Những con đường 'đau khổ' ở Tây Nguyên

Đường vào bản Đoàn Kết đầy bùn nhão nhoét.
Đường vào bản Đoàn Kết đầy bùn nhão nhoét.
TP - Chúng tôi xuống buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Puk (Đắk Lắk) công tác trúng vào ngày mưa tầm tã, hỏi đường, người dân can ngăn: “Đường rất xấu, xe không quấn xích không vào được đâu”. Đánh liều đi tiếp chỉ khoảng 5 m thì đường trơn, dốc đã làm bánh xe trượt quay đầu, người ngã nhào. Trầy trật hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua đoạn đường chỉ 4 cây số.

Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1979, ở buôn Cư Yuốt) than thở: Hơn chục năm từ khi gia đình từ Quảng Ngãi vào lập nghiệp, chị đã phải “gắn bó” với con đường xấu xí. Để vượt qua được đoạn đường trơn hơn mỡ này, gia đình chị và các hộ dân khác phải quấn thêm xích vào bánh xe. Người lớn đi đã khó, trẻ em đi học càng khổ hơn. Phụ huynh phải đèo ngày 2-4 lần đưa con đến trường, lắm hôm trượt té ướt hết quần áo, sách vở. Nhiều phụ huynh đành gửi con về quê để tiện đi học. Chị Nguyễn Thị Tấm có 3 người con, hai đứa đầu cho về Hà Nội, đứa còn lại chị cũng tính cho lên thành phố học. “Đường như thế này là đỡ lắm rồi đấy. Mấy năm trước muốn đi là phải lội bùn tới đầu gối. Xin Nhà nước làm đường không được, dân tự góp tiền san ủi đi tạm nhưng chỉ được thời gian rồi lại đâu vào đó”.

Ông Nguyễn Xuân Việt, trưởng buôn Cư Yuốt cho biết buôn thành lập từ năm 2000 tới nay có hơn 204 hộ với 1.080 nhân khẩu, trong đó có 30% đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đường vào buôn có hai tuyến đường, một tuyến giáp với quốc lộ 29, tuyến còn lại là đường đất nhưng có tới 70% dân số sinh sống nên gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao thương. Mùa mưa, các phương tiện đi lại phải quấn xích mới đi được, còn không thì lội bộ. Người đau ốm, trở dạ đi không nổi thì dân dùng võng khiêng đi. Học sinh vào mùa mưa, đường lầy quá cũng ở nhà. Chính quyền nhiều lần nói có dự án làm đường nhưng dân chờ 10 năm qua vẫn không thấy.

Câu chuyện đau lòng khi đứa con trai đầu lòng của chị Lầu Thị Sáng (SN 1999, ở bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) bị chết ngạt trong bụng hồi tháng 8/2017 do chị không thể vượt qua đường bùn lầy để tới trạm y tế khiến nhiều người đau xót. Chị Sáng trở dạ sáng sớm ngày 6/8, được người nhà đưa lên trạm y tế xã để sinh nhưng vì đường quá lầy, cả xe máy lẫn xe cày đều không thể đi được nên chị đành quay về. Vừa tới nhà thì chị sinh nhưng con đã chết trong bụng mẹ.

Ông Hoàng Văn Cẩn, Bí thư chi bộ bản Đoàn Kết cho biết đây không phải là trường hợp duy nhất ở bản mất con do không kịp đến trạm y tế. Hằng năm ở bản có nhiều bệnh nhân nhất là trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi chết, một trong những nguyên nhân là do đường sá đi lại khó khăn, người dân ngại đi đến trạm mà chỉ dùng cây lá trong rừng. Từ bản Đoàn Kết ra đến trung tâm xã chỉ có 7 cây số nhưng vào mùa mưa phải mất tới 3 tiếng đồng hồ để đi bằng xe máy quấn xích, còn lội bộ thì mất nửa ngày trời. Toàn bản có 127 hộ, hơn 900 khẩu là người Mông di cư từ phía Bắc, sau đó chính quyền gom dân tập trung, cấp mỗi hộ 400 m2 đất ở, 1 ha đất rẫy, xây trường mầm non, nước, điện đầy đủ . Chỉ riêng con đường từ đầu đến cuối bản dài 4km thì bỏ ngỏ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.