Những người không có Tết

Những người không có Tết
TP - Theo chân các nhân viên Trung tâm Nhân đạo Hòa Bình (Ngõ 100 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), tôi về xã Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) một ngày giáp Tết, thăm và tặng quà một số nạn nhân chất độc da cam, được Trung tâm bảo trợ trọn đời.
Những người không có Tết ảnh 1
Em không còn sợ nữa! - Ảnh: P.N.B

Bí thư Đảng ủy xã Trung An - Phùng Văn Thịnh cho biết, xã có hơn 30 người nhiễm chất độc da cam thì hầu hết là bộ đội, TNXP và con của họ.

Phạm Văn Bình (SN 1986, con cựu binh Phạm Văn Hùng) đang sống cùng bố mẹ tại thôn Lang Trung, bị bại não từ khi mới sinh. Mất tám năm điều trị Bình mới ngẩng cổ lên được, nhưng chỉ nằm một chỗ, thỉnh thoảng ồ ề xin ăn uống chứ không giao tiếp được gì khác.

Nguyễn Thị Mai, thôn Bồn, SN 1982; nằm liệt giường từ nhỏ và bị mất cảm giác, ngã chảy máu hay nước sôi hắt vào người cũng không biết đau. Chỉ nằm và nằm. Nhiều bữa, chưa kịp nấu cháo, bố mẹ phải mớm cơm cho ăn, vì Mai không chịu nhai. Mai rất ít ngủ và hay co giật, vật vã, khiến cả nhà nhiều đêm phải thức theo.

Nguyễn Thị Huế cùng thôn, ba mấy tuổi rồi, chân tay khỏe nhưng đầu  không học được chữ, được chỉ việc dễ mấy cũng chuội ngay, nên không thể đi đâu, làm gì. Ngày ngày vật vờ như cái bóng; không cười, không nói; thấy đông người đến thăm cũng sợ hãi nép vào bên mẹ.

Những gia đình có người nhiễm chất độc da cam thế này không mấy khi có Tết vui, và có vui cũng không lâu. Tiền trợ cấp khó đủ ăn hằng ngày, nói gì sắm Tết.

Ông Hùng, bố của Bình vừa lau mặt cho con vừa đỏ hoe tròng mắt: “Tuổi trẻ tôi gửi hết nơi chiến trường, lại bị nhiễm độc da cam, nay ốm mai đau. Nhưng may còn đi lại bình thường, vừa làm được việc nhẹ vừa chăm nuôi con. Chỉ thương thằng bé chưa bao giờ biết Tết, chưa bao giờ được ra ngõ chơi. Lần nào được ra ngõ đều là đi chữa bệnh).

Trung tâm Nhân đạo Hòa Bình (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) do một số cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh tự nguyện sáng lập, không xin kinh phí nhà nước, chuyên giúp đỡ các em khuyết tật, mồ côi, con em gia đình đặc biệt khó khăn.

Trung tâm đã hoạt động gần hai năm, đang nuôi dưỡng hơn trăm em đến từ nhiều địa phương. 30 em được nuôi, học văn hóa, học nghề, chữa bệnh tại Trung tâm; 85 em được bảo trợ tại nhà. Đặc biệt 25 em nhiễm chất độc da cam được bảo trợ trọn đời.

MỚI - NÓNG