Nơm nớp trong những tòa nhà nghiêng (kỳ 1):

Những tòa nhà nguy cơ sụp đổ ở Thủ đô

Khu tập thể C8 Giảng Võ Ảnh: P.V
Khu tập thể C8 Giảng Võ Ảnh: P.V
TP - Hà Nội hiện có nhiều khu tập thể xuống cấp trầm trọng, được xác định có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Các cơ quan chức năng nhiều lần vận động, lên phương án di dời, nhưng hàng trăm hộ dân vẫn bất chấp, tiếp tục sống trong nguy hiểm, chật chội, mòn mỏi. Cuộc sống của họ chất chứa những uẩn ức và đương nhiên, họ luôn mong muốn về một tương lai tốt đẹp hơn.

Tọa lạc trên địa bàn quận Ba Đình, bốn khu tập thể Bộ Tư pháp, C8 Giảng Võ, nhà A Ngọc Khánh và G6A Thành Công đều được xây dựng cách đây hơn 30 năm, có từ 2 đến 3 đơn nguyên. Từ lâu, một số đơn nguyên tại 4 khu tập thể trên được đánh giá mức D (mức nguy hiểm có nguy có sụp đổ) nhưng đến nay vẫn chưa thể đi dời hết người dân tại đây để xây mới…

Bất chấp nguy hiểm, bám trụ mưu sinh

Chúng tôi đến khu tập thể (KTT) Bộ Tư pháp (phường Cống Vị) vào một ngày nắng nóng gay gắt. KTT này có 3 đơn nguyên thì đơn nguyên 1 và 3 bị lún, nghiêng tách rời khỏi đơn nguyên 2, tạo nên khoảng trống, phía dưới rộng bằng gang tay, càng lên cao, càng tách ra xa. Tại cầu thang 1 và 3, chiếu nghỉ hay khu vực áp trần đều xuất hiện nhiều vết nứt. Lo sợ tòa nhà bị sập, các hộ dân ở đơn nguyên 1 và 3 đã dời đến nơi khác, các căn hộ hầu hết được niêm phong.

Tại đơn nguyên 2 của KTT, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nhung, một cư dân sống tại tầng 3. Chị Nhung chia sẻ, sau khi các hộ dân ở đơn nguyên 1 và 3 rời đi, gia đình chị cũng có nguyện vọng đến nơi ở mới vì ở đây cũng “rất khổ”. Tuy nhiên, do nằm ở giữa, quá trình xuống cấp không nhanh như 2 đơn nguyên kia, cộng thêm cơ quan chức năng chưa sắp xếp được khu tạm cư nên các hộ dân đơn nguyên 2 vẫn phải chờ.

Rời KTT Bộ Tư pháp, chúng tôi tới KTT C8 Giảng Võ. Nằm cạnh các tòa nhà khang trang, hiện đại như C7 Giảng Võ, khách sạn Hà Nội…, KTT C8 Giảng Võ càng lộ vẻ cũ nát, xập xệ. Qua thời gian sử dụng, việc nhiều gia đình tự cơi nới, làm “chuồng cọp”… khiến KTT C8 bị lún, 3 đơn nguyên tách rời nhau tạo nên những khe hở rộng cỡ gang tay. Dọc cầu thang các tầng, tường bong tróc với nhiều vết nứt, một số thanh dầm lộ cốt sắt bên trong... Do bị lệch lẫn lún khiến các liên kết tại khu vực cầu thang bị ảnh hưởng, phải dùng các thanh sắt cỡ lớn ghép thành khung để chống đỡ.

Những tòa nhà nguy cơ sụp đổ ở Thủ đô ảnh 1 Ông Nguyễn Huy Tuấn tư lự trong căn hộ của gia đình  Ảnh: P.V
Trên lan can đơn nguyên 3 của KTT C8 Giảng Võ, UBND phường Giảng Võ treo tấm biển với nội dung “Nhà có nguy cơ sụp đổ”, nghiêm cấm buôn bán và người dân cần di dời khẩn cấp để “đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản”. Dù vậy, bên trong, nhiều hộ dân vẫn bám trụ tại đây. Bà Nguyễn Thị Bích, một cư dân cho biết, dù KTT xuống cấp, nhà chật chội, nhưng hai vợ chồng bà vẫn phải bám trụ để bán thêm hàng nước mới đủ sống. “Nếu KTT xây lại, chúng tôi vẫn chưa rõ ai là chủ đầu tư, bao giờ mới xây, xây trong bao lâu, bao giờ được quay lại...? Trong khi đó, nếu chuyển đến nơi tạm cư không buôn bán được gì, chi phí lại phát sinh nên chúng tôi chưa muốn đi”, bà Bích nói. 

