Nỗi niềm tái định cư

Nỗi niềm tái định cư
TP - Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ huyện thị đến thành phố có rất nhiều khu vực phát triển khu công nghiệp, các dự án xây dựng lớn. Nhiều diện tích đất bị thu hồi, hàng ngàn hộ dân bị thu hồi đất và phải được bố trí tái định cư theo quy định.

Thế nhưng, trên thực tế chính sách tái định cư vẫn chưa thể đem lại sự an cư cho dân.

Nỗi niềm tái định cư ảnh 1
Khu tạm cư ở Phường Bửu Long (TP Biên Hòa - Đồng Nai) - Ảnh: Đức Minh

Nơi thừa đất dự án, thiếu đất tái định cư

Theo thống kê của UBND TP.Biên Hòa, hiện nay trên địa bàn thành phố có 148 dự án. Để thực hiện các dự án này, thành phố cần giải quyết tái định cư cho 6.564 hộ. Thế nhưng, cho đến nay, mới có 1.877 hộ được xét tái định cư và mới chỉ bố trí tái định cư cho 679 hộ, còn lại 271 hộ sống tạm cư.  

Trong căn nhà tạm cư nóng hầm hập ở khu dân cư Bửu Long, bà Huỳnh Kim Huê (78 tuổi) không nhớ rõ mình đã về sống tạm cư bao nhiêu năm. Bà chỉ nhớ trước đây, bà có một căn nhà và hơn 200m2 đất ở khu Bình Thiền (phường Bửu Long) sau đó nhà nước quy hoạch khu dân cư, gia đình bà bị giải tỏa trắng, nhận được mấy chục triệu đồng và được đưa vào danh sách cấp đất tái định cư.

Nỗi niềm tái định cư ảnh 2
Bà Huỳnh Kim Huê

Gia đình bà hơn 10 người được UBND phường đưa về sống trong một căn nhà tạm cư của thành phố để chờ được cấp đất tái định cư. Bà Huê nói: “Trước đây tôi còn có miếng đất trồng rau, có cái ao để nuôi cá. Từ khi được đưa về đây, không biết làm gì để sinh sống”. Sống cùng dãy nhà tạm cư như bà Huê, còn có 35 hộ dân khác chưa biết đến bao giờ họ mới được cấp đất tái định cư.

Ở dự án quy hoạch khu trung tâm hành chính-  văn hóa- thương mại TP.Biên Hòa tại phường Thống Nhất, theo Phòng Quản lý Đô thị TP.Biên Hòa sẽ phải giải tỏa gần 87 héc ta  đất, do đó số hộ dân phải giải tỏa trắng rất lớn, trong đó phải tái định cư cho 1.860 hộ và bố trí tái định cư tại chỗ cho 260 hộ dân. Nhưng theo quy hoạch được duyệt thì khu tái định cư chỉ bố trí được 508 lô.

Trong khi, chính quyền địa phương và các ngành cho rằng khó khăn là do thiếu đất, thiếu vốn để xây dựng khu tái định cư, thì trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn hàng chục dự án nhiều năm chưa được triển khai, thậm chí nhiều lần gia hạn. 

Nếu tính hết 148 dự án chưa triển khai với hàng ngàn hộ dân phải được bố trí tái định cư, đây quả là vấn đề nan giải đối với thành phố Biên Hòa.

Nơi chê đất tái định cư

Mới đây, giám sát của HĐND Tỉnh Đồng Nai tại một số địa phương cho thấy các dự án phát triển nhà ở tái định cư tại các huyện đều trong tình trạng đầu tư hạ tầng xong, xét cấp đất cho hộ tái định cư làm nhà ở nhưng lại có rất ít hộ đến xây nhà ở.

Tại huyện Trảng Bom, một số khu tái định cư cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng nhưng chỉ một nửa số hộ xây nhà ở. Còn tại khu tái định cư ngư dân lòng hồ Trị An huyện Vĩnh Cửu, đã giao 35/174 lô cho các hộ tự xây nhà, nhưng chưa có hộ nào xây nhà vì các hộ dân ở đây cho rằng họ không có đủ tiền để xây nhà.

Huyện Long Thành và Nhơn Trạch, các khu tái định cư cũng chỉ có khoảng 25-30 phần trăm số hộ đến xây nhà, số còn lại đã bán sang tay để mua đất cất nhà ở nơi khác.

Ngoài ra còn có các khu dân cư đã được đầu tư mỗi nơi hàng tỷ đồng nhưng dân không đến nhận đất như khu dân cư Nam Cát Tiên, Khu dân cư Núi Tượng (huyện Tân Phú), khu dân cư ở xã Phước Bình (huyện Long Thành).

Hầu hết những người không đến ở tại các khu tái định cư đều cho rằng ở nơi mới không thích hợp. Theo thống kê của huyện Trảng Bom, địa phương này có hơn 1.000 hécta đất bị thu hồi để thực hiện 90 dự án. Tổng số hộ dân bị thu hồi đất là 2.938 hộ, bình quân đất sản xuất là 10.200m2/ hộ; số lao động bị ảnh hưởng do thu hồi đất là 11.752 người.

Nông dân sống bằng nghề nông, nên sau khi bị thu hồi đất thì toàn bộ lao động mất việc làm, số lao động được chuyển đổi nghề không nhiều. Do đó nhiều hộ sau khi bị thu hồi đất lại tìm đến nơi khác mua đất tiếp tục với đời sống nông nghiệp.

Ngoài ra tại các khu tái định cư, bắt buộc phải xây dựng theo đúng quy chuẩn, điều này vốn không thích ứng với nông dân và, hơn hết, nhiều hộ không có đủ tiền để thực hiện theo đúng quy định.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.