Phải bàn giao trên thực địa cho từng địa phương

Phải bàn giao trên thực địa cho từng địa phương
TP - Hội nghị T.Ư 3, khoá XI tiếp tục nhấn mạnh việc tăng cường bảo đảm an ninh lương thực, quyết giữ 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa.

Giữ 3,8 triệu héc ta đất lúa:

Phải bàn giao trên thực địa cho từng địa phương

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên&Môi trường), muốn thực hiện được điều này, phải tính đến chuyện bàn giao diện tích đất lúa trên thực địa cho mỗi địa phương.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên&Môi trường)
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên&Môi trường).

Ông Chính cho biết: Bộ Tài nguyên & Môi trường được Chính phủ giao lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ nay đến 2020, trình Quốc hội trong kỳ họp tới, trong đó có nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng diện tích đất trồng lúa. Hiện nay, chúng ta có hơn 4,1 triệu ha đất trồng lúa và sẽ đảm bảo giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa.

Tuy nhiên, khi giữ được con số này, một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long phải “hy sinh” quyền lợi, giảm bớt nhu cầu phát triển dịch vụ, công nghiệp.

Những địa phương này có thể sẽ phải chấp nhận giảm tốc độ tăng trưởng, không ưu tiên dành đất cho công nghiệp dịch vụ để đảm bảo giữ cho được diện tích đất lúa.

Hội nghị Trung ương Đảng lần này cũng cho thấy trung ương càng nhìn nhận rõ tầm chiến lược của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lúa gắn liền với an ninh lương thực quốc gia.Việc phát triển, xây dựng quy hoạch phải tính liên vùng, trên toàn quốc chứ không thể chỉ bó hẹp mỗi địa phương.

Ông từng nói khâu quy hoạch sử dụng đất đang có vấn đề, và với đất lúa cũng không nằm ngoài tồn tại này. Vấn đề cụ thể ở đây là gì?

Khi Quốc hội đã thông qua thì nội dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ấy có tính pháp lý cao nhất, nhưng vừa qua chúng ta chưa thực hiện triệt để yêu cầu này. Thực ra quy hoạch sử dụng đất đang bị chi phối bởi nhiều quy hoạch khác, chẳng hạn như quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành, do đó khâu triển khai quy hoạch sử dụng đất như đề ra bị hạn chế.

Ngay trong Luật Đất đai cũng quy định căn cứ để quyết định cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Trong khi 3 quy hoạch này khác nhau, có trường hợp không thống nhất.

Trong khi đó vấn đề kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế, giám sát chủ yếu thông qua báo cáo.

Lập quy hoạch trước đây, trong đó quy hoạch diện tích đất lúa chỉ ở mức đưa ra các con số, chưa thể hiện nó bằng những diện tích và ranh giới cụ thể. Điều này làm hạn chế quá trình thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch đất lúa ở các địa phương.

Trong 10 năm qua, theo báo cáo, chúng ta mất khoảng 270.000 ha đất lúa. Con số trên không quá lớn nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu diện tích mất vừa nêu chủ yếu nằm ở khu vực đất có giá trị thổ nhưỡng cao, phù hợp cho trồng lúa thì rất đáng lo ngại.

Giữ đất la phải giao cho từng địa phương trn thực địa Ảnh: Duy Khương
Giữ đất la phải giao cho từng địa phương trn thực địa Ảnh: Duy Khương.

Theo ông, giải pháp cho mục tiêu giữ diện tích 3,8 triệu ha đất lúa trong thời gian tới là gì?

Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, không bị tư duy nhiệm kỳ, lợi ích địa phương chi phối. Hiệu lực của quy hoạch sử dụng đất phải rõ. Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước, làm cơ sở cho các quy hoạch khác.

Khi đi vào thực thi, phải có cơ chế hỗ trợ nông dân và địa phương để bảo vệ diện tích lúa.Chúng ta cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống viễn thám để kiểm kê, kiểm tra, giám sát theo dõi các biến động về diện tích lúa. Tiến tới bàn giao trên thực địa diện tích đất lúa với ranh giới, vị trí cụ thể cho các địa phương. Các địa phương phịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đảm bảo diện tích đất lúa.

Với các khu công nghiệp hiện nay, nhiều diện tích trồng lúa bị bỏ hoang hoá do bị ảnh hưởng môi trường khu công nghiệp và hệ thống thủy lợi hư hỏng, nên cần nhanh chóng khôi phục diện tích này, tránh lãng phí.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG