Oxfam Hồng Kông ủng hộ 5 triệu USD cho 3 tỉnh miền Trung

Oxfam Hồng Kông ủng hộ 5 triệu USD cho 3 tỉnh miền Trung
TPO - Trên 20 năm hoạt động tại Việt Nam, tổ chức Oxfam Hồng Kông đã giúp hàng nghìn hộ dân tại nhiều địa phương chủ động hơn trong sản xuất, thoát nghèo. Trong năm tài khóa 2011 – 2014, tổ chức này tiếp tục tài trợ 5 triệu USD cho 3 tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Nông.
Oxfam Hồng Kông ủng hộ 5 triệu USD cho 3 tỉnh miền Trung ảnh 1
Những sản phẩm của người dân sẽ được hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: M.Đ

Ưu tiên đồng bào dân tộc

Theo đó, Oxfam triển khai 3 chương trình chính: tạo sinh kế bền vững cho nông dân nghèo; thị trường vì người nghèo; giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đối tượng hưởng lợi là đồng bào dân tộc, miền núi, những đối tượng dễ bị tổn thương như hộ đặc biệt khó khăn, hộ nghèo.

Anh Phạm Quang Trung, cán bộ của Oxfam Hồng Kông cho biết, trong chương trình sinh kế, các cán bộ của dự án sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững cho bà con. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của địa phương, Oxfam sẽ cùng bà con tìm ra hướng tiếp cận thị trường hiệu quả, từ đó tiêu thụ nông sản dễ dàng với giá có lợi nhất.

Trong chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai, Oxfam triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, giúp nông dân nghèo chuẩn bị phòng chống các rủi ro thiên tai. Trong năm tài khóa vừa qua, Oxfam Hồng Kông đã giúp nông dân 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) tham gia vào các tổ nhóm: dệt thổ cẩm; trồng chè; chăn nuôi bò. Hiện, các tổ nhóm này đều phát huy hiệu quả, giúp bà con chủ động hơn trong sản xuất.

Tham gia vào nhóm chăn nuôi bò, ông Vũ Dương Hải, Trưởng bản Mác, xã Thạch Giám (Tương Dương) được hỗ trợ 88 triệu đồng để tổ chức thu mua và tiêu thụ bò thịt cho bà con trong bản. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển, có của ăn của để, phong trào chăn nuôi bò của bản theo đó cũng phát triển bền vững vì đầu ra ổn định. Vui nhất là bà con trong bản được trả tiền ngay, liên tục có vốn để đầu tư sản xuất.

Trình độ sản xuất được nâng cao

Ông Hoàng Đình Hợi, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Tương Dương khẳng định: Cái được lớn nhất khi bà con tham gia các chương trình, dự án là trình độ dân trí được nâng cao, từ đó bà con đổi mới phương thức sản xuất, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây – con mới, do đó kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Hiện bà con rất mong Oxfam có những dự án đầu tư dài hơi với số vốn lớn hơn.

Chị Vi Thị Tình, 42 tuổi, dân tộc Thái ở huyện Tương Dương tâm sự: “Từ khi tham gia vào nhóm dệt thổ cẩm (năm 2003), tôi có cơ hội đi dự các hội chợ và tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Điều quan trọng là tại đây, chúng tôi đã tìm hiểu được người tiêu dùng thích gì, không thích cái gì, từ đó làm ra những sản phẩm được ưa chuộng như khăn, gối, tranh thêu...”.

Do hoạt động hiệu quả, các thành viên đều tăng thu nhập nên đến nay, nhóm dệt thổ cẩm của chị Tình đã tăng từ 7 người lên 25 người. Cứ sau một đợt bán hàng, các chị lại trích một phần lợi nhuận để giúp đỡ những chị em còn khó khăn.

Đặc biệt là tại Quảng Trị, trong kế hoạch hợp tác đến 2013, Oxfam Hồng Kông đưa ra mục tiêu giúp khoảng 50.000 người tại 17 xã của 3 huyện: Đắk Rông, Hướng Hóa và Hải Lăng được hưởng lợi thông qua các chương trình, dự án lồng ghép vào những chương trình Quốc gia như Chương trình 30a, Chương trình 135, Chiến lược Quốc gia về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chương trình hành động Quốc gia về biến đổi khí hậu...

Theo Quảng cáo
MỚI - NÓNG