Những mầm non dang dở

Những mầm non dang dở
TPO - Khoa nhi của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương mới được mở thêm vào sau tết 2010, một năm trôi qua, người ta hay bắt gặp những em bé đầu trọc lốc như "sọ dừa". Đó là các cháu bé bị ung thư đang được xạ trị hoặc truyền hóa chất nên tóc không mọc được.

Có bé vẫn đi lại cười đùa hồn nhiên như nhiều trẻ khác, nhưng cũng có bé trông rất mệt mỏi, chậm chạp- tùy vào diễn tiến bệnh tật và thể trạng của bé.

"Cháu muốn được viết, lâu rồi cháu không cầm bút"

Buổi sáng hôm đó, khi theo chân những thành viên câu lạc bộ Sen xanh phát quà cho những bé ung thư đang điều trị tại Viện. Đang đứng ở cửa phòng, một người đàn ông vẻ mặt thảng thốt bước vào, nhìn đứa bé trên giường đang ngủ ngon lành ông thở phào nhẹ nhõm. Khi tôi hỏi sao anh lại vội vàng như thế, người đàn ông tuy mới trạc 30 nhưng bề ngoài như đã gần 60 ấy nói qua tiếng thở: “ tôi thấy đông người vào phòng, tưởng có cháu nào trở bệnh, chỉ mong không phải con mình”. Một chút nhẹ nhõm thoáng qua trên khuôn mặt đau khổ của người cha tội nghiệp.

Nhìn xuống Thuyên, tuy mới nhập viện được từ tháng 08/2010 nhưng dường như căn bệnh ung thư máu quái ác đã vắt kiệt từng sức lực của đứa trẻ. Thuyên là một trong những trường hợp bệnh nặng nhất ở đây, gia đình nghèo khó, tiền bảo hiểm y tế tuy đã đỡ 20%, bệnh viện chi trả 80% còn lại nhưng những loại thuốc hỗ trợ sức khỏe khác, chi phí đi lại, ăn uống của cả gia đình cũng không phải món tiền nhỏ. Có một cháu duy nhất, hai anh chị đã bỏ nhà cửa, ruộng vườn, bỏ cả công ăn việc làm, từ Thái Bình lên Hà Nội mong có thể giành lấy cuộc sống mong manh cho đứa con.

Mệt mỏi, lo lắng quá sức, cả hai vợ chồng đều ngã bệnh, vừa tự điều trị cho bản thân vừa dồn sức chăm lo cho con, nhìn cái gia đình ấy, ai cũng thấy quặn đau. Hỏi đến Thuyên, cậu bé yếu ớt nhưng đôi mắt lanh lợi, Thuyên chỉ nói được ít từ nhưng là những gì cậu đang khát khao nhất: “Cháu muốn được viết. Lâu rồi cháu không cầm bút”.

Nhìn đôi mắt ngây thơ và đầy niềm tin ấy, mong rằng may mắn sẽ đến với gia đình họ dù chỉ bằng một phần nghìn hi vọng.

Tai họa không báo trước

Trước khi đến đây, tôi không ngờ lại có nhiều bệnh nhi đến vậy. Bác sĩ Mai Lan trưởng khoa nói với tôi: vốn khoa này là chữa trị cho người lớn nhưng do số lượng các cháu chuyển từ viện nhi, viện K đến đông nên viện huyết học mới thành lập một khoa nhi riêng để tiện chăm sóc các bé cho chu đáo và tập trung chuyên môn.

 
Những mầm non dang dở ảnh 1

Tôi chợt nhớ đến bé Nguyễn Đức Việt (5 tuổi). Đó là một cậu bé dễ thương. Trông đôi má bầu bĩnh, đôi mắt to thông minh chẳng ai nghĩ rằng bé đang bị bệnh. Mẹ cháu Việt kể: Lúc đầu, cháu bị nổi mụn nước như phỏng rạ, đi khám da liễu, bác sĩ nói là bị Viêm da tụ cầu và cho thuốc bôi. Sau hai tuần cháu khỏi bệnh vài ngày rồi lại tái phát. Cùng thời gian đó, chị Giang thấy con bị những vết bầm tím dưới da, chị nghĩ đơn giản là do cháu bị va đập vào đâu đó khi chạy nhảy chơi đùa... Chỉ đến khi phát hiện những vết bầm này khá nhiều, chị mới đến hỏi các bác sĩ. Sau đó, chị mang con đi thử máu và nhận được kết quả: bé bị giảm tiểu cầu. Chị mang cháu vào Khoa nhi Viện Huyết học truyền máu trung ương để điều trị.