Cạnh cầu thang 3 KTT C8 Giảng Võ là quầy hàng tạp hóa xập xệ của hai mẹ con chị Ngân. Bà Bích và một số hộ dân cho biết, chị Ngân từng chuyển đến nơi tạm cư (Lô E, Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, nơi mà chúng tôi sẽ nêu ở các bài sau - PV) nhưng vì mưu sinh nên chị phải trở về thuê nhà hàng xóm để buôn bán nhỏ. Hàng quán không quá đông khách, nhưng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ngôi nhà thuê chật hẹp lại chất đầy đồ đạc nên chị Ngân phải dựng thêm ô ở ngoài vỉa hè, tận dụng khoảng không để sinh hoạt, nấu ăn.

Nhà nghiêng, nước rỉ chứ không phải sắp sập!

Cũng giống như KTT C8 Giảng Võ, tại đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, UBND phường Ngọc Khánh dựng rất nhiều biển có nội dung thông báo về mức độ nguy hiểm cấp độ D (cấp độ cao nhất) của tòa nhà. Chính quyền yêu cầu người dân sớm di dời khẩn cấp, dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ngoài biển thông báo, cơ quan chức năng còn dựng hàng rào sắt quây luôn phần sân của KTT khiến nhiều hàng quán ở tầng 1 không tận dụng được diện tích trống để kinh doanh nên phải đóng cửa, chuyển địa điểm mới. 

Tiếp phóng viên trong căn phòng rộng chừng 10 m2 của căn hộ chỉ vỏn vẹn 19 m2, ông Nguyễn Quốc Trí, một cư dân đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh cho biết, căn phòng này có quá nhiều chức năng, là nơi thờ tự, tiếp khách, sinh hoạt, ăn uống và ngủ nghỉ. Ông Trí tâm sự: “Nhà cửa chật chội với 4 nhân khẩu, nhưng đến chỗ ở mới sẽ phát sinh nhiều khoản chi tiêu. Lương của hai vợ chồng về hưu chỉ được khoảng 4 triệu, trong khi vợ tôi phải chữa bệnh nặng hơn 10 năm nay, cuộc sống rất thiếu thốn. Do nhà nằm ở chỗ lún nên việc sinh hoạt của gia đình cũng bị ảnh hưởng. Biết ở lại cũng nguy hiểm, song cơ quan chức năng chưa có cam kết rõ ràng nên gia đình vẫn sống tại đây”.

Chúng tôi được ông Trí dẫn lên tầng 3, vào căn hộ gia đình ông Nguyễn Huy Tuấn (81 tuổi) đang sinh sống. Căn hộ của ông Tuấn nằm ở cuối hành lang, tường bên ngoài cũ kỹ, bong tróc. Do nhà ở chật hẹp, gia đình ông phải cơi nới thêm để tạo ra căn phòng nhỏ làm nơi học tập cho các cháu. Buổi tối, ông Tuấn ngủ tại đây vì phòng kê được một cái giường nhỏ, còn hai cháu chuyển ra phòng khách ngủ. “Ở đây khổ lắm, các hộ dân trên tầng 5 còn phải quây thêm tôn để chống nắng mưa. Mùa hè thì nóng nực, ngày mưa nước thấm qua trần nhà dột xuống. Nhà bị nghiêng, nước cứ rỉ theo dòng, các nhà ở tầng 3 cũng bị dột. Nhiều hôm mưa tạnh, nhưng vì nước ngấm nên vẫn rỉ mãi mới dừng”, ông Tuấn cho biết.

Bị đánh giá cấp độ D từ năm 2015, nhưng nhiều cư dân đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh đề nghị được kiểm định lại. Tháng 1 năm nay, sau khi kiểm định lại, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) xác định đơn nguyên 1 khu nhà này vẫn ở mức D, không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường. Dù vậy, nhiều hộ dân nơi đây vẫn đề nghị các cơ quan chức năng cần công bố rõ ràng về quy hoạch, lộ trình xây dựng, thời gian nhận lại nhà… thì họ mới đồng ý chuyển đi.

(Còn nữa)

Ngày 4/9/2013, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định (số 5374) tổ chức di chuyển các hộ gia đình, cá nhân tại đơn nguyên 3 KTT C8 Giảng Võ. Ngày 25/4/2016, UBND thành phố Hà Nội có quyết định (số 2000) về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, sử dụng tại đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A Thành Công; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1 và 3 tập thể Bộ Tư pháp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

MỚI - NÓNG