Phập phù nhà công thành nhà tư?

Phập phù nhà công thành nhà tư?
TP - Trong đơn gửi các cơ quan chức năng và Báo Tiền Phong, bà Đoàn Thị Tuyết trú tại số 23 Hàng Giầy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh có dấu hiệu tiêu cực về việc Xí nghiệp Quản lý - Phát triển nhà (QLPTN) số 3 đã chuyển diện tích nhà chuyên dùng của Nhà nước tại tầng một cho cá nhân dưới dạng hợp đồng thuê nhà ở.

Ngôi nhà ba tầng số 23 Hàng Giầy trước đây thuộc sở hữu của cụ Nguyễn Thị Khang (đã mất) là mẹ bà Tuyết. Thời kỳ cải tạo nhà, cụ Khang bàn giao tầng một ngôi nhà cho Nhà nước quản lý, gia đình sử dụng tầng hai và ba.

Năm 1992 đơn vị quản lý nhà ký hợp đồng với bà Đinh Thị Lý là Giám đốc Cty dịch vụ, du lịch ăn uống Hoàn Kiếm thuê tầng một với mục đích để kinh doanh. Năm 1994 khi bà Lý chết, Xí nghiệp QLPTN ký hợp đồng sang tên cho ông Bùi Chí Thành con bà Lý để tiếp tục thuê kinh doanh với giá kinh doanh.

Tuy nhiên, ngày 28/4/2009, không hiểu lý do gì khi ký lại hợp đồng thuê nhà, Xí nghiệp QLPTN số 3 lại cho phép ông Thành thuê diện tích 40,8m2 tầng một số 23 phố Hàng Giầy với mục đích nhà ở chứ không phải nhà kinh doanh như quy định.

Phát hiện sự việc, gia đình bà Tuyết làm đơn tố cáo việc ký kết sai quy định giữa đơn vị quản lý nhà và gia đình ông Thành.

Ngày 29/6, Cty Quản lý, phát triển nhà Hà Nội có công văn 2328 thông báo hủy bỏ hợp đồng trên, và giải thích “Lý do Xí nghiệp QLPTN số 3 tính sai giá thuê từ giá kinh doanh sang giá thuê ở”.

Cũng trong công văn này, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội yêu cầu Xí nghiệp QLPTN 3 nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân các cán bộ tham gia thụ lý, thiết lập hợp đồng thuê nhà trên.

Bà Tuyết cho rằng: “Hợp đồng cho thuê từ trước đến nay rõ ràng, nên việc đơn vị quản lý nhà giải thích là do tính nhầm là không thoả đáng. Giả sử nếu gia đình tôi không có đơn phản ánh thì trên 40m2 “đất vàng” ở mặt phố Hàng Giầy giá hàng tỷ đồng này rất có thể bị chuyển từ đất công sang đất tư”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sau khi phát hiện Sở đã yêu cầu dừng ngay việc ký hợp đồng để ở mà phải ký theo quyết định 26 của UBND TP để kinh doanh. Tuy nhiên, nếu ký theo quyết định 26 lại phát sinh tình huống là phải ký với tổ chức, chứ không được ký với cá nhân.

“Vì anh Thành không phải là tổ chức đứng ra thuê kinh doanh mà chỉ là hộ gia đình nên không đủ điều kiện. Về việc này Sở đã gửi văn bản lên UBND TP đề xuất hai phương án. Một cho phép ký hợp đồng kinh doanh cho cá nhân (gia đình ông Thành) để gia đình này tiếp tục kinh doanh. Hai là cho phép bán theo giá thị trường, nếu gia đình ông Thành không mua thì tổ chức bán công khai” - Ông Tuấn nói.

Quyết định số 26/2008 của UBND TP Hà Nội, chỉ ban hành giá cho thuê nhà đối với đơn vị, tổ chức đang thuê nhà làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ, không bao gồm đối tượng được thuê là hộ gia đình.
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.