Những tết tha hương

Người Việt đi chợ mua hàng đón tết Việt Nam tại Đức
Người Việt đi chợ mua hàng đón tết Việt Nam tại Đức
TP - Tết năm nào tôi cũng nghĩ đây là một Tết tha hương cuối cùng và tự an ủi: “Thôi, chịu khó năm nay, sang năm về nhà ăn Tết. Tết ở quê hương có Thủy Tiên, hoa Đào, hoa Mai và nhất là có mẹ già...”.

Nhưng hết năm này đến năm khác, mấy chục năm qua, không những vẫn Tết tha hương mà lại còn biến thành Tết lưu vong, và mẹ thì cố nhiên là không còn nữa!
Năm nào cũng như năm nào, Tết ở đâu cũng cô đơn, dù tôi có xê dịch hay ở yên một chỗ, ăn Tết ở nhà mình, ở nhà người, một mình, hai mình, nơi đông đảo hay vắng vẻ. Và lắm khi càng đông người càng cảm thấy cô đơn hơn.

TẾT LUÂN ĐÔN

Chỉ sống trong những nước Á Đông mới thấy nhiều màu sắc Tết. Ở các nước Âu Châu, nhất là những nơi người Á còn thưa thớt và sống rải rác, người ta phải tự nhắc nhở để nhớ ngày Tết, vì mồng một Tết ai cũng phải đi làm. Nhưng dù có quên Tết, dù có ăn Tết không long trọng, ai cũng cố làm một cái gì khác thường, và nếu không làm được cái gì cụ thể thì cái buồn vương vấn nhớ nhung nó làm cho thành khác thường.

Đêm giao thừa cũng như những đêm khác. Khi không sống chung với những người quê hương, thấy mình lạc lõng, bơ vơ kinh khủng. Tôi thèm thuồng được nói chuyện với một tri kỷ quê hương để chia sẻ cái cảm giác Tết quê người. Những tri kỷ ngoại quốc, chỉ “tri kỷ” đến một cái mức độ phổ thông tầm thường nào đấy thôi. Khi tiếng ngân của cây đàn tâm hồn lên cao đến tuyệt đỉnh thì thấy các ông bạn tri kỷ ngoại quốc chơi vơi ở đằng xa tít mù đến thê thảm. Tôi nhớ đến chuyện ông bạn lão tiền bối kể lại hồi ở Hương Cảng: “Mình cao hứng, rung đùi ngâm mấy câu Kiều, tự cho là hay vô cùng, thì bà vợ Thượng Hải rít lên: Ông rên rỉ gì thế? Ốm đấy à? Thế là cụt cả hứng!”.

Tết này, dù có hai mình, mà tôi cũng vẫn ngồi nhìn lò sưởi có một mình. Trong trí tôi phác họa một viễn ảnh khác. Mai đây, lại khăn gói lên đường, lại ra đi với một tương lai mù mịt. Lần này, tôi phải nghiến răng, cắn môi, cố thu lấy hết tất cả can đảm để đi đến cái tương lai mù mịt ấy, vì không phải tôi chỉ đi có một mình mà còn đeo thêm hai đứa con thơ.
Những tết tha hương ảnh 1 Tết xa nhà
Những tết tha hương ảnh 2

Những điểm vui chơi mùa giáng sinh

Những tết tha hương ảnh 3

Bánh chưng bán ở chợ Việt cho người Việt ở Đức đón tết (ảnh lớn). Người Việt luộc bánh chưng đón tết ở Đức (ảnh nhỏ)

Những tết tha hương ảnh 4
 

TẾT MỸ

Tôi ăn Tết đầu tiên ở Mỹ với “bà cô các cháu”. Bà chị sang Mỹ từ lâu. Chồng chết, bà sống một mình trong tòa nhà hai tầng. Tầng trên đẹp đẽ sang trọng; tầng dưới - hay đúng hơn là nhà hầm - có một phòng tắm, chỗ để máy giặt máy sấy, một cái tủ lạnh thứ hai để đồ ăn tích trữ và một cái giường cũ.

Tôi phải tha hai con đến nhà bà trong bước đầu tiên để chờ thẻ di trú, và cũng để cho phải phép. Mình đến cũng chả ai hoan nghênh, nhưng nếu không đến trước thì sẽ bị giận suốt đời.

Sau bữa cơm Tết đúng nghi thức, bà lùa ba mẹ con xuống phòng dưới ngủ. Phòng sát mặt đất, sàn xi-măng, lại không có sưởi, nên lạnh buốt. Tôi không ngủ được, lên cầu thang định tìm nước nóng uống thì cửa cầu thang đã khóa trái lại bên trên. Định mở tủ lạnh xem có gì uống được không, thì vừa nhìn đến, tôi bỗng ngẩn người ra.

Cái tủ lạnh, lúc chiều hai con bé tò mò mở ra xem, tôi nhìn thoáng thấy bên trong đầy một tủ đào. Có lẽ bà chị mua sỉ nguyên cả thùng nên để dưới này cho khỏi chật tủ trên. Bây giờ, tôi thấy một sợi dây xích to bằng ngón chân cái buộc quanh, lại có khóa xích lại ở cửa tủ cẩn thận. 

