưng hầu hết đều vì miếng cơm manh áo. Chú Bảo nhà có năm người đều trông chờ vào vài chục ngàn cả ngày đạp xe. Nhiều tuổi, lại nghèo nên họ không thể tìm được việc khác đành chấp nhận làm cái nghề này.

Khách hàng của họ cũng phần lớn là những người nghèo. Đó là những người đi chợ kiếm ngày mấy đồng tiền lời và người đi chợ xa không có tiền thuê xe ôm. O Tâm (phường Phú Cát) sống đời vạn đò ngày nào cũng lên chợ Đông Ba bán từng mớ cá. Bạn của o là những người đạp xe thồ.

O chia sẻ: “Đi xe đạp thồ rẻ mà an toàn. Vả lại thấy mấy ông cũng tội...”. Bởi vậy mà xe đạp thồ được gọi là nghề của người nghèo: người đạp nghèo, người ngồi cũng nghèo.

Những năm gần đây, xe máy tràn lan nên nghề xe đạp thồ chẳng kiếm ăn được là bao. Bởi vậy cũng có người từ bỏ nghề đạp xe. Ông Hòa, người làm nghề này từ những năm 80 tâm sự: “Già rồi phải bám vào bánh xe kiếm ngày ít đồng. Cái nghề này khỏe thì chớ, đau là đói liền”. 

Cũng như ông Hoà, ông Lực đã nếm hết những vất vả và bạc bẽo của nghề xe đạp thồ. Ông kể về nghề của mình: “Cực đã đành nhiều người không hiểu, đạp vã mồ hôi mà họ còn cò kè từng đồng. Cũng phải chịu vì không muốn mất khách. Đó là chưa kể những khi làm mất hay vỡ đồ của người ta phải còng lưng mà đền”.

MỚI - NÓNG