Nông dân bị o ép đủ đường

Chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Q.T
Chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Q.T
TP - Trước sự bất hợp lý trong việc thu mua sữa tươi của các DN đối với nông dân, hôm qua (27-5), Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh đã phải mời một số doanh nghiệp sản xuất sữa cùng các cơ quan liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ.
Chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Q.T
Chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Q.T.


Hợp đồng o ép

Ông Trần Phương Đông-Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho hay, qua phản ánh của người chăn nuôi bò sữa, Sở cũng nhận thấy hợp đồng mua bán sữa giữa các Cty sản xuất kinh doanh sữa và nông dân có rất nhiều điều khoản bất lợi cho người chăn nuôi được quy định trong hợp đồng.

Ví dụ, hợp đồng của Cty Frieslan Campina Vietnam (FCV) ghi: “Bên giao sữa có thể bị FCV cho tạm ngưng sử dụng/hủy bỏ và/hoặc thu hồi vào bất kỳ thời điểm nào nếu bên giao sữa không tuân thủ bất kỳ quy định nào của hợp đồng này” (Khoản 3.2, Điều 3). Hoặc: “Cty có quyền chấm dứt hợp đồng trong vòng 2 tuần sau đó mà không cần đưa ra bất cứ lý do nào” (Điểm b, Khoản 10.5, Điều 10).

Trong khi đó, FCV lại tự cho mình: “…nhân viên của FCV được lấy mẫu thường xuyên từ sữa tươi của bên giao sữa và/hoặc của nhóm, bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào trong dây chuyền thu mua sữa có hoặc không có mặt của bên giao sữa..” (Khoản 6.1, Điều 6). ..

Hợp đồng của Vinamilk cũng không kém phần ép nông dân. Chẳng hạn: “Bên A (Vinamilk) chỉ mua sữa của bò. không mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh khác mà bên A cho là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa được cung cấp theo hợp đồng này” (Khoản 2.1). Ông Đông cho rằng, việc quy định các bệnh không thể dựa trên nhận định có phần cảm tính của doanh nghiệp, thẩm quyền này của các cơ quan chuyên môn.

Phạt xoay tour?

“Với mức thưởng phạt bất hợp lý như hiện nay của các Cty là quá “đau” cho người nông dân”- ông Nguyễn Văn Tủi-Phó trưởng Ban KT-XH, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh bức xúc. Cụ thể, đối với Cty FCV, mức thưởng chỉ tiêu vi sinh chỉ bằng 50% so với mức trừ của chỉ tiêu này.

Vào thời điểm hiện nay, giá nguyên liệu thức ăn đầu vào các loại tăng từ 28-80%; giá thành sản xuất ra 1 kg sữa bò nguyên liệu tăng 8.000- 8.300 đồng. Nông dân bán sữa cho các công ty bị lỗ 800 đồng/kg (mặc dù Vinamilk đã tăng giá thu mua thêm 220 đồng/kg sữa qua việc hỗ trợ mùa vụ). (Nguồn: Hội Nông dân TPHCM)  

Ngoài ra, mức thưởng của chỉ tiêu tổng tạp trùng lại phân thành 3 mức và mức tiền thưởng rất thấp so với mức khấu trừ. Cũng theo ông Đông, với FCV, người nông dân bị trừ tiền 2 lần, vừa bị trừ tiền theo kết quả kiểm tra chất lượng của nhóm (kiểm tra), vừa bị trừ do kết quả kiểm tra chất lượng của cá nhân.

Không những thế, khi người nuôi bò đã cải thiện tất cả các điều kiện vệ sinh theo khuyến cáo của bộ phận kỹ thuật Cty FCV, nhân viên Cty đã đến kiểm tra và không tìm thấy nguyên nhân nhưng vẫn bị trừ chỉ tiêu tổng tạp trùng.

“Tất cả người dân cùng áp dụng một công thức đó, nhưng tuần này người này bị phạt, tuần sau lại đến người khác bị. Có phải chăng đó là phạt xoay tour?” - Ông Dương Văn Nhân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG