Những 'bác sĩ' giao thông

Những 'bác sĩ' giao thông
TP - Không một đồng thù lao, lại còn bị nhiều người hiểu lầm là kẻ xấu, họ vẫn cần mẫn làm công việc cứu người trên những điểm đen tai nạn giao thông (TNGT).

Họ là Đội xe ôm SOS, luôn chốt trực và có mặt kịp thời sơ cứu người bị TNGT trên cung đường vào cửa ngõ TP Bắc Giang.

Đội xe ôm SOS TP Bắc Giang luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi xảy ra TNGT
Đội xe ôm SOS TP Bắc Giang luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi xảy ra TNGT .

Xe ôm SOS

Trên Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) có đội xe ôm được trang bị mũ bảo hiểm và một túi đồ nghề để sơ cấp cứu như bông, băng, gạc, thuốc sát trùng… Đó là Đội xe ôm sơ cấp cứu TP Bắc Giang.

Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Bắc Giang, cho biết, Đội thành lập tháng 3-2010, đến nay đã sơ cấp cứu thành công cho hàng chục trường hợp bị TNGT trên ngã ba giao cắt từ Quốc lộ 1A vào trung tâm TP Bắc Giang, không để xảy ra tình trạng chết người trên địa bàn được giao quản lý.

Đội có 8 người, độ tuổi trung bình 50 và được tuyển chọn khá kỹ, về sức khỏe, đạo đức. Đội hoạt động hai ca, mỗi ca 12 tiếng để bảo đảm tất cả trường hợp TNGT đều được sơ cấp cứu kịp thời.

Ông Cao Xuân Minh, Đội trưởng Đội xe ôm SOS, tâm sự: “Trước đây, chưa thành lập Đội, một số anh em xe ôm cũng vẫn làm công việc này mà không hề so đo, tính toán gì. Chúng tôi cũng không bao giờ trông chờ họ sẽ phải mang ơn mình hay hậu tạ bằng vật chất. Chỉ đơn giản, thấy người bị nạn là giúp thôi”.

Đội hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không thù lao, lương bổng, chỉ được Hội Chữ thập đỏ tài trợ dụng cụ, bông băng sơ cứu.

Ngoài 2 điểm xe ôm sơ cấp cứu lưu động, Bắc Giang còn thành lập các điểm sơ cấp cứu cố định tại những điểm đen giao thông trong tỉnh.

Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có 22 điểm sơ cấp cứu với gần 70 thành viên.

Các tình nguyện viên tham gia đều được chọn lọc kỹ lưỡng, sau đó được tập huấn các kỹ năng cơ bản để sơ cứu người bị tai nạn.

Tính đến tháng 7, sau gần 3 năm hoạt động, các điểm sơ cấp cứu này đã xử lý gần 700 trường hợp bị TNGT, chuyển đến các cơ sở y tế an toàn, cứu sống nhiều người, được các cơ sở y tế đánh giá cao.

Lòng tốt bị nghi ngờ

Ông Cao Xuân Minh vẫn nhớ như in câu chuyện về một người phụ nữ ở Thái Nguyên bị TNGT được ông đưa vào bệnh viện. Sau này ra viện, bà đến tận nơi cảm ơn và tha thiết mời ông về nhà để gia đình được hậu tạ.

“Bao giờ mình mới về được Thái Nguyên khi hằng ngày vẫn còn phải kiếm từng đồng nuôi vợ, nuôi con. Nhưng tôi rất vui vì đã có người nhớ đến công lao nhỏ nhoi ấy của mình. Đó chính là sự động viên lớn nhất đối với chúng tôi, còn quý hơn cả tiền bạc”, ông nói.

Nhưng cũng không ít lần, nhất là hồi đầu mới lập đội, ông Minh và đồng nghiệp khi đến hiện trường cấp cứu, gặp phải những ánh mắt dò xét, nghi ngờ của chính nạn nhân và người xung quanh.

Bởi thực tế, một số người cùng làm nghề xe ôm đã lợi dụng tai nạn để hôi của người bị nạn. Thấy tai nạn, họ cũng xúm xít vào tưởng rằng tận tình, chu đáo nhưng thực ra là tìm cách trộm ví tiền, thó điện thoại... Cũng có trường hợp đưa nạn nhân vào bệnh viện, rồi đòi người nhà trả số tiền cao hơn nhiều lần bình thường…

“Cây ngay không sợ chết đứng, mình làm việc tốt rồi họ sẽ hiểu. Bây giờ thì mọi người cũng biết đến hoạt động của đội nhiều hơn. Nên anh em làm nhiệm vụ cũng thuận tiện hơn”, ông Minh tâm sự.

Bà Lê Thị Minh Khánh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao những gì mà các chốt đã làm được trong thời gian qua, nhưng trang thiết bị còn quá thô sơ, thiếu thốn. Chúng tôi cũng không có kinh phí để bồi dưỡng, động viên họ.

Đây cũng là một công việc có nhiều rủi ro, nhưng đến nay họ cũng không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể để đề phòng những tai nạn có thể xảy đến với chính bản thân mình…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG