Ổn định cuộc sống khu TĐC thủy điện A Vương: Vẫn phải ráng chờ!

Ổn định cuộc sống khu TĐC thủy điện A Vương: Vẫn phải ráng chờ!
TP - Ông Đỗ Tài, Trưởng ban  giải phóng mặt bằng thủy điện A Vương cho biết huyện vừa lập dự án qui hoạch mở rộng khu TĐC thủy điện A Vương với số tiền là 45 tỷ đồng, mà tâm điểm  vấn đề là bố trí dân phát sinh đến 2015.
Ổn định cuộc sống khu TĐC thủy điện A Vương: Vẫn phải ráng chờ! ảnh 1
Ngôi nhà tái định cư của A rất Síu bị bỏ hoang

Tổ máy số 1 nhà máy thủy điện A Vương vừa hòa vào lưới điện quốc gia, dự kiến tháng 1/2009, tổ máy cuối cùng sẽ đóng điện. Trong khi đó, gần 260 hộ người Cơ tu tái định  cư (TĐC) từ dự án thủy điện trên mấy năm qua đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sạt lở, nhà hư nát, thiếu đất sản xuất, thiếu  đói, mặc dù mỗi hộ đã được đầu tư  tiền hỗ trợ khá lớn.

Tiền phong đã rất nhiều lần đề cập đến hiện trạng trên, nhưng đến bây giờ, bà con nơi đây vẫn phải chờ “giải cứu” từ chính quyền...

Điệp khúc có từ 2006

Chúng tôi trở lại khu TĐC Pachepalanh ở xã Macooih, huyện Đông Giang. Mưa lớn góp phần làm xói thêm, đẩy nhiều ngôi nhà ra gần miệng vực. Lãnh đạo huyện cho biết đã đưa tre vào trồng nhiều, kèm theo là  cây keo, nên chuyện sạt lở ở khu này không đáng lo bằng khu Cutchơrun. Nếu tiếp tục mưa lớn như  năm ngoái thì thôn A Đền nằm trong khu Cutchơrun trên sẽ bị sạt lở gần như hoàn toàn. 

Phó thôn A Giang  Pachepalanh  là anh Arất Arướp thở dài ngao ngán: “Đất toàn sỏi, chỉ biết trồng keo. Thiếu đất trồng lúa,   từ ngày  hết hỗ trợ gạo, phải lấy sắn thay gạo. Nhiều nhà đã bỏ đi do sạt lở, nứt  đổ như nhà Arất Síu, Arất Blua, Arất Đươi, Alăng  Apây. 

Cầu thang, lan can nhà làm bằng gỗ tạp, toàn bộ đã hư hỏng, dân  có biên bản gửi lên trên rồi, đề nghị mà không được. Họ (Ban Quản lý thủy điện A Vương-PV) làm  cầu thang bằng bê tông trị giá 15 triệu, dân mình không chịu, bảo đưa tiền đây mình làm bằng gỗ, họ không đưa, sau rồi họ hứa cho 3-5 triệu, nhưng chưa thấy gì… Nhiều người đã bị ngã, nhất là  con nít. Vừa rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã là Alăng Pích ngã do cầu thang bị mục!”.

Về việc này, ông Đỗ Tài, Trưởng ban  giải phóng mặt bằng thủy điện A Vương, cho biết: “Dân bảo  làm cầu thang bê tông đâm thẳng vào nhà như đi thẳng vào nhà mồ nên họ không chịu. Giá 15 triệu/cầu thang là do huyện đưa ra, nhưng bên thủy điện không đồng ý, bởi họ  đã  xong trách nhiệm TĐC. Huyện xin họ nâng từ 3 lên 5 triệu cũng không được. Chỉ còn cách thuyết phục bà con, cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, sau đó sẽ tính. Tại đây còn một tình trạng nữa là thấy có điện, ai nấy xài vô tư nên nợ tiền điện đến 150 triệu, trung bình mỗi nhà 3-4 triệu. Ai nợ thì người nấy trả thôi. Còn chuyện sạt lở, phía thủy điện hứa sẽ khắc  phục nhưng chỉ khắc phục những điểm nhỏ mà thôi”.

Thôn phó Arất Arướp thì bảo: “Dân mình làm chi có tiền mà trả, đưa biên bản  lên xã rồi. Trời nóng  không nằm quạt thì sao chịu nổi, nhà thấp, lợp tôn, nóng như hun chuột, muốn tránh thì chỉ còn cách  rúc  xuống đất! Nhà không ở  được do sụt lở bảo thì mình lại vào rừng thôi”.

45 tỷ đồng “giải cứu”

Ông Đỗ Tài cho biết huyện vừa lập dự án qui hoạch mở rộng khu TĐC thủy điện A Vương với số tiền là 45 tỷ đồng, mà tâm điểm  vấn đề là bố trí dân phát sinh đến 2015, xin thêm đất để giải quyết bài toán thiếu đất sản xuất, rồi giãn dân về phía tây, dọc theo đường An Điềm-A Sờ.

Số tiền trên lồng ghép từ Chương trình 135, 134, tiền ngân sách tỉnh 5 tỷ, thủy điện A Vương 5 tỷ đồng. Nếu có tiền, thì sản xuất chính là mục tiêu đầu tiên phải hướng đến, với phương thức nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc, bằng hình thức trồng lúa và keo quay vòng, để ổn định đời sống nhân dân.

Huyện cũng sẽ lấy thêm đất ven hồ, rồi đề nghị cho dân khai thác thủy sản lòng hồ. Đó là những cách cuối cùng và huyện tin rằng sẽ làm được để giúp bà con ổn định cuộc sống. Nhưng tất cả mới chỉ trên giấy tờ.

Thực tế phía thủy điện đã từ chối thẳng thừng vì đã hết  trách nhiệm, bây giờ  họ chỉ làm nghĩa vụ với  Nhà nước. Tiền rót về từ tỉnh có hay không chưa biết. Nếu dự án này không thực hiện được thì coi như... bó tay! 

Huyện cũng đang trông chờ công trình thủy điện trên nằm ở đất Đông Giang, phía thủy điện thu lợi từ việc bán điện nên họ phải có trách nhiệm với địa phương, chia sẻ lợi ích cho dân vùng bị thiệt hại, lúc đó huyện sẽ có thêm một khoản tiền để lo cho dân. Nhưng cơ sở pháp lý nào ràng buộc điều trên?

Ông Tài cho rằng đó là nghị định của Chính phủ quy định chia sẻ lợi ích về thiệt hại khi tiến hành các công trình, dự án, nhưng nghị định trên mới ở dạng dự thảo,  nghe đâu đến 2010 mới ban hành. Dù vậy vẫn cứ ráng chờ!

MỚI - NÓNG