Những người báo Tết về

Trại dưỡng lão ở ngoại ô Paris (ảnh lớn); Tác giả (trái) đến thăm các cụ già người Việt ở trại dưỡng lão (ảnh nhỏ)
Trại dưỡng lão ở ngoại ô Paris (ảnh lớn); Tác giả (trái) đến thăm các cụ già người Việt ở trại dưỡng lão (ảnh nhỏ)
TP - Nhận được cú điện thoại từ một cụ bà ở trại dưỡng lão ngoại ô Paris nhờ đi chở bao gạo nếp 22 cân, tôi chợt nhận ra Tết sắp đến.

Gần 30 năm nay, khái niệm Tết đối với thế hệ chúng tôi đã nhạt nhòa vì bận bươn chải nơi xứ người, nhưng các cụ không bao giờ quên ngày đó.

Pháp có nhiều trung tâm dưỡng lão. Có nhiều trung tâm lớn nhỏ khác nhau ngay trong nội thành Paris nhưng chật chội, nên hiện nay xu hướng đưa về các ngoại ô. 

Không có trung tâm dưỡng lão nào dành riêng cho người Việt. Tuy nhiên, nhiều cụ già thường làm đơn xin đến sống ở nơi nào có nhiều người Việt và đều dễ dàng được tòa thị chính ở Pháp chấp nhận.

Không bao giờ quên ngày âm lịch

Các cụ trở thành cuốn lịch âm sống động nhắc nhở chúng tôi về ngày Tết cổ truyền. Các cụ sinh ra trong những gia đình nề nếp thời Pháp thuộc, sống ngoài Bắc đến 1954, di cư vào Nam. Chiến tranh đã đưa các cụ trôi giạt sang xứ người khi đã già, giờ đây có cụ đã 90 tuổi. Các cụ sang đoàn tụ gia đình mong hạnh phúc bên con cháu cuối đời, được quây quần ngày Tết. Nhưng nhiều cụ do hoàn cảnh đặc biệt, con cháu không có điều kiện trông nom phải vào trại dưỡng lão. 

Tòa thị chính hàng năm tổ chức bữa cơm tất niên và tặng quà các cụ. Nhưng các cụ luôn chạnh lòng nhớ Tết quê hương. Các cụ không có cảm giác năm mới theo lịch Tây (trừ vài gia đình theo công giáo). Để tạo điều kiện cho người già ra khỏi nhà, không bị cô đơn lạc lõng, chính quyền Pháp cấp cho các cụ giấy đi tàu xe miễn phí trong nước Pháp. Các cụ có thể đi thăm con cháu, bạn bè, vào phố khi trời đẹp.

Nhiều cụ không biết tiếng Tây, nỗi nhớ quê hương càng giày vò. Con cháu thương hiểu lòng cha mẹ, mua đặt hệ thống bắt kênh VTV4 (Đài truyền hình VN) để các cụ đỡ nhớ nhà. Trước không có chương trình này, các cụ nghe đài, đọc báo tiếng Việt. Khi còn khỏe mạnh, các cụ rủ nhau lên chùa để hàn huyên đón giao thừa. Các cụ luôn nhớ ngày âm dương để thắp hương, cúng rằm. Giờ đây các cụ hầu như ở tuổi trên 80, không còn khả năng đạp tuyết đi chùa, đi thăm con cháu vào dịp Tết. 

Những người báo Tết về ảnh 1

Bánh chưng do các cụ tự gói vào dịp Tết

Tết VN không bao giờ trùng với Tết dương lịch, con cháu ở xa không nghỉ phép vì vẫn đi học, đi làm. Năm nào Tết trùng vào ngày cuối tuần là cả một may mắn với người Việt xa xứ. Họ có thời gian để gặp nhau, về ghé thăm các cụ. Nếu không trùng vào ngày cuối tuần, người Việt rủ nhau đón Tết lệch ngày cả tuần, có khi cả tháng. Các cụ rảnh rỗi, nhiều thời gian.

Tết rơi vào ngày nào, các cụ làm lễ cúng tổ tiên đúng ngày đó, theo đúng giờ VN. Các cụ chủ động điện thoại tìm con cháu nhắc chúng Tết sắp đến, gọi xem đứa nào rảnh đến ăn cơm cùng các cụ. Cụ nào ở gần khu chợ châu Á, nỗi nhớ quê hương tưởng vợi, nhưng thực ra càng tăng mặc dù chợ bán hoa đào, mai, bánh chưng, mứt không thiếu gì như ở VN. Việc xuất nhập khẩu hàng Tết không khó khăn như thời các cụ vừa mới sang. Tuy nhiên, máy bay chẳng thể nào chở được không khí Tết quê hương, truyền hình không tải được cảm giác thật của ngày Tết, nỗi nhớ càng nặng trĩu.

Gói bánh chưng phát lộc

Bánh chưng bán ngoài cửa hàng cứng đơ đơ vì trời lạnh. Tết đến rồi, các cụ vẫn cô đơn trong các trại dưỡng lão. Để vơi nỗi nhớ, các cụ tự gói bánh chưng như thời ở VN, rồi vừa cùng làm, vừa hàn huyên ôn cũ kể mới. Các cụ luộc bánh bằng nồi áp suất. Có cụ gói tới 30 chiếc, rồi gọi con cháu, người quen đến chia cho như phát lộc xuân. 

Tôi ở gần trại dưỡng lão, thỉnh thoảng qua giúp các cụ chuyện giấy tờ nên được các cụ coi như con cháu. Tôi may mắn được hưởng cái ngọt ngào tình quê dù không còn cha mẹ, và sống cô đơn nơi xa xứ. Tình đồng hương đã xích con người lại gần nhau. Tết là ngày duy nhất để các cụ có dịp gặp người Việt qua những chiếc bánh chưng vừa ra nồi ép sơ sơ còn ấm, thơm phức. 

Dù gần 30 năm không được hưởng Tết VN, năm nào tôi cũng được nếm những bánh chưng nóng. Những chiếc bánh chưng gói một lớp lá dong, bọc thêm lớp giấy bóng nilon bên ngoài vì lá dong bên Tây rất đắt, dây ni lông đỏ thay lạt.

Những người phụ nữ tần tảo xưa đã sáng tạo những bánh chưng với vỏ nửa Tây nửa Ta, bánh chưng mở ra không đượm màu xanh thẫm của lá dong, không thơm vị lá dong, khi mở ra nghe tiếng xột xoạt của giấy bóng gói, nhưng đượm ấm hương tình đồng hương, dịu đi nỗi nhớ nhà.

Xa quê hương, lệch múi giờ, ngày mồng một các cụ không hy vọng chờ ai đến đầu tiên. Các cụ tính giờ để thắp hương cúng tổ tiên như ở VN. Giao thừa rơi vào ban ngày, con cháu đi làm, đi học như bình thường. Giờ đó có khi chính là lúc y tá vào phát thuốc, nhắc uống thuốc hay người dọn phòng vào lau chùi. Vì thế, các cụ không thể kiêng quét rác, hay kiêng nhắc đến bệnh tật vào ngày mồng một tết ta. Nỗi nhớ quê hương chỉ còn biết gói trong mấy cái bánh chưng và bày lên bàn thờ nhỏ.

Những người phụ nữ Việt tần tảo phải ly hương do chiến tranh, nhưng vẫn là sợi dây nối liền quê hương và nhắc nhở con cháu giữ tục lệ thờ cúng ông bà qua chiếc bánh chưng tự tay các cụ làm.

Các cụ chính là những người góp công làm sống lại Tết cổ truyền VN và tục thờ cúng tổ tiên nơi xa xứ. Giờ đây các cụ đã già, liệu lớp con cháu có còn theo gương các cụ được nữa không?

MỚI - NÓNG