Có khá nhiều cháu bé còn đang được ẵm ngửa, vậy mà cũng đã mắc những khối u gan, u thận hoặc ung thư máu. Bé Vũ Ngọc Mạnh bị u gan, con chị Trần Thị Hằng ở Thái Bình là một trường hợp như vậy. "Em phát hiện ra cháu bị u từ khi cháu được 7 tháng. Em sờ bụng cháu thấy nó khô khô...". Chị Hằng chỉ kể được hai câu, rồi nước mắt rơi lã chã vì tủi phận. Kể từ đó đến nay, gần một năm trời cha mẹ bỏ ruộng lên trông cháu trong viện. Các bé dưới 6 tuổi được miễn viện phí, nhưng với một gia đình ở nông thôn chỉ trông vào vài sào lúa làm thu nhập chính, thì việc lên thành phố, vào viện chăm sóc con, không còn nguồn thu thì chi phí cuộc sống và nuôi dưỡng cháu cũng không biết trông vào đâu...

Nếu phát hiện sớm, điều trị sẽ nhiều hy vọng hơn

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ung Bướu cho biết, những năm gần đây, trong khi số trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng có xu hướng giảm thì số bệnh nhi ung thư lại tăng lên. Về nguyên nhân số trẻ bị ung thư có chiều hướng gia tăng thì vẫn chưa có được một nghiên cứu cụ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng, ô nhiễm môi trường, việc sử dụng tùy tiện các hóa chất cũng là một trong các nguyên nhân.

 
Những mầm non dang dở ảnh 2

Tuy vậy, đối với ung thư ở trẻ em, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng các cháu sống sót và khỏi bệnh khá cao. Thực tế cũng có nhiều bệnh nhi đã được chữa khỏi ở Khoa Ung Bướu- Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng điều đáng buồn là ở Việt Nam phần lớn các trường hợp bệnh nhân không được phát hiện sớm nên tỷ lệ chữa khỏi bệnh thấp. Rất ít người quan tâm hiểu biết về triệu chứng của các bệnh ung thư ở trẻ em, nên khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở con mình, hầu như chẳng có cha mẹ nào nghĩ đến căn bệnh này.

Trẻ em thường mắc các bệnh bệnh bạch cầu cấp, bướu não, ung thư hạch (lymphôm), bướu nguyên bào võng mạc mắt, bướu nguyên bào thần kinh, sarcôm phần mềm, bướu gan, bướu buồng trứng… So với bệnh ung thư ở người lớn (thường gặp là ung thư phổi, gan, cổ tử cung, bao tử, đại trực tràng, vú, họng-miệng, da, buồng trứng, tuyến giáp, hạch…) thì bệnh ung thư ở trẻ em khác hẳn. Vì vậy các triệu chứng và xử lý cũng khác nhau. Theo các bác sĩ, trẻ bị ung thư thường có một số triệu chứng như: có khuynh hướng bầm hay chảy máu dưới da, xanh xao và mệt mỏi vô cớ (ung thư máu), có khối u hay một chỗ sưng bất thường ở bất kỳ vị trí nào như cổ, chung quanh mắt, vùng tai, đầu gối... (ung thư hạch, sarcom phần mềm), đau xương khớp kéo dài (u xương), nhức đầu tái đi tái lại, kèm nôn mửa, buồn nôn vào buổi sáng (u não), có đốm trắng ở tròng đen mắt (u nguyên bào võng mạc), sụt cân, sờ thấy cục to trong bụng (u ở ổ bụng)... Các bậc cha mẹ cần phải có kiến thức về lĩnh vực này để phát hiện sớm và đưa con đi chữa kịp thời nếu không may con mình bị mắc bệnh.

