Nữ tiến sĩ và sáng chế triệu đô

Nữ tiến sĩ và sáng chế triệu đô
TP - Hôm nay (8/3), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng danh giá Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ xuất sắc nhất. PGS.TS Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) là một trong hai người được vinh danh với thành công đột phá trong nghiên cứu vắc xin phòng bệnh.

Giảm hàng nghìn trẻ tử vong mỗi năm

Công trình khoa học gắn liền với tên tuổi của PGS.TS Lê Thị Luân là đề tài nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh rotavirus (còn gọi là bệnh tiêu chảy mùa đông) ở trẻ em.

Suốt 16 năm liên tiếp, nữ nhà khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu sản xuất loại vắc xin mà thế giới mới có ba quốc gia chế tạo được. Hai năm đầu thất bại, hàng nghìn chủng nhân lên tế bào không thành công. Nữ nhà khoa học không nản lòng. Bà nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài để tiếp tục nghiên cứu. 

Nữ tiến sĩ và sáng chế triệu đô ảnh 1

PGS.TS Lê Thị Luân

Sau 16 năm, bà cùng đồng nghiệp đã tạo được một hệ thống chủng giống virus Rota, nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vắc xin Rota, giúp Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vắc xin cập nhật quốc tế, không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại.

Thêm hai đề tài nghiên cứu tiếp theo, vắc xin Rota đã được sản xuất thành công tại Việt Nam. Trên thị trường, giá bán vắc xin Rota do Việt Nam sản xuất chỉ bằng một phần ba giá nhập ngoại. Đây không chỉ là thành công vang dội PGS.TS Lê Thị Luân mà là thành tựu to lớn ngành y học. Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota.

Theo tính toán, với thành công của PGS Luân cùng các đồng sự, nước ta sẽ giảm 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota. Mỗi năm sẽ tiết kiệm được 5,3 triệu đô la Mỹ.

Thành công nhờ hỗ trợ từ mẹ chồng

PGS.TS Lê Thị Luân quê ở xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Bà tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1986, tốt nghiệp bác sỹ nội trú vi sinh học Đại học Y Hà Nội năm 1989, bảo vệ luận án tiến sỹ năm 1997.

Không chỉ là một bác sỹ, một nhà khoa học, bà còn là một giảng viên kiêm nhiệm ở nhiều cơ sở đào tạo như Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội.

Để có thể hoàn thành tốt các công việc được giao, TS Luân kể, bà may mắn có được một người mẹ chồng tuyệt vời. “Mẹ tôi cũng làm y tá, bà rất thông cảm cho nghề của con dâu. Bà tận tụy chăm sóc các cháu để tôi có thể hoàn toàn yên tâm công tác” (TS Luân có hai người con, chồng đã mất). Nhờ sự ủng hộ đó, nữ nhà khoa học có nhiều thời gian cho công việc. Không chỉ thành công với vắc xin Rota, TS Luân cũng tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin IPVs, nghiên cứu sản xuất vắc xin Sởi, nghiên cứu sản xuất vắc xin H1N1 trên tế bào vero.

Ở tuổi 52, tiến sỹ Luân vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu. Bà đang tham gia cùng lúc ba đề tài nghiên cứu quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế gồm nghiên cứu vắc xin bại liệt bất hoạt, vắc xin tay chân miệng, vắc xin đa giá. Trong đó, TS Luân làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vắc xin chân tay miệng. Hiện đề tài đã xong giai đoạn tạo chủng, đang tiến hành thử nghiệm trên động vật.

Đây không chỉ là thành công vang dội PGS.TS Lê Thị Luân mà là thành tựu to lớn ngành y học. Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota

MỚI - NÓNG