Phá rừng để trồng rừng

Phá rừng để trồng rừng
TP - Thời gian gần đây nhiều người dân xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phản ánh: Rừng khu vực thượng nguồn này bị xẻo thịt tàn khốc.
Phá rừng để trồng rừng ảnh 1
Rừng tái sinh tại Cẩm Thịnh đã bị “xẻo thịt”

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, đó là rừng được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép khai thác theo chủ trương chuyển đổi từ rừng tái sinh sang rừng sản xuất. Lợi dụng việc này nhiều vùng rừng xanh tốt khác cũng bị “xẻo thịt”.

Từ trạm bảo vệ số 6 của tiểu khu 325A thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, được một số người dẫn đường, chúng tôi đã chứng kiến rừng Cẩm Thịnh bị chặt phá tan hoang. Được biết, khu vực này có 6 tiểu khu thì cả 6 đã bị chặt phá.

Hỏi một số cán bộ của trạm bảo vệ, được giải thích: Đây là rừng tái sinh. Cách đây 15 - 20 năm về trước rừng này còn nguyên sinh, sau đó bị khai thác và trở thành rừng tái sinh, từ năm 2003 đến nay, rừng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch trong diện rừng chuyển đổi từ “tái sinh” sang “rừng sản xuất” (rừng nguyên liệu). Do vậy, bà con thoải mái khai thác để trồng rừng mới.

Những lô khoảnh 4 và 5 là một dọc dài màu đen trụi, vì cây lớn bị đốn ngã, cây con chặt xong bà con châm lửa đốt. Xe công nông, xe bò lốp rồi ùn ùn chở gỗ ra ngoài.

Mỗi chuyến ra vào Trạm bảo vệ số 6, thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, người vận chuyển phải nạp cho người đứng gác 20.000 đồng. Đứng từ phía xa, một cán bộ kiểm lâm chỉ tay cho biết: “Khu vực khoảnh 6 là diện tích rừng phòng hộ nhưng đã bị bà con  khai thác lấn sang khoảng 2 ha”.

Một số người bảo vệ rừng cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay có khoảng 5 ha rừng đã bị “xẻo” tan hoang, vì để phục vụ dự án trồng rừng mới. Điều đáng nói là một số diện tích rừng trồng mới do thiếu chăm sóc nên hơn hai năm tuổi rồi mà cây vẫn còn thấp hơn cỏ dại. 

Một số người dân Cẩm Thịnh bức xúc cho biết: Hầu hết rừng thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ được quy hoạch thành rừng sản xuất và đất rừng đã được cán bộ chia nhau. Trong đó chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và một số quan chức khác của địa phương.

Trong khi người dân không mấy ai có đất rừng thì nơi đây còn được tỉnh Hà Tĩnh thu hồi 607,1 ha rừng sản xuất tại tiểu khu 336 A thuộc xã Cẩm Thịnh và tiểu khu 330 thuộc xã Cẩm Sơn để cho Cty TNHH Ngọc Hải thuê, nhưng thực chất là để quản lý khai thác và sản xuất. Điều này đã gây bất bình trong nhân dân Cẩm Xuyên và thậm chí cả tỉnh Hà Tĩnh.

Ngoài ra, lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng, nhiều “đầu nậu” còn xúi giục người dân địa phương phá rừng lấy gỗ để bán. Không ít người than phiền: Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì chỉ nay mai thôi, mùa mưa đến rất dễ xảy ra lũ quét ở thượng nguồn.

Người dân Hà Tĩnh chưa hết bàng hoàng khi nghĩ tới đợt lũ quét hồi 3 năm trước, từng gây bao tang thương cho đồng bào khu vực miền Tây của tỉnh mình. Biết thế; nhưng không hiểu sao ở vùng Cẩm Xuyên này người ta vẫn ồ ạt “xẻo thịt” rừng tái sinh.

Đành rằng chủ trương trồng rừng mới là đúng đi chăng nữa thì trong khi cây con chưa trồng, cây to đã chặt trụi như cách làm của Hà Tĩnh liệu có đáng làm?   

MỚI - NÓNG