Trẻ em ung thư máu, cần lắm những dòng máu yêu thương

Ung thư ở trẻ em cũng như ở người lớn, có đến biết bao nhiêu dạng. Nhưng nhìn những đứa trẻ ung thư máu đang điều trị tại Viện huyết học truyền máu trung ương tôi mới thấy thật sự lo ngại. Bệnh lý liên quan đến máu nguy hiểm hơn tất thảy mọi bộ phận khác. Việc thay máu thường xuyên là một vấn đề nan giải với không chỉ gia đình các em nhỏ mà còn cho chính bệnh viện. Máu ở đâu? Tìm đâu ra những lượng máu an toàn cho trẻ em mà đủ nhiều để có thể duy trì sự sống và niềm hi vọng cho các bé.

Kinh phí lúc này không còn là vấn đề nữa, có một thứ không có gì thay thế được nếu không có lòng nhân đạo của những trái tim hồng. Đó là dòng máu. Máu không thể nhân tạo được, máu cũng là một phần thân thể của con người. Cho gì cũng cho được, nhưng cho đi một phần thân thể đâu phải ai cũng dám làm…

Cái nắng oi ả của mùa hè càng ngày càng gay gắt. Người lớn còn mệt nữa là với trẻ em. Những tấm thân gày gò, mệt mỏi chen chúc trong những khung giường hẹp. Những lần thiếu máu là mỗi lần sự sinh tử đấu tranh ác liệt, chỉ mong rằng trong những đợt hè này. Các em có thể nhận được nhiều dòng máu yêu thương của toàn xã hội. Để có thể tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ…

Quỹ hỗ trợ trẻ em ung thư, tại sao không?

Thạc sĩ Bùi Ngọc Lan xót xa khi nói với phóng viên rằng, mỗi tháng có tới 100-150 em bé tới khám bệnh, và chỉ có chừng 10% được nằm lại điều trị bởi đa số trẻ đều không được phát hiện kịp thời và chỉ được đưa tới bệnh viện khi đã quá muộn.

Trẻ em, sức chịu đựng kém nên khi truyền hoá chất vào người rất hay bị lở loét mồm miệng, chảy máu, nhiễm trùng, nhiễm độc thuốc... Trong khi các bệnh viện hiện tại quá thiếu những trang thiết bị hỗ trợ cho việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Muốn trị bệnh phải có những thiết bị chụp cộng hưởng từ, kết hợp phóng xạ, xét nghiệm sớm để phát hiện những khối u kích cỡ nhỏ. Đồng thời khi điều trị cũng đang rất thiếu những dụng cụ như tiêm máy để truyền hoá chất, nên hiện giờ các y tá vẫn phải tiêm truyền hóa chất cho các cháu bệnh nhân bằng tay.

Trẻ dưới 6 tuổi được miễn viện phí, đa số trẻ lớn hơn thì chữa bệnh nhờ vào bảo hiểm y tế... Những hóa chất không có trong danh mục thì gia đình các cháu phải mua. Gia đình nào có người ốm, lại phải cứu chữa rất dài kỳ như bệnh ung thư, đều trở nên nghèo túng. Nhất là những gia đình ở nông thôn, thu nhập thấp, khi con ốm phải có người đưa con lên thành phố chữa bệnh, thiếu đi người làm mà chi phí đi lại, ăn ở cũng tốn kém. Đa số bệnh nhân rất nghèo, nghèo đến nỗi có bé phải ăn mì tôm trong khi nằm bệnh viện!

Trên thực tế cũng đã có một vài trường hợp bệnh nhi được cứu sống nhờ bệnh viện đề nghị báo chí kêu gọi từ thiện: ủng hộ cho các cháu về vật chất, hiến máu để "thay máu" cho những trường hợp bị bạch cầu cấp, rồi động viên cha mẹ các cháu về tinh thần...

Nhưng nếu có một tổ chức nào đó đứng ra thành lập Quỹ ủng hộ bệnh nhi ung thư, sẽ huy động được sự quan tâm của mọi người, nhằm phát hiện sớm bệnh để tăng cơ may cứu chữa cho các bệnh nhân trẻ em, giúp đỡ những trẻ nghèo và nhờ đó sẽ có thêm nhiều bệnh nhi được cứu sống.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.