Tôi không thể nhịn được cười, nghĩ thầm đến cuốn sách tên là “Một Nghìn Lẻ Một Cách Làm Nhục Kẻ Khác”. Nếu sách này tái bản, tôi xin ghi thêm cái mục xích khóa tủ lạnh khi có bà con đến thăm và ở lại.
Hai con bé ôm nhau nằm co quắp ngủ say. Tôi không biết làm gì cho bớt lạnh, dậy sắp hành lý để ngày mai tha con về miền Cali; ngày mai, tôi sẽ từ giã bà chị cô đơn, từ giã mưa rét Seattle, từ giã cái tủ lạnh có sợi xích sắt to tổ bố. Tôi tự dặn mình sẽ tìm nơi có nắng ấm, ít nhất là dù có đói cũng không đến nỗi rét.

LẠI TẾT MỸ

17 cái Tết ở đất Mỹ; 17 năm làm thân con kiến để có kết quả ngày nay: tấm ngân phiếu dưỡng lão. Cái phần thưởng suốt mấy chục năm làm ngày làm đêm, lao tâm khổ lực để sửa soạn cho tuổi già.

Người con gái bướng bỉnh, gan lì bạt mạng ngày xưa, bây giờ ngồi chờ lãnh lương hưu! Tôi chỉ thành công ở một điểm: không phải là một gánh nặng cho gia đình hay xã hội.
Những bạn bè ngày xưa còn ai? Hùng, bạn thân đã quá sớm được các bạn tế bài “Chiêu Hồn Tử Sĩ”. Một số bạn khác biệt tích. Còn lại một số khi gặp lại thì người nào cũng è lưng ra gánh đầy mấy gánh thê nhi...

Tôi không làm được gì hết, nhưng có ai làm được gì không? 
Tôi đã lăn vào canh bạc đời một thân một mình; giờ đây, canh bạc gần tàn, bước ra, cũng một thân một mình, với nhiều vết thương thăng trầm chí mạng và không ít bẽ bàng.

Bây giờ có ai hỏi tôi, nếu còn cơ hội làm lại cuộc đời, tôi sẽ thay đổi như thế nào, tôi đã có sẵn câu trả lời:
- Nếu được làm lại thuở còn cha mẹ, tôi sẽ không làm cho người đau lòng như tôi đã làm.
- Nếu được làm lại thời xuân còn xanh thì tôi sẽ liều hơn, sẽ sống cho trái tim nhiều hơn một chút, không để cho phần lý trí quá mạnh xía vào làm hỏng cả việc lớn.
- Nếu được làm lại khi con còn thơ bé, tôi sẽ làm việc ít hơn, để có nhiều thì giờ chia sẻ với con lúc chúng nó cần tôi nhất. Tôi sẽ không từ chối đánh cờ, bát phố với chúng nó, vì chỉ một thời gian rất ngắn, những đứa bé ấy sẽ lớn lên với vết hận được cha mẹ ấp yêu chưa đủ.

Chỉ có một điểm, giá được sống lại thời gian ấy, thì tôi cũng sẽ làm lại y như thế chứ không thay đổi gì cả, đó là quãng đời phiêu lưu, chạy vắt giò lên cổ, bữa đói bữa no mà thực có ý nghĩa và thú vị vô cùng. Và hơn nữa, cả đến bây giờ, nếu Hùng còn sống, thì tôi cũng sẵn sàng vứt bỏ hết theo anh, dù ở chân trời góc biển nào...

Tết San Diego năm nay lại chỉ là một Tết tha hương cô đơn như tất cả những Tết tha hương cô đơn khác. Cô đơn một mình và càng cô đơn hơn trong những lúc ở chỗ đông người. 
Có khác chăng, là tôi không cần phải có, dù chỉ tấm màn mỏng để làm biên giới. Tôi chỉ ngước mắt nhìn ra xa, trong một thoáng giây, là tôi có thể lẫn vào vùng ảo ảnh tâm linh khác, cách biệt hẳn với tất cả mọi người; hồn tôi đã tách riêng ra ở bên kia thế giới vô hình. 

Nhà văn Linh Bảo, tên thật Võ Tá Diệu Viên, sinh năm 1926 ở Huế. Bà là con gái Thượng thư Võ Chuẩn, Triều đình nhà Nguyễn. Nhà văn Linh Bảo du học từ nhỏ, bà là cây bút nữ có nhiều tác phẩm được chú ý ở Miền Nam những năm 50-60 của thế kỷ trước: Chiếc áo nhung lam-1953; Gió bấc-1953; Những đêm mưa-1961; Con chồn tinh quái-1967; Những cánh diều-1971… Truyện dài Những đêm mưa, vừa được NXB Hội Nhà văn in lại trong tập “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” cùng hai em gái là Võ Tá Băng Thanh và Minh Đức Hoài Trinh. Bà hiện sống cùng các con ở California, Mỹ. 

Những tết tha hương  được trích từ bài ký dài cùng tên, được nhà văn Linh Bảo gửi cho Tiền Phong số tết đặc biệt 2020. Tác phẩm ra đời năm 1979, khi bút lực Linh Bảo dồi dào, sung sức